Sản xuất quy mô
Có thể nói, vụ án gây chấn động dư luận tại TPHCM và cả nước về hành vi nhẫn tâm của những kẻ kinh doanh trên thân thể người không may mắc bệnh. Rất nhiều bạn đọc bàng hoàng cũng như nhiều người tỏ thái độ bức xúc khi đại dịch Covid-19 vừa đi qua, thế mà những kẻ sản xuất ngay cả thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 lại làm giả. Chiều 15-6, nhiều bạn đọc cho biết không thể nào chấp nhận những loại thuốc chữa trị ho, hỗ trợ điều trị người bệnh mắc Covid-19 bị Công ty Amtex Pharma làm giả. Bên cạnh đó, những loại thuốc "có giá” khá cao trên thị trường cũng có thể bị công ty này làm giả, như thuốc đặc trị về chống đột quỵ, thuốc giả về tim mạch...
Như Chuyên đề Báo Công an TPHCM đã phản ánh, ngày 10-6, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TPHCM triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả (có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19) với quy mô lớn, tạm giữ Phạm Ngọc Bích - Giám đốc Công ty Cổ phần dược phẩm Amtex Pharma (ấp 1B, xã Phong Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cùng Phạm Bích Ngọc (là em của Phạm Ngọc Bích) và 5 đối tượng có liên quan.
Theo điều tra ban đầu, lúc 17 giờ 30 ngày 9-6, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TPHCM bắt quả tang Đoàn Minh Trường, Phạm Bích Ngọc điều khiển ôtô chở 12 thùng carton chứa 20.000 vỉ (200.000 viên) thuốc tân dược giả nhãn hiệu Neo - Codion (là thuốc đặc trị ho, hỗ trợ điều trị Covid-19) đang di chuyển theo hướng từ Long An về TPHCM.
Phạm Ngọc Bích
Qua khám xét tại các nhà máy sản xuất thuốc, xưởng ép vỉ, đóng gói thuốc thành phẩm tại huyện Bến Lức, Thủ Thừa (tỉnh Long An) và nhiều địa điểm cất giữ thuốc thành phẩm trên địa bàn TPHCM, lực lượng công an đã thu giữ khoảng 1.000.000 viên thuốc tân dược giả thành phẩm cùng hàng chục máy móc, dây chuyền sản xuất, ép vỉ, đóng gói thuốc tân dược giả.
Đường dây sản xuất thuốc tân dược giả do Phạm Ngọc Bích cầm đầu có tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng có quan hệ anh em, họ hàng, thân quen cấu kết thực hiện khép kín. Các đối tượng sử dụng nhà máy, xưởng sản xuất thuốc được cấp phép sản xuất, kinh doanh thuốc tân dược các loại nhằm tránh bị phát hiện để sản xuất thuốc giả với quy mô lớn. Việc Công an TPHCM khám phá vụ án trên đã góp phần ngăn chặn kịp thời số thuốc giả đặc biệt lớn ra thị trường tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Hậu quả khó lường
Theo điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM thu giữ hàng triệu viên thuốc giả, cho thấy quy mô rất lớn đường dây sản xuất thuốc tân dược này đã tung ra thị trường chưa biết là bao nhiêu? Điều đáng báo động là Công ty Cổ phần dược phẩm Amtex Pharma đặt tại tỉnh Long An, sản xuất có giấy phép đàng hoàng, hoạt động khép kín về làm thuốc giả, nhưng lỗ hổng về quản lý, kiểm tra chuyên ngành về dược phẩm, y tế... cho thấy có vấn đề. Không những vậy, chúng tôi đến nhiều tiệm thuốc tây tại TPHCM, tham khảo nhiều dược sĩ và bác sĩ, tiến sĩ y khoa, tất cả đều cho rằng từ năm ngoái (2021) đến nay, tình trạng thuốc hỗ trợ về chữa bệnh Covid-19 bán rất chạy.
Phải nói đến là số tiền người bệnh bỏ ra mua loại thuốc đặc trị này không phải nhỏ. Theo tham khảo tại một nhà thuốc tây trên địa bàn Q1, giá một hộp Neo - Codion chính hãng do Pháp sản xuất là khoảng 150 ngàn đồng/hộp. Tuy nhiên, cũng với Neo - Codion do Amtex Pharma làm giả tung ra thị trường sẽ có giá thấp hơn, thậm chí chỉ bằng một nửa thuốc thật. Đánh vào tâm lý những người bệnh tìm mua thuốc giá rẻ, hay những nơi tiêu thụ thuốc Neo - Codion giả kiếm được lợi nhuận cao? Một tiến sĩ, bác sĩ cho biết, thuốc Neo - Codion là loại thuốc kê đơn theo toa của bác sĩ, hơn nữa loại thuốc này đặc trị về ho, ho kéo dài, bị viêm nặng về đường hô hấp.
Nơi sản xuất
Thậm chí ngay cả những người nghiện ma túy bị ho, họ cũng tìm dùng loại thuốc này, vì trong thuốc có hàm lượng "giảm đau" một cách nhanh chóng. Còn theo một dược sĩ, loại thuốc Neo - Condion này do Pháp sản xuất, mà chỉ một số đơn vị, doanh nghiệp về dược phẩm được phép nhập khẩu về tiêu thụ trong nước. Do vậy, giá thuốc, nhãn hiệu, cũng như màu, cách dập viên, đóng gói... đều rất chuẩn quốc tế mà người dân khi mua loại thuốc này cũng cần một số hiểu biết để phân biệt "thật - giả”. Bên cạnh đó, người dân cần nhận biết, thuốc giả sẽ không có "bản hướng dẫn bằng tiếng Việt", bởi các đơn vị nhập khẩu thuốc Neo - Codion về đều phải thực hiện dán hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt kèm theo trên từng hộp thuốc...
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cần phải xem xét đến người "tiếp tay" cho loại thuốc giả này. Bởi người nhập thuốc vào bán cho người dân, họ không thể không biết thật, giả, bởi ít nhiều họ cũng là dược sĩ, hiểu biết về các loại thuốc, chỉ cần nhìn bằng mắt thường qua nghiệp vụ dược, sẽ nhận biết ngay, hơn nữa ngay cái giá bán vào cho thấy có vấn đề hay không? Cần phải xử lý mạnh tay với những nơi tiêu thụ loại thuốc giả này, mới đủ sức răn đe và phòng ngừa. Chưa hết, đi cùng với "thị trường hút hàng" sau đại dịch Covid-19 vừa qua, các loại thuốc đặc trị về tim mạch, tiểu đường, đường hô hấp cũng bị làm giả là điều đáng quan ngại.
Dư luận vẫn chưa nguôi ngoai
Khi vụ án VN Pharma về thuốc chữa ung thư giả, mà những người tham dự phiên tòa của TAND TPHCM đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này cách nay nhiều năm, HĐXX hỏi bị cáo Nguyễn Minh Hùng "có biết thuốc giả, mà lại là giả chữa bệnh ung thư, thì người bệnh mua uống vào thế nào?". Bị cáo Hùng trân tráo trả lời: "Dạ thuốc làm từ bột sắn, bột mì không sao ạ...". Cả khán phòng xử án bàng hoàng bởi câu trả lời vô nhân tính đến vậy, bởi Hùng có biết rằng người bệnh, mà đặc biệt là bệnh ung thư, họ mong chờ vào thuốc và hy vọng biết nhường nào về thuốc chữa bệnh ung thư, vậy mà vô nhân tính đến mức bị cáo Hùng cho rằng "không sao".
Chưa hết, tiền người bệnh bỏ ra mua thuốc chữa ung thư đâu phải ít ỏi, thậm chí rất nhiều hoàn cảnh đáng thương vật vờ vì chữa bệnh nan y. Sự đau đớn từng giây, từng phút của rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt tại TPHCM mà đến chứng kiến tại Trung tâm ung bướu, xạ trị, vào hóa chất... Vậy mà những kẻ tán tận lương tâm lại bán thuốc giả, sản xuất thuốc giả, hay nhập về cũng thuốc giả chữa bệnh thì còn đau đớn gì bằng!
Thu giữ hàng triệu viên thuốc giả do Amtex Pharma sản xuất
Vụ án xảy ra tại VN Pharma vẫn còn đó, xảy ra từ năm 2013-2014, nhưng xét xử kéo dài qua nhiều cấp tòa án, đến ngày 20-5-2020, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên bản án phúc thẩm, theo đó Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) 17 năm tù, Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) 12 năm tù, Phan Cẩm Loan (nguyên Phó trưởng phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma) 7 năm tù, Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán trưởng VN Pharma) 5 năm tù, Phan Xuân Thiện (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) 7 năm tù, Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển VN Pharma) 6 năm tù, Phạm Văn Thông (dược sĩ) 5 năm tù, Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn - Sapharco) 3 năm tù, Phạm Quỳnh Trang (nguyên nhân viên Công ty TNHH TM hàng hải Quốc tế H&C) 4 năm tù, Hoàng Trúc Vy (nguyên nhân viên Phòng Nghiên cứu và phát triển VN Pharma) 3 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 5 năm.
Riêng Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) tổng hợp 5 năm tù theo bản án Hình sự phúc thẩm số 350 ngày 17-6-2019 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, về tội "đưa hối lộ" cùng vụ án này, bị cáo Quốc buộc phải chấp hành 16 năm tù, bị cáo Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C) 20 năm tù giam về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".
Mới đây, ngày 19-5-2022, TAND TP.Hà Nội xét xử vụ án bê bối thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại VN Pharma (giai đoạn 2) có liên quan đến Bộ Y tế. TAND TP.Hà Nội đã tuyên bản án sơ thẩm (sau 7 ngày xét xử) đối với 14 bị cáo trong vụ án "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại TPHCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Bị cáo Trương Quốc Cường (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế) lãnh 4 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Lê Đình Thanh (nguyên công chức Cục Hải quan TPHCM) 2 năm tù và Nguyễn Việt Hùng (nguyên Cục phó Cục Quản lý dược) 3 năm tù về cùng tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Đối với nhóm bị cáo phạm tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, các bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy và Phạm Hồng Châu (nguyên cán bộ Cục Quản lý dược) cùng mức án 4 năm tù, Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VN Pharma) bị tuyên phạt 18 năm tù, tổng hợp với bản án cũ của TAND Cấp cao tại TPHCM buộc bị cáo phải chấp hành tổng hình phạt 30 năm tù, Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) nhận 20 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó là 30 năm tù về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh"...