Cần 76.000 tỷ đồng để củng cố hệ thống y tế

Chủ Nhật, 05/12/2021 17:31

|

(CAO) Các làn sóng dịch bệnh khiến hệ thống y tế tại nhiều tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề. Đây là lý do mà Viện trưởng Viện Kinh tế Bùi Quang Tuấn đề xuất con số hỗ trợ trên cho ngành y tế trong gói phục hồi tổng thể.

Bàn về các giải pháp can thiệp nền kinh tế tại Diễn đàn Kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng với tình hình trong nước và quốc tế như hiện nay, các gói cứu trợ kinh tế cần được thực hiện theo hướng vừa đảm bảo kịp thời, vừa đảm bảo đủ liều lượng, qui mô và hiệu quả.

“Đây là những mục tiêu khó khăn nhưng rất quan trọng để đảm bảo nền tảng ổn định vĩ mô, làm cơ sở cho sự phục hồi toàn diện của nền kinh tế trong trung và dài hạn” - ông Tuấn nhìn nhận.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn

Trên cơ sở đó, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh ưu tiên nguồn lực để củng cố hệ thống y tế trên toàn quốc.

“Các làn sóng dịch bệnh đã khiến hệ thống y tế tại nhiều tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng nề cả về nhân lực và vật lực” - ông Tuấn phản ánh. Trong khi đó, dịch bệnh trên thế giới còn đang diễn biến phức tạp, hệ thống y tế cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của không chỉ nền kinh tế mà còn cả quốc gia. Vì thế, củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, theo ông Tuấn, cần được ưu tiên hàng đầu trong các gói hỗ trợ.

Gói hỗ trợ y tế, theo ông Tuấn, còn để đảm bảo nguồn cung vaccine rộng rãi cho cả nước. “Không chỉ mũi 2 mà cả mũi 3, mũi 4 cũng như có kế hoạch mua các loại thuốc chữa Covid-19 để có biện pháp chữa bệnh cho các F0, ngăn chặn đại dịch lây lan trong cộng đồng” – ông Tuấn nói. Tính chung, gói củng cố hệ thống y tế cần khoảng 76.000 tỷ đồng.

Đề cập đến các khoản chi cụ thể, ông Tuấn tính toán, gồm chi cho phòng dịch (lực lượng dân phòng, công an, quân đội khi địa phương thực hiện chỉ thị 16); chi xét nghiệm sàng lọc cộng đồng; chi y tế cho phòng dịch và điều trị Covid- 19; chi nghiên cứu vaccine và thuốc chữa bệnh; chi mua vaccine để thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân; chi cho hỗ trợ người nhiễm bệnh cách ly (xây dựng khu bệnh viện dã chiến, khu cách ly, chi trực tiếp cho điều trị bệnh nhân).

Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Sĩ Cường (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, gói hỗ trợ tài khóa cần tập trung vào các lĩnh vực chi cho y tế, chi cho đầu tư cơ sở hạ tầng (các dự án có tính liên vùng, đã hoàn thành cơ bản các thủ tục đầu tư), chi cho đào tạo lại lao động (chuyển đổi nghề nghiệp), chi cho xây dựng các khu nhà ở xã hội, các dự án cải tạo chung cư cũ...

“Theo ước tính của chúng tôi, để đối phó với dịch bệnh Covid, trong trung hạn Việt nam sẽ cần chi thêm mỗi năm cho y tế từ 0,8-1 % GDP” - ông Cường thông tin.

Nhìn nhận đây cũng là thách thức lớn khi cân đối ngân sách với các khoản chi khác, nhưng ông Cường nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm đến hiệu quả của chi tiêu y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh với tình trạng yêu cầu xét nghiệm lớn như hiện nay.

Thiếu gói hỗ trợ đặc biệt, Việt Nam sẽ lỡ nhịp với thế giới
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang