Phân quyền mạnh hơn cho cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở, khu đô thị

Thứ Tư, 08/12/2021 12:08

|

(CAO) Theo dự thảo luật, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người.

Phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt

Thay mặt Chính phủ, sáng nay (8/12), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình Uỷ ban Thường Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật, gồm: Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Đầu tư, Đấu thầu, Điện lực, Doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thi hành án dân sự.

Báo cáo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, với mục tiêu tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị cho các địa phương, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 để thực hiện phân quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Dẫn ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Xây dựng, ông Long diễn giải, đề xuất phân cấp nêu trên vẫn được xác định theo 1 trong 2 tiêu chí về quy mô dân số hoặc quy mô sử dụng đất, tương tự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư hiện hành.

Dự luật mới còn sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 32 để phân quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.

Vẫn theo ông Long, dự luật cũng bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33 quy định về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư gồm “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa (đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32 Luật này)”.

“Theo quy định này, việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt sẽ phải tuân thủ các yêu cầu, điều kiện và phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưỏng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa” – Bộ trưởng Long phân tích.

Ông nêu rõ, quy định này tạo cơ chế để tăng cường giám sát, kiểm tra khi phân cấp, đảm bảo các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa có ý kiến đối với dự án ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cùng với đó, dự luật sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp: có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; có quyền sử dụng đất ở họp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở; có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Các trường hợp kể trên phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai; thu hồi đất để đẩu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, không thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đánh giá toàn diện tác động của chính sách

Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, Thường trực Uỷ ban này đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá cụ thể việc phân cấp để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi.

Chủ nhệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, để làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách, ông Thanh đề nghị Chính phủ cung cấp thông tin về các trường hợp cụ thể tại khu vực bảo vệ II của các di tích đang gặp vướng mắc trong thực tiễn thực hiện quy trình chấp thuận chủ trương đầu tư, báo cáo rõ các vướng mắc do quy định của Luật hay do văn bản dưới luật và quá trình tổ chức thi hành.

Chính phủ cũng được đề nghị tiếp tục rà soát điểm g được bổ sung vào khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư bảo đảm thống nhất với khoản 3 Điều 32 Luật Di sản văn hóa, tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Liên quan đến hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, ông Thanh thông tin, đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với nội dung trình của Chính phủ, song đề nghị cơ quan soạn thảo tổng kết đầy đủ, khách quan về thực trạng triển khai thi hành quy định hiện hành, đánh giá toàn diện các tác động của chính sách.

2 cơ quan của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉnh lý phương án quy định 3 hình thức sử dụng đất đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, bảo đảm tính chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, tránh tình trạng phát triển một cách tràn lan, manh mún, gây khó khăn cho Nhà nước trong việc thu hồi đất, quy hoạch phát triển các đô thị quy mô lớn, ảnh hưởng đến lợi ích xã hội.

Lưu ý thêm, thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng cần thống nhất quan điểm về phạm vi sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật chỉ về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 29 Luật Đầu tư.

Đối với các nội dung khác liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ tài chính, Thường trực Uỷ ban đề nghị thực hiện theo quy định của các luật chuyên ngành.

“Nghiên cứu không quy định nội dung chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự thảo Luật mà giao Chính phủ rà soát tổng thể, quy định cụ thể theo các nguyên tắc, yêu cầu đã được thống nhất tại Thông báo số 582/TB-TTKQH; báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – ông Thanh nêu yêu cầu, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung tương ứng quy định tại Nghị định số 30/2021/NĐ-CP và bổ sung văn bản này trong Hồ sơ dự án Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang