Chống dịch Covid-19: Ngành y tế đang chịu nhiều áp lực

Thứ Ba, 29/06/2021 11:30

|

(CATP) Dịch Covid-19 ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TPHCM. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27-4 đến chiều 28-6), cả nước có hơn 14.000 ca ghi nhận ở 48 tỉnh thành, trên 180.000 đang phải cách ly, hàng ngàn bệnh nhân (BN) đang điều trị, hàng triệu mẫu xét nghiệm (XN) đã và đang được thực hiện ở các địa phương, trong khi hàng triệu người đã và sắp được tiêm chủng… Tất cả cho thấy ngành Y tế (YT) đang gánh một lượng công việc cực lớn với áp lực nặng nề.

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Chưa bao giờ ngành YT nước ta phải căng mình cùng cả nước chống dịch như vậy, đặc biệt công tác điều trị đạt nhiều thành công đáng trân trọng khi nhiều ca bệnh nặng, tiên liệu tử vong được cứu sống, ngay cả trong đợt dịch lần thứ 4 này với biến chủng Delta rất nguy hiểm.

Nếu ví cuộc đối đầu với SARS-CoV-2 là một "cuộc chiến", thì các nhân viên YT thực sự là những "chiến sĩ”. Và sự hy sinh lặng lẽ của họ đã được đáp lại bằng những tình cảm yêu quý, trân trọng của người dân và chính những BN Covid-19.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này, nhiều sản phụ mắc bệnh, phải cách ly. Điều trị cho người bình thường mắc Covid-19 đã khó, với trường hợp các sản phụ lại càng khó hơn, vì phải bảo toàn mạng sống của cả mẹ lẫn con trong điều kiện áp lực cực lớn, rất dễ làm nhân viên YT phơi nhiễm SARS-CoV-2.

Hôm 26-6, các bác sĩ (BS) Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã mổ đẻ cấp cứu thành công cho sản phụ mắc Covid-19 là N.T.N (33 tuổi, quê Bắc Ninh). Đây là trường hợp BN Covid-19 mang thai, có tiền sử gù cột sống bẩm sinh, thai lần 2 đã 32 tuần tuổi. Sản phụ nhập viện ngày 11-6, phải thở máy nhưng các BS đã tìm cách dưỡng được thai đến tuần thứ 35 mới mổ và đã thành công. Cách đây không lâu, hình ảnh nữ BS trẻ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu - BV Trưng Vương TPHCM) trong trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân nhẹ nhàng ôm bệnh nhi Covid-19 mới 7 tháng tuổi cho uống sữa của chính mình đã đốn tim biết bao người. Bé gái này phải cùng cha và anh trai 2 tuổi nhập viện điều trị Covid-19, trong khi mẹ của bé bị nặng hơn, đang được điều trị tích cực ở 1 BV khác.

Phải xa đứa con nhỏ 10 tháng tuổi để vào BV làm việc, thấy bệnh nhi Covid-19 mới 7 tháng khát sữa vì phải xa mẹ, nữ BS Thúy đã lấy sữa của mình cho bé bú. Cứ thế, sau ca trực, trở về chỗ nghỉ, BS Thúy lại vắt sữa cho vào tủ lạnh, dành riêng cho bệnh nhi Covid-19, liệu có hình ảnh nào nhân văn, cảm động hơn thế!

Hình ảnh bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trưng Vương TPHCM, cho em bé 7 tháng tuổi mắc Covid-19 uống sữa của mình gây xúc động mạnh. Ảnh: BV Trưng Vương

Áp lực của những chiến sĩ áo trắng

Trong đợt bùng dịch lần thứ 4, công tác phòng chống (PC) của lực lượng tuyến đầu càng áp lực, đó là chưa kể hơn 180.000 người đang phải cách ly (tại nhà, cơ sở lưu trú, khu cách ly tập trung...). Công việc tổ chức, quản lý các khu cách ly (KCL) vô cùng vất vả, có chiến sĩ tham gia quản lý các KCL qua 2 mùa dịch vẫn chưa được về với gia đình. Người thân của một số chiến sĩ, nhân viên YT mất ở nhà, nhưng họ không thể về dự tang được, đành bái vọng từ các KCL được mạng xã hội chia sẻ đã gây xúc động cộng đồng.

Hình ảnh nhân viên YT trong các KCL, BV, với trang phục bảo hộ kín mít, làm việc dưới cái nóng mùa hè lên đến 37-39 độ C bị ngất xỉu rất thường xảy ra được chia sẻ đầy cảm xúc trên mạng xã hội. Với những áp lực không nhỏ ấy trong thời gian kéo dài, không phải ai cũng có thể chịu đựng được, vậy mà họ vẫn kiên cường vượt qua, vững vàng trên tuyến đầu chống dịch.

Với nhân viên YT, không chỉ áp lực điều trị mà còn áp lực lây nhiễm bệnh ám ảnh. Trong đợt dịch lần thứ 2, Việt Nam có 14 cán bộ YT nhiễm SARS-CoV-2, chiếm 6%. Đặc biệt trong đợt dịch lần thứ 4, nhiều đơn vị YT, kể cả các BV lớn ở tuyến đầu chống dịch, cũng bị Covid-19 tấn công, như BV Bạch Mai, Bệnh viện K (Hà Nội), BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM..., làm cho công tác chống dịch trở nên phức tạp, không chỉ đe dọa nhân viên YT bị phơi nhiễm mà còn làm cho các BN nặng nếu mắc Covid-19 càng khó điều trị, dễ dẫn đến tử vong.

Rất may là nhờ công tác phòng dịch tốt, nhiều BV lớn đến nay đã dỡ bỏ phong tỏa, tiếp tục công tác điều trị. Tính đến ngày 28-6, cả nước đã điều trị thành công 6.519 ca mắc Covid-19, trong đó có nhiều trường hợp nặng, là thành công lớn của đội ngũ YT Việt Nam.

Thách thức về xét nghiệm, tiêm chủng

Theo Bộ trưởng Bộ YT Nguyễn Thanh Long, ngoài chiến lược tiêm vắc-xin được Chính phủ đưa thành nguyên tắc để dập dịch căn bản, nguyên tắc ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch triệt để - điều trị hiệu quả vẫn được tiếp tục, đặc biệt công tác XN nhanh và rộng đang được tiến hành khẩn trương ở những vùng có ca nhiễm cao như TPHCM đang thực hiện.

Công tác XN, một trong những khâu quan trọng để truy vết dịch cũng áp lực không kém. Trong đợt dịch lần thứ 4, cả nước đã thực hiện 2.937.895 ca XN, con số cực lớn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Riêng tại TPHCM có số ca mắc Covid-19 chỉ sau Bắc Giang, đặc biệt các ca nhiễm cộng đồng tiếp tục tăng, thậm chí chưa rõ nguồn gốc, chính là lý do khiến công tác XN cần được triển khai nhanh tại tất cả quận huyện và TP.Thủ Đức, bắt đầu từ ngày 26-6 đến 5-7. Tính trung bình tại TPHCM, mỗi ngày nhân viên y tế phải tầm soát sàng lọc Covid-19 hàng trăm ngàn mẫu, phải huy động hàng ngàn nhân viên YT và lực lượng hỗ trợ. Ngày 17-6, nhiều đội XN đã phải làm việc xuyên đêm để đẩy nhanh tiến độ XN.

Về chiến lược tiêm vắc-xin, sau khi sơ kết từ ngày 21 đến 25-6, TPHCM sẽ đề ra kế hoạch tiêm chủng cho những đợt tiếp theo. Đến nay, TPHCM đã qua 4 đợt tiếp nhận vắc-xin với 944.000 liều, phấn đấu đến cuối năm 2021 có thể tiêm cho 75% dân số tuổi từ 18 - 65. Một điều may mắn, TPHCM là địa phương có nhiều BV lớn, các cơ sở khám chữa bệnh chất lượng và nhiều BV tư, phòng khám đạt chuẩn, cùng nhân sự ngành y lớn, được đào tạo tốt, nên vấn đề nhân lực đủ đáp ứng trong điều kiện dịch bùng phát như hiện nay.

Vấn đề còn lại là công tác chăm sóc, chế độ chính sách cho đội ngũ YT chống dịch; công tác tư tưởng, động viên khen thưởng kịp thời để họ yên tâm công tác; đặc biệt là công tác PC dịch ngay trong các BV, cơ sở khám chữa bệnh phải tuyệt đối an toàn. Để dịch Covid-19 "đánh" vào các đơn vị YT, đặc biệt ở những BV tuyến đầu chống dịch là thất bại lớn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang