TPHCM: Khẩn trương tập trung các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Thứ Hai, 20/06/2022 14:26

|

(CAO) Văn phòng Thành ủy TPHCM vừa có văn bản 340-TB/VPTU thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên về tình hình và giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Kết luận nêu rõ, thống nhất đề nghị đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện và TP Thủ Đức thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Trước diễn biến, tình hình bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị,… nhận thức đầy đủ và có ý thức trách nhiệm về nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết. Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách để tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, có biện pháp thực hiện công tác phòng, chống bệnh trên địa bàn TP.

Ảnh: TTXVN

Sở Y tế cần tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến của dịch bệnh, dự báo các tình huống có thể xảy ra, có hướng xử lý kịp thời và cụ thể; đề xuất các giải pháp hỗ trợ cần thiết (nếu có). Tham mưu và hướng dẫn hệ thống y tế TP, nhất là y tế cơ sở tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, hướng dẫn, khuyến cáo người dân tự phát hiện và theo dõi các triệu chứng liên quan bệnh và kịp thời chuyển lên tuyến trên các trường hợp có dấu hiệu trở nặng.

UBND TP chỉ đạo các cơ quan tham mưu nghiên cứu đề xuất kiến nghị của Sở Y tế về thành lập Trung tâm mua sắm tập trung trang thiết bị, vật tư y tế khám, thuốc chữa bệnh.

Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông được giao phối hợp với Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng trên từng địa phương. Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh của TP theo quy định.

Ban Tuyên giáo Thành ủy có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị, địa phương định hướng cho các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền khuyến cáo về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, phòng chống các dịch bệnh khác.

9 người tử vong do sốt xuất huyết

Ngày 19/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), những ngày qua, các ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn tiếp tục gia tăng.

Đáng chú ý, đã có thêm một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số trường hợp tử vong do dịch bệnh này lên con số 9.

Cụ thể, tính đến ngày 19/6, TP ghi nhận 16.057 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 117,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó số ca mắc sốt xuất huyết nặng là 274 ca. Trong tuần qua đã có thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 9 trường hợp.

Số ca bệnh sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao ở tất cả các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Hưng Thuận, Thạnh Lộc (Quận 12), phường Linh Xuân (TP.Thủ Đức); xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh), xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn)….

Chỉ trong một tuần (từ 10-16/6), toàn địa bàn ghi nhận 136 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã; tăng 13 ổ dịch mới so với tuần trước. Tổng số ổ dịch được xử lý phun hoá chất trong tuần là 257 ổ dịch và có 1 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng.

Các chuyên gia của HCDC nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát dữ dội nếu người dân lơ là trong phòng bệnh.

Để hạn chế dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lây lan, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế thì ý thức phòng bệnh của người dân là vô cùng quan trọng.

Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi bằng cách, dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng; lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… ; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Người dân sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng (màn) kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang