3 nhóm đối tượng được huy động tham gia phòng chống dịch

Thứ Hai, 06/12/2021 15:15

|

(CAO) Nhân lực tham gia chống dịch phòng, chống dịch COVID-19 không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

Làm rõ trách nhiệm khi xảy ra sự cố y khoa

Dự thảo Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 mới nhất được Chính phủ gửi Uỷ ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra trong phiên họp toàn thể sáng nay (6/12).

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết này trong phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Nghị quyết là cơ sở để Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo ông Mẫn, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng để thực hiện và phải thống nhất với nội dung khi tiến hành bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh, dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào tháng 3/2022 (nếu đủ điều kiện).

Toàn cảnh phiên họp thẩm tra của Uỷ ban Xã hội

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình chuẩn bị thẩm tra Chính phủ đã tiếp tục hoàn thiện Nghị quyết, báo cáo và đề nghị UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề, trong đó có việc huy động nhân lực tham gia chống dịch, thanh toán viện phí và chế độ chống dịch.

Ông Long thông tin, thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát tại các địa phương, trong những thời điểm nhất định, do năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng và cả năng lực điều trị tại chỗ đều hạn chế, để khẩn trương thực hiện công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, kịp thời cứu chữa người bệnh, các địa phương và Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

3 nhóm đối tượng được huy động tham gia chống dịch

- Người hành nghề khm bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam) được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm COVID-19, kể cả trường hợp khám bệnh, chữa bệnh khác với phạm vi hành nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà không phải bổ sung phạm vi hành nghề.

- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được thành lập hoặc giao nhiệm vụ thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 mà không cần phải có chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam.

- Sinh viên, học sinh, đối tượng đào tạo sau đại học của các trường thuộc khối ngành sức khỏe, người đã đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa được cấp tham gia hoạt động tiêm chủng phòng COVID-19 và hỗ trợ thực hiện một sổ hoạt động khảm bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm COVID-19.

“Cơ chế này đã góp phần quan trọng vào thành quả chống dịch của nước ta trong thời gian qua và khẳng định là chủ trương đúng đắn, cần được tiếp tục phát huy trong trường họp dịch bệnh xảy ra ở mức độ cao” – ông Long nhận định.

Tuy nhiên, các hoạt động này lại chưa phù họp với quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Vì thế, khi dịch ở mức độ cao đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng con người, Chính phủ kiến nghị cho phép Bộ Y tế, các Bộ, ngành và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề.

Phản hồi đề xuất này, Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với tính cần thiết của việc huy động mọi nguồn lực trong đó có nguồn nhân lực để tham gia phòng, chống dịch, đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19.

Dù vậy, lưu ý việc khám, chữa bệnh (KCB) tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người, cơ quan thẩm tra yêu cầu làm rõ và bổ sung quy định cụ thể chủ thể quyết định hoặc cho phép thi hành quy định trên cũng như chủ thể chịu trách nhiệm khi người được huy động tham gia thực hiện các nhiệm vụ nêu trên để xảy ra những sự cố y khoa (nếu có).

Uỷ ban Xã hội cũng yêu cầu làm rõ “khi dịch bệnh COVID-19 đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người” là thời điểm nào, có được gắn với các cấp độ dịch mà Chính phủ đã ban hành hướng dẫn hay không.

Liên quan đến việc này, Uỷ ban cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp giữa cơ sở điều động nhân lực và cơ sở nhận nhân lực được điều động trong phân công nhiệm vụ cho các đối tượng được điều động; công tác giám sát phân công của người đứng đầu cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19...

Đề xuất thí điểm khám chữa bệnh từ xa

Nêu căn cứ cho đề xuất này, Bộ trưởng Y tế phản ánh, thời gian qua, nhiều người dân (bao gồm cả người mắc COVID-19) không thể tiếp cận được với dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) do họ đang ở trong khu vực cách ly, phong tỏa hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị phong tỏa.

Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh

Do đó, để khắc phục khó khăn này, Bộ Y tế và các địa phương đã triển khai hoạt động KCB từ xa.

“Tuy nhiên, hiện nay Luật Khám bệnh, chữa bệnh không có quy định về vấn đề này và Luật Bảo hiểm y tế cũng không có quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với hình thức khám bệnh, chữa bệnh từ xa” – lãnh đạo Bộ Y tế chỉ ra.

Vì lẽ trên, để bảo đảm cơ chế pháp lý cho việc tổ chức triển khai hoạt động KCB từ xa cho người nhiễm COVID-19 hoặc người dân không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch COVID-19, Chính phủ kiến nghị cho phép thực hiện KCB từ xa cho người nhiễm COVID- 19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, hoạt động KCB từ xa được thực hiện bằng việc tương tác giữa người hành nghề ở cơ sở KCB này với người hành nghề ở cơ sở KCB khác với người bệnh và tương tác giữa người hành nghề với người bệnh thông qua các phương tiện viễn thông, công nghệ thông tin để tư vấn, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

Người hành nghề thực hiện KCB từ xa phải chịu trách nhiệm về kết quả chẩn đoán, chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc của mình theo quy định của pháp luật về KCB.

Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chỉ phí KCB từ xa theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người bệnh.

Đồng tình với đề xuất trên, Uỷ ban Xã hội đề nghị Chính phủ bổ sung quy định về điều kiện đối với người hành nghề KCB và cơ sở KCB được thực hiện KCB từ xa.

Cơ quan này cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của người hành nghề KCB trong trường hợp trực tiếp KCB từ xa cho người bệnh và trách nhiệm của cơ sở y tế, người hành nghề KCB tiếp nhận tư vấn, chỉ định từ xa đối với người bệnh. Đồng thời, bổ sung quy định giao Bộ Y tế hướng dẫn về giá dịch vụ KCB từ xa vì không thể áp giá dịch vụ KCB thông thường cho loại hình này.

Vẫn theo Uỷ ban Xã hội, Chính phủ cần làm rõ vai trò của tuyến KCB, y tế cơ sở và cơ chế "chuyển tuyến" trong KCB từ xa và việc quy định "quỹ BHYT thành toán chi phí khám chữa bệnh từ xa theo phạm vi quyền lợi được hưởng".

Bình luận (0)

Lên đầu trang