Đề xuất trên được Thứ Bộ Công an Lương Tam Quang nêu ra khi tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung môt số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thi hành án dân sự.
Phiên thảo luận diễn ra sáng nay (8/12), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nêu đề xuất tại phiên họp của UBTVQH
Việc bổ sung dịch vụ bảo vệ an ninh mạng vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, theo Trung tướng Lương Tam Quang, sẽ tạo cơ sở pháp lý để Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị, Chính phủ giao về chiến lược bảo vệ An ninh mạng quốc gia.
Thứ trưởng cho biết, về quan điểm tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong quản lý, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ an ninh mạng, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo An ninh mạng quốc gia đã nêu mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu nguy cơ bị xâm hại an ninh quốc gia (ANQG) và trật tự an toàn xã hội (TTATXH), Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 22 về chương trình hành động của Chính phủ về đảm bảo An ninh mạng Quốc gia, giao cho Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm thuộc an ninh mạng.
“Thời gian qua, từ thực tiễn công tác và qua kiểm tra trực tiếp, chúng tôi kiểm tra 26 Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương có hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia đã phát hiện có lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng bị lây nhiễm mã độc phần mềm gián điệp” - Thứ trưởng Lương Tam Quang thông tin.
Theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn đến các lỗ hổng bảo mật này là chưa có hành lang pháp lý để quản lý các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng; có nguy cơ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các công ty, doanh nghiệp an ninh mạng không đủ năng lực.
Quang cảnh phiên họp
“Đây là kẽ hở hết sức nghiêm trọng nếu bị các cơ quan đặc biệt nước ngoài lợi dụng; có thể đe doạ đến sự an toàn của ANQG và TTATXH ” - Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra.
Vẫn theo ông Quang, dù Luật An toàn thông tin năm 2015 có quy định các nội dung về sản phẩm dịch vụ an toàn thông tin mạng nhưng số liệu thực tiễn các vụ việc an ninh mạng cho thấy việc chưa quy định quản lý công tác bảo vệ an ninh mạng là do đối tượng quản lý và khách thể bảo vệ, chủ thể, biện pháp quản lý khác nhau.
“Chúng tôi cũng đã thực hiện rà soát các sản phẩm, dịch vụ về an ninh mạng và không bị trùng giẫm” - Thứ trưởng nói.
Dẫn câu chuyện quản lý của Nga và Hàn Quốc, Thứ trưởng Quang chia sẻ, các nước chủ yếu đặt vấn đề về quản lý an ninh mạng trong quá trình xây dựng pháp luật và quản lý. “Ở Nga, quy định 1 cơ quan chịu trách nhiệm quản lý. Cơ quan đó thẩm định xong mới được phép sử dụng dịch vụ. Tại Hàn Quốc cũng vậy” – Trung tướng Lương Tam Quang phản ánh.
Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Công an, qua rà soát phần mềm y tế quản lý tiêm chủng, khi các đơn vị Bộ Công an và các cơ quan chức năng kiểm tra đã phát hiện có sơ hở, từ đó đề xuất, khắc phục các thiếu sót trong phần mềm quản lý lưu trữ thông tin cá nhân, phục vụ quy định 1App quản lý dữ liệu tiêm chủng.
Xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như thực tiễn bảo vệ an ninh mạng và chưa có cơ sở pháp lý để quản lý đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ, sản phẩm an ninh mạng, Bộ Công an đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dịch vụ bảo vệ an ninh mạng vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư trong dự án Luật sửa đổi lần này.
Việc này, Thứ trưởng Quang nhận định, sẽ tạo hành lang pháp lý xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng và thực hiện nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và phù hợp trong giai đoạn hiện nay về chiến lược bảo vệ ANQG.
“Nếu không bổ sung các danh mục của Luật Đầu tư trong lần sửa đổi này, sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể ban hành Nghị định” – Thứ trưởng Quang nêu khó khăn, đồng thời chỉ ra chúng ta thiếu hành lang pháp lý, cơ sở để quản lý, kiểm soát dịch vụ an ninh mạng đưa vào hệ thống thông tin quan trọng của Đảng, Nhà nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nêu ý kiến
Ông Quang nhìn nhận, đây cũng là kẽ hở nghiêm trọng để các thế lực thù địch, tội phạm mạng lợi dụng xâm hại trực tiếp đến an ninh, an toàn của chế độ, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế và TTATXH.
Chung quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho hay, sau khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Chính phủ chưa ban hành Nghị định vì còn vướng những vấn đề như Thứ trưởng Lương Tam Quang đã trình bày.
Lưu ý bảo đảm an ninh mạng là vấn đề quan trọng có liên quan đến quốc gia, dân tộc, ông Tới nhấn mạnh sự cần thiết có ý kiến để Chính phủ bổ sung quy định dịch vụ bảo vệ an ninh mạng vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư sửa đổi lần này.