Chiều 8/12, kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa X tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn Chủ tịch TPHCM Phan Văn Mãi. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Bố trí đủ ngân sách để thực hiện các gói hỗ trợ người dân đã ban hành
Tại phiên chất vấn, đa số các đại biểu tập trung vào công tác an sinh xã hội, củng cố năng lực y tế cơ sở, cải cách hành chính, về tội phạm, về đào tạo nghề cho lao động mất việc trong đại dịch….
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Bình Chánh) cho rằng y tế cơ sở hiện nay yếu và thiếu. Bên cạnh đó, công tác việc cải cách hành chính vẫn còn nhiều tồn động, bất cập, UBND TP cần có chỉ đạo để cải thiện về cải cách hành chính.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú (Bình Tân) đặt vấn đề liên quan đến nguồn vốn xóa đói giảm nghèo. Đạo biểu cho rằng, năm 2021 chưa thực hiện được, năm 2022 vẫn đang xem xét, vậy với tư cách Chủ tịch, đồng chí cho biết xem xét đến thời gian nào?
Đại biểu - Thượng tọa Thích Minh Thành (Bình Thạnh) quan tâm đến vấn đề tội phạm, nhất là gần dịp Tết. Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đặt vấn đề với Chủ tịch TP về việc đào tạo nghề và kết nối cung cầu lao động cho người lao động mất việc trong đại dịch….
Trao đổi về an sinh xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi nhận định đây là vấn đề lớn, TP đã làm được rất nhiều, dù vậy, nhận thấy: “vẫn chưa tròn với người dân TP”.
Từ lần đầu, khi thực hiện giãn cách, đời sống bà con rất khó khăn, TP có chính sách hỗ trợ bà con gặp khó khăn từ rất sớm. Nhưng khi bàn xong chính sách và cấp phát thì số lượng người khó khăn ngày càng tăng.
Khi dịch ở giai đoạn cao điểm, lượng người gặp khó khăn rất nhiều, lúc này, TP bị động, lúng túng trong xác định đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ... Việc này gây nhiều khó khăn cho cơ sở trong tổ chức thực hiện. Đến nay, vẫn còn bà con còn thắc mắc về việc có người chưa được lập danh sách, cách hỗ trợ với hình thức khác nhau… “Dịch bệnh nhanh, khó lường, chúng ta chưa chuẩn bị kịch bản an sinh xã hội nên bị động, lúng túng. Do đó, quá trình thực hiện còn hạn chế”, Chủ tịch Phan Văn Mãi thừa nhận.
Thời gian tới, TP bố trí đủ ngân sách để thực hiện các gói đã ban hành. Các ngành chức năng TP và quận, huyện sẽ tiếp tục rà soát để cấp phát cho người dân nhằm đảm bảo trường hợp khó khăn tiếp cận được gói an sinh, giúp bà con phần nào giải quyết được khó khăn. “Mức hỗ trợ chưa nhiều nhưng là tình cảm, tấm lòng, sự chăm lo của TP”, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ.
Tiếp cận đầu tư công để thực hiện dự án đường Vành đai 3
Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề về an sinh, phát triển đô thị. Đại biểu Võ Thị Trung Trinh (Gò Vấp) cho rằng TP đang thiếu nguồn vốn cho các dự án và cần làm sao khai thác nguồn lực tư nhân.
Cùng quan tâm, đại biểu Lê Thị Ngọc Thanh (Quận 12) cho rằng bên cạnh việc phục hồi kinh tế, lãnh đạo TP cũng quan tâm giao thông trọng điểm. Đại biểu cho rằng trong phiên chất vấn buổi sáng, liên quan dự án Vành đai 2, 3, báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tình hình rất khó khăn, không rõ thời điểm bố trí vốn. “Do đó, Chủ tịch UBND TP cần có giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là dự án Vành đai 2, 3”.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết: dự án Vành đai 2, TP cố gắng trong năm 2022 cân đối nguồn vốn để khởi động, hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Riêng dự án Vành đai 3, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho TP và các địa phương nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, vừa qua TP phối hợp Long An, Bình Dương, Đồng Nai nghiên cứu nhận thấy hình thức đầu tư này chưa khả thi, phải mất đến 29 năm để thực hiện.
Do đó, sau khi thống nhất với các tỉnh liên quan, TP đã báo cáo với lãnh đạo các địa phương để nghiên cứu, tiếp cận đầu tư công nhằm thực hiện dự án Vành đai 3, quyết tâm thực hiện trong 2021-2025. “Nếu ngân sách Trung ương khó khăn thì sẽ cân đối nguồn vốn địa phương để giải phóng mặt bằng. TP sẽ quyết tâm thực hiện các dự án vành đai vì những công trình quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển của TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...”.
Về vấn đề nguồn lực xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP nhận thức đây là vấn đề cực kỳ lớn và rất quan trọng nên cần cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính để giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông nguồn vốn này.
Đối với các dự án đang tồn đọng, Chủ tịch UBND TP cho biết tổ công tác đầu tư, giải quyết khó khăn vướng mắc tập trung phân nhóm giải quyết. Từ ngày 1/10 đến nay, gần 2 tháng, mỗi tuần tổ này giải quyết được 7-10 hồ sơ. Bên cạnh đó, TP sẽ rà soát, phân loại lại trên tinh thần dự án nào có thể đầu tư tư nhân hoặc hợp tác công tư thì kêu gọi đầu tư. TP sẽ cải cách hành chính, đồng hành với nhà đầu tư để giải quyết khó khăn.
Vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết TP đã có kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 và sớm triển khai đề án nhà ở giá rẻ cho người lao động, người thu nhập thấp tiếp cận được dưới hình thức thuê hoặc mua. TP sẽ kêu gọi, huy động mọi nguồn lực để thực hiện các chương trình này.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP cho biết hiện nay TP đã vận dụng các chính sách của Trung ương và TP để hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ giảm các chi phí sản xuất kinh doanh mở rộng, gia nhập thị trường cũng như tái cấu trúc lại thị trường…
Trong thời gian dịch bệnh, TP tiếp xúc thường xuyên với các hiệp hội doanh nghiệp để nghe ý kiến về biện pháp chống dịch và phản ánh của doanh nghiệp nhằm tổng hợp để phản ánh về Trung ương, cũng như có biện biện pháp kịp thời tháo gỡ.
Từ việc làm này giúp TP sớm cập nhật được góp ý để đề xuất xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện. Sắp tới, TP tiếp tục giữ sự tiếp xúc với các hiệp hội, doanh nghiệp, kịp thời lắng nghe ý kiến, hiểu khó khăn vướng mắc để đồng hành cùng doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp hiện khó khăn nhiều về vốn, lao động, gia nhập, mở rộng thị trường nhưng vấn đề họ cần nhất là sự thấu hiểu khó khăn và kịp thời tháo gỡ của chính quyền", Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh và cho rằng hiện nay doanh nghiệp còn gặp khó khăn về lao động. Hiện TP đã có nhiều chương trình để đưa người lao động trở lại TP, hỗ trợ người lao động tiêm vaccine, hỗ trợ chỗ ở, việc làm.