Lực lượng Công an quyết liệt phòng chống cháy nổ dịp cuối năm

Chủ Nhật, 05/12/2021 22:41

|

(CAO) Thực hiện cao điểm về “Tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh” Công an các đơn vị, địa phương trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Trong đó, có nhiều mô hình, cách làm hay như mở lối thoát nạn thứ 2, đặc biệt mới đây đưa số điện thoại báo cần cứu nạn, cứu hộ qua số App 114… nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tích cực vận động quần chúng tham gia công tác CNCH các vụ sự cố, tai nạn phù hợp với năng lực thực tế của các đơn vị và cơ sở.

Lối thoát nạn thứ 2

“Chuồng cọp” tồn tại lâu đời ở các khu tập thể cũ của Hà Nội trước đây nhưng hiện nay, các chung cư mới cũng xuất hiện tình trạng này. Việc cơi nới “chuồng cọp” đã tiềm ẩn không ít nguy hiểm khó lường nhất là khi có hỏa hoạn xảy ra. Trước tình trạng này, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Hà Nội đã tích cực tuyên truyền, tăng cường mở lối thoát nạn thứ 2 được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Từ thực tế, nhiều vụ cháy liên quan đến căn hộ có “chuồng cọp”, hay ngôi nhà chỉ có đường thoát nạn duy nhất đã để lại hậu quả thương tâm, nạn nhân không thoát ra được ra ngoài, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình chữa cháy và cứu nạn. Đơn cử, vụ cháy ngày 4/4/2021 tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa khiến 4 người trong cùng gia đình gặp nạn, là bài học điển hình về việc không mở lối thoát nạn.

Căn cứ Kế hoạch số 151 của Bộ Công an, Kế hoạch số 131 của UBND TP.Hà Nội và Công văn số 3732 của Công an TP Hà Nội về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, Công an quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Kế hoạch số 170 triển khai, đồng thời nghiên cứu, đánh giá đặc điểm, tình hình thực tế của địa bàn từng phường, từ đó chủ động tham mưu Quận ủy, UBND quận ban hành các văn bản các loại để chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn. Trong đó, mở lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp”, ban công, lô gia, lối lên mái…

Công an quận Hoàn Kiếm hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp”

Theo Công an quận Hoàn Kiếm 38/166 tuyến phố và hơn 800 ngõ xe chữa cháy không thể tiếp cận được. Ngoài ra, địa bàn tập trung nhiều loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt là loại hình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chứa nhiều hàng hóa, nhà thường được xây dựng theo dạng nhà ống, chỉ có 1 lối thoát nạn, ban công được cơi nới và quay bằng lồng sắt “chuồng cọp”, chiếm khoảng hơn 90% nhà mặt phố có tổ chức kinh doanh. Khi xảy ra cháy, nếu không kịp thời xử lý dễ gây cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.

Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, căn cứ vào đặc thù của địa bàn quận Hoàn Kiếm là những khu phố cổ, nhiều ngõ sâu, Công an quận đã chủ động tham mưu UBND quận triển khai các mô hình, giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn gắn liền với phương châm "Bốn tại chỗ", nổi bật là 2 mô hình PCCC “Hộ gia đình an toàn PCCC theo phương châm bốn tại chỗ”. Tới nay, Công an quận đã vận động 1.681/2.333 hộ tạo lối thoát nạn tại lồng sắt, “chuồng cọp” (đạt tỉ lệ 72,08%).

Cũng theo Đại tá Hùng, phấn đấu đến hết ngày 31/12, 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có lồng sắt, “chuồng cọp” đều được tháo dỡ hoặc mở cửa; 90% các hộ gia đình trên địa bàn tự trang bị bình chữa cháy. Mục đích là để cụ thể hoá việc hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và phải khống chế, xử lý được đám cháy ngay trong khoảng “Thời gian vàng” mà 2 yếu tố tiên quyết là “con người” và “phương tiện chữa cháy ban đầu”.

Ngoài ra, mô thứ 2 được triển khai là “Lắp đặt các điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ sâu”. Mô hình này qua 2 năm đã phát huy hiệu quả tốt, đa số các sự cố cháy nhỏ trên địa bàn đều được người dân sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập tắt, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH không phải tổ chức cứu chữa. Đến thời điểm hiện tại đã trang bị được 1.013 điểm phương tiện chữa cháy công cộng cho 875 ngõ sâu với 2.026 bình chữa cháy và đã bàn giao đến từng tổ dân phố, nhân dân tự bảo quản và sử dụng khi cần thiết (nguồn kinh phí do UBND các phường tự chủ động, đồng thời thông qua công tác xã hội hoá).

Đáng chú ý, qua thực hiện cao điểm, Bộ Công an cũng đánh giá cao mô hình của Công an quận Thanh Xuân trong việc tuyên truyền nhân dân và tham mưu với Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các phường hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ dân tự giác dỡ bỏ “chuồng cọp”, mở ra lối thoát nạn thứ 2 và tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn.

Theo Công an quận Thanh Xuân, đến nay, trên toàn địa bàn quận đã có trên 13 nghìn “chuồng cọp” đã được mở cửa tạo lối thoát nạn (đạt trên 86%). Hiện còn hơn 2 nghìn hộ chưa mở lối thoát nạn thứ 2, Công an quận phấn đấu cuối năm 100% hộ sẽ mở tiếp. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đã tự trang bị chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thiết bị phá dỡ, thiết bị cảnh báo cháy...

Theo Công an TP Hà Nội, hiện nay 100% các quận, nội thành đã triển khai mở lối thoát nạn thứ 2 ở các nhà dân, chiếm 60% đến 90% (tùy từng địa bàn). Có địa bàn vận động, khuyến khích người dân tự trang bị bình chữa cháy, mặt nạ… nhưng có nơi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ vào công tác xã hội hóa mua tặng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Phát triển công nghệ báo cháy từ ứng dụng App 114

Ngày 1/11/2021, App 114 đã chính thức được vận hành trên toàn quốc. Tuy mới đi vào hoạt động, nhưng công nghệ ứng dụng App báo cháy 114 đã bước đầu mang lại hiểu quả thiết thực, giúp Cảnh sát PCCC xác định được đám cháy nhanh nhất, phối hợp với các đơn vị địa phương kịp thời xử lý các sự cố báo cháy.

App báo cháy 114 trên điện thoại

Thượng úy Nguyễn Bình Dương, cán bộ trực Trung tâm Thông tin Chỉ huy Điều hành 114, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hải Phòng cho biết, bình thường khi gọi điện thoại 114 có khả năng bị nghẽn mạng, nhưng nhờ có App báo cháy 114, cán bộ Trung tâm 114 đưa ra quyết định điều động nhân lực, phương tiện, dụng cụ đến chữa cháy một cách hợp lý và nhanh nhất để cứu chữa hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.

Đơn cử, vụ cháy trên xảy ra trong giờ cao điểm, nếu không nhờ cuộc gọi video trực tuyến từ App báo cháy 114 thì Cảnh sát PCCC sẽ phải mất thời gian xác minh vụ cháy, rồi điều động xe chữa cháy, cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường có khi là cuộc gọi báo cháy giả lại phải quay xe về…, gây lãng phí về nhiên liệu, thời gian, nhân lực và cản trờ giao thông.

Nhiều năm nay, các cuộc gọi báo cháy đến số điện thoại 114 cũng đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, cuộc sống ngày càng thay đổi, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào công tác PCCC, CNCH đòi hỏi sự cần thiết mang tính hiện đại. Ứng dụng này nhằm tạo thêm một kênh thông tin thông báo về các vụ cháy nổ, tai nạn, sự cố đến lực lượng chức năng, đồng thời giúp người dân tra cứu các kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và thoát nạn.

Sau khi cài đặt  App 114 trên điện thoại, có thể xem được các tin về PCCC đang xảy ra cháy ở đâu, công tác PCCC được triển khai trên cả nước; đang đi trên đường hoặc ở bất kỳ đâu phát hiện ra đám cháy có thể ấn vào yêu cầu chữa cháy và CNCH.

Các chức năng chính của App báo cháy 114 gồm: cuộc gọi thoại 114, gọi trực tiếp bằng video Call và nhắn tin gửi yêu cầu chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ xác định chính xác tọa độ nơi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn; cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn cho người dân; thông báo cho người thân biết tình trạng an toàn của bản thân.

Trung tâm chỉ huy 114 nhận được tin báo cháy video qua App 114

Đáng chú ý, khi xảy ra cháy, người dân vào luôn App 114 trên điện thoại có tính năng hướng dẫn về PCCC và thoát nạn cũng như nhận được sự hướng dẫn, trợ giúp trực tiếp của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH một cách nhanh nhất khi gặp các tình huống khẩn cấp. Mỗi kỹ năng này còn nhiều tính năng khác, không cần có người hướng dẫn, tìm tài liệu mà có thể xử trí ngay khi gia đình xảy ra cháy, nổ chỉ cần mở điện thoại để xem hướng dẫn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang