Lòng tin của người dân là động lực quan trọng quyết định hiệu quả chống dịch

Thứ Ba, 07/12/2021 16:12

|

(CAO) Đây là một trong những gợi ý được đưa ra sau kết quả khảo sát cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 của các cấp chính quyền. 

Cuộc khảo sát qua điện thoại chuyên sâu được thực hiện bởi Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) cùng sự hỗ trợ và đồng hành của Bộ Ngoại giao và Thương mại, Chính phủ Australia (DFAT) từ ngày 17-9 đến 15 -10-2021 với sự tham gia của 1.501 người dân.

Kết quả khảo sát được công bố tại buổi toạ đàm diễn ra hôm qua (7/12) cho thấy, so với năm 2020, tác động của đại dịch trong năm 2021 được đánh giá là nghiêm trọng hơn. Người dân rất lo lắng về tình hình sức khỏe cá nhân (68% số người được hỏi) và việc học tập của con cháu (76%).

Quang cảnh buổi toạ đàm (ảnh: UNDP)

Năm 2021, tác động tiêu cực lên việc làm và thu nhập của COVID-19 cũng rõ rệt hơn với 77% người được hỏi cho biết thu nhập bị giảm, đặc biệt là đối với những người thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động tự do phi nông nghiệp, lao động không có tay nghề, lao động làm việc trong các ngành dịch vụ và những người sống sinh sống tại các khu vực có thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Đánh giá về các biện pháp ứng phó của các cấp chính quyền trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đa số người trả lời khảo sát nhìn nhận mức độ hiệu quả trong tác ứng phó với COVID-19 của các cấp chính quyền với 84% số người được hỏi cho rằng công tác ứng phó của Chính phủ Trung ương là tốt hoặc rất tốt. 89% đánh giá công tác ứng phó của chính quyền cấp tỉnh là tốt hoặc rất tốt. Tỷ lệ này của năm 2020 lần lượt là 97% và 94%.

Nhìn chung, theo kết quả khảo sát, người dân thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với hầu hết các biện pháp phòng, chống dịch. Riêng biện pháp đóng cửa chợ dân sinh và trường học ít được ủng hộ hơn.

Về khả năng tiếp cận và hiệu quả của gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng của Chính phủ, cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ người trả lời nhận tiền hỗ trợ còn thấp. Cùng với đó, mức độ tiếp cận với gói hỗ trợ của người nghèo cũng còn thấp; thông tin về gói hỗ trợ chưa được phổ biến, tuyên truyền một cách hiệu quả và đầy đủ tới các nhóm yếu thế. Người dân tộc thiểu số, người sinh sống tại nông thôn, người nghèo ít nghe đến gói hỗ trợ hơn những nhóm còn lại.

Dù những người đã nhận được tiền hỗ trợ đánh giá cao tính kịp thời và đúng như quy định song nhiều người nhận xét thủ tục tiếp nhận chưa đơn giản.

Trong khi đó, các dịch vụ hành chính công trực tuyến chưa được vận dụng tốt trong đợt dịch thứ 4. Nhiều người phải nộp kết quả xét nghiệm COVID-19 mới được nhập viện khám, chữa bệnh.

Khảo sát cũng phản ánh lựa chọn và kỳ vọng của người dân trong ứng phó với COVID-19. Mặc dù phải chịu những tác động kinh tế tiêu cực, hầu hết những người được hỏi đều ưu tiên sức khỏe hơn kinh tế. Cụ thể, có tới 83% số người được hỏi đồng ý “ưu tiên cao nhất của Nhà nước hiện nay là cứu người khỏi COVID-19 cho dù phải hy sinh phát triển kinh tế”.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP phát biểu tại toạ đàm (ảnh: UNDP)

Theo Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, kinh nghiệm của Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy rằng lòng tin và sự tín nhiệm của người dân là chìa khóa thành công trong công tác ứng phó với đại dịch của Chính phủ.

“Năm 2022 đang đến với những thách thức không thể lường trước vì đại dịch vẫn tồn tại và đang bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng với chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 thần tốc ở Việt Nam trong những tháng gần đây, cùng với sự ủng hộ của người dân đối với biện pháp đeo khẩu trang và các biện pháp ứng phó nhanh và linh hoạt của Chính phủ, tôi tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua những thách thức của đại dịch và sớm phục hồi ” – bà Caitlin Wiesen nêu quan điểm.

Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu chỉ ra, cảm nhận và sự ủng hộ của người dân cần được các cấp chính quyền xem xét kỹ lưỡng khi thiết kế các chính sách, biện pháp ứng phó trong thời gian tới. Sự tin tưởng của người dân là động lực quan trọng quyết định mức độ hiệu quả trong việc ứng phó với đại dịch của các cấp chính quyền.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng cần tập trung triển khai gói hỗ trợ cho nhóm người nghèo, lao động không có tay nghề, lao động thời vụ, và người làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và các nhóm/cá nhân từ thiện trong thời gian dịch bệnh hoặc các khủng hoảng tương tự cần được coi trọng và chính thức ghi nhận. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ để người dân nhận hỗ trợ kịp thời hơn.

Cũng theo gợi ý này, các dịch vụ công trực tuyến cần được đánh giá lại và cải thiện nhằm đảm bảo tính thân thiện với người dùng, qua đó, khuyến khích người dân sử dụng các biện pháp không tiếp xúc trong quá trình làm việc với chính quyền.

“Thông qua kết quả khảo sát này, chúng ta có cơ hội được lắng nghe tiếng nói và trải nghiệm của người dân Việt Nam” - bà Cherie Russell, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nói tại buổi tọa đàm. Theo bà, nghiên cứu thực chứng này sẽ cung cấp thêm thông tin cho các quyết định chính sách và xây dựng lòng tin hơn nữa trong cộng đồng đối với việc thực hiện các chính sách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang