Chuyên gia đề xuất chính sách hỗ trợ tiền mặt cho người dân

Chủ Nhật, 05/12/2021 17:26

|

(CAO) Quan điểm này được ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nêu ra, trong khuôn khổ phiên thảo luận chuyên đề thứ 2 về Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế.

Chia sẻ tại Diễn đàn chiều nay (5/12), ông Jonathan Pincus bày tỏ sự tiếc nuối khi những người dân, người lao động chịu tác động lớn nhất do Covid-19 lại là đối tượng khó tiếp cận đến các gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Kể lại câu chuyện từ 12 năm trước, ông Jonathan Pincus cho biết, khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 tác động đến Việt Nam, các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân yếu thế đã được đặt ra. Thời điểm đó, ông Jonathan Pincus thông tin, nhiều người nói Việt Nam chưa có cơ chế chuyển tiền đến người bị ảnh hưởng, nên phải dùng chính sách tiền tệ, hỗ trợ qua ngân hàng, qua doanh nghiệp...

Chuyên gia Jonathan Pincus tham gia thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế chiều 5/12

“Giải pháp này cũng có hiệu quả phần nào, nhưng lại gây nên những hệ lụy, như tăng nguy cơ nợ xấu...” – vị cố vấn của UNDP nhận định.

Giờ đây, khi đang bàn về việc hỗ trợ người dân, lao động chịu ảnh hưởng của Covdi-19, ông Jonathan Pincus chỉ ra, chúng ta lại vẫn thiếu cơ chế cần thiết, nhất là cơ chế tài khóa để hỗ trợ những người cần hỗ trợ.

Vì thế, theo chuyên gia này, khủng hoảng có thể sẽ xảy ra, có thể không phải vì nguyên nhân tài chính hay y tế, nhưng cơ chế tài khóa hỗ trợ cung và hỗ trợ người lao động, người dân luôn cần.

“Lúc này, chúng ta đang thấy cầu nội địa đang rất thấp. Nếu có cơ chế trao tiền cho người dân trong ngắn hạn, để người dân có thể chi tiêu trong dịp Tết nguyên đán, thì doanh nghiệp trông vào mùa kinh doanh này sẽ nhận ngay được tác động tích cực” – ông Pincus phân tích.

Theo ông, cách thức hỗ trợ tiền mặt cho người dân đã được nhiều Chính phủ thực hiện, đặc biệt dành cho đối tượng mất việc làm, mất thu nhập thường xuyên, đang phải tiêu dùng bằng nguồn tiết kiệm. Do đó, nếu có tiền hỗ trợ, đây sẽ là đối tượng đưa ngay tiền vào tiêu dùng, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, như giáo dục, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu...

“Cầu nội địa sẽ cải thiện ngay trong đầu năm 2022, từ đó tác động đến các cung khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Pincus nêu quan điểm. Theo đó, giai đoạn phục hồi kinh tế sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm 2022, khi cầu nội đia được cải thiện. Chính sách tài khóa vì thế sẽ phải thực hiện, ngân sách sẽ chi tiền, chứ không chỉ trông vào hệ thống quỹ bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội như hiện nay.

Vẫn theo vị chuyên gia của UNDP, Chính phủ cần hỗ trợ người lao động trở lại nơi làm việc, để doanh nghiệp có thể tuyển người, người lao động có việc. “Làn sóng thứ 4 đã qua đi phần tệ nhất, nhưng tác động lên kinh tế vẫn còn nặng nề. Tôi đề nghị giải pháp cần có cơ chế hỗ trợ tiền mặt cho người lao động để thúc đẩy tổng cầu nội địa. Có thể là muộn, nhưng chưa quá muộn để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19” - ông Pincus đề xuất.

Dài hạn hơn, GS Pincus đề nghị thay đổi hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất, những người làm việc trong khu vực không chính thức, lao động di cư... nhận được hỗ trợ ngay khi cần.

Chia sẻ với báo chí bên lề Diễn đàn về việc này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, đây là lúc Chính phủ phải quyết tâm, đề xuất chính sách tài khóa hỗ trợ tiền mặt cho người dân.

Đối tượng ưu tiên, theo ông Cung, là người lao động trong khu công nghiệp, hỗ trợ tiền mặt để họ có thể chi tiêu ăn uống, thuê nhà, cải thiện đời sống gia đình để ổn định cuộc sống.

“Gói này cần làm ngay trong 6 tháng đầu năm 2022” - ông Cung nhấn mạnh.

Cần 76.000 tỷ đồng để củng cố hệ thống y tế
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang