Cục Y tế dự phòng:

Khuyến cáo người dân phòng chống các bệnh dịch sau mưa bão

Thứ Năm, 29/09/2022 10:46

|

(CAO) Trong khi mưa lũ vẫn đang hoành hành tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên, mới đây Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ

Trong và sau mưa bão, lũ lụt, môi trường sống xung quanh chắc chắn bị ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ gồm: sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Do đó, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ.

Điều đầu tiên, cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó.

Ngoài ra, cần tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Song song đó, ngành y tế sẽ liên tục giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người dân sau mưa bão.

Rác thải sau mưa bão lũ là vấn đề cần được quan tâm nhằm phòng chống dịch bệnh (ảnh minh họa)

Để phòng bệnh, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

Sau đây là một số khuyến cáo cụ thể của Cục Y tế dự phòng cho người dân:

1. Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

2. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

3. Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

4. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng.

5. Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày.

6. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

7. Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

8. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang