Giải Golf từ thiện Ban chuyên đề Công an TPHCM:

Vươn lên từ nghịch cảnh (kỳ 1)

Thứ Ba, 04/10/2022 10:17

|

(CATP) Ban Chuyên đề Công an TPHCM giới thiệu đến bạn đọc một số vận động viên khuyết tật là những tấm gương tiêu biểu đã vượt lên mọi khó khăn, nghịch cảnh để tập luyện, thi đấu, mang vinh quang về cho nước nhà, qua loạt bài "Vươn lên từ nghịch cảnh".

Nhằm khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân cùng chung tay làm công tác từ thiện hướng về cộng đồng, hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là các vận động viên khuyết tật tham dự các giải quốc gia, quốc tế, Paragames mang vinh quang về cho Tổ quốc, nhưng cuộc sống còn nhiều khó khăn, Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp với Cộng đồng Thể thao Người khuyết tật tổ chức giải Golf từ thiện lần thứ I (dự kiến diễn ra ngày 19-10-2022, tại sân golf Tân Sơn Nhất), nhằm gây quỹ từ thiện nâng cao đời sống cho người khuyết tật.

Mọi hỗ trợ, đóng góp đồng hành cùng giải đấu, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa xin vui lòng liên hệ: Trung tá Đinh Ngọc Quảng - phụ trách Bộ phận Quảng cáo - Truyền thông của Ban Chuyên đề Công an TPHCM, SĐT: 0908.219522; hoặc chị Thảo Trang - Công ty TNHH TMDV Uy Quân, SĐT: 0909.207.181; số tài khoản ngân hàng: 0531000293479 tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương, chi nhánh Bình Thạnh.

KHÔNG ĐẦU HÀNG SỐ PHẬN

“Đam mê là không giới hạn; khi bạn vượt qua giới hạn thì mới vượt qua chính bản thân mình. Đam mê thật sự bị bỏ lại khi bạn không cố gắng và không thể vượt qua nỗi sợ hãi”. Dù phải rất khó khăn để phát âm, nhưng một vận động viên khuyết tật đã chia sẻ đúc kết đầy tâm huyết ấy trong lần gặp phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM.

Dẫu đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, dẫu đôi tay mất lực hoàn toàn, dẫu phải ngồi trên chiếc xe lăn hay trí óc không minh mẫn…nhưng họ vẫn đang sống trọn vẹn những phút giây đầy ý nghĩa. Chưa hề có khái niệm bỏ cuộc cho dù khó khăn vất vả trăm bề, họ vẫn cần mẫn tập luyện mỗi ngày chờ đợi vinh quang theo cách của riêng mình.

Những tấm huy chương đủ màu ấy sẽ là bình thường với người hoàn toàn khỏe mạnh; nhưng đối với các vận động viên (VĐV) khuyết tật thì điều ấy trở nên vô cùng “đặc biệt”. Là mồ hôi, là nước mắt; là cả một quá trình kiên trì để theo đuổi đam mê; họ đã vẽ lên những bức tranh đẹp với những gam màu tươi sáng, đầy hi vọng…

Khuất phục bệnh tật

Và đó chính là tâm niệm sống của em Phan Tích Thiện (SN 1994, ngụ phường phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TPHCM)- VĐV khuyết tật môn Boccia.

Hôm chúng tôi có mặt tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao TPHCM - nơi một số VĐV khuyết tật tập luyện, Thiện ấn tượng bởi sự nhiệt tình dù em đi đứng chậm và giọng nói không tròn vành, rõ chữ.

Thiện đang tập môn Boccia

Thiện phát âm rất khó nhọc nhưng câu chuyện vẫn được em chuyển tải khá đủ đầy. Thiện bị khuyết tật vận động do bệnh lý bại não. Đó chính là lý do khiến em gặp khó khăn trong diễn đạt ngôn ngữ bằng lời và cả di chuyển, vận động cơ thể.

Lúc đi học, em được ưu tiên viết chữ bằng máy tính. Nhiều khi Thiện cũng tủi thân khi nhìn thấy cảnh các bạn chạy nhảy, thoải mái nói cười; nhưng thương ba, thương mẹ, em cố gắng vượt qua để sống thật lạc quan và nỗ lực học tập. Nói đến đây, Thiện khoe: em cũng từng là sinh viên của Trường Đại học Văn Hiến, chuyên ngành Xã hội học.

Bây giờ em sống bằng nghề gì?- Chúng tôi hỏi.

Em bán hàng online và môi giới nhà thuê chị ạ. Thiện thiệt tình trả lời.

Vui vẻ cùng đồng đội

Chỉ đến đó thôi cũng đã hiểu chàng trai ấy đã nỗ lực thế nào để hòa nhập với cuộc sống như bao người bình thường khác.

Thiện tâm sự: Mẹ thì bán hàng tạp hóa, ba trước đây làm thợ đồng nhưng do sức khỏe yếu nên cũng đã nghỉ hưu non. Em còn một đứa em trai khỏe mạnh và học rất giỏi.

Vì gia cảnh cũng khó khăn nên Thiện không muốn trở thành gánh nặng cho ba mẹ. Em tự làm việc, tự kiếm tiền để trang trải cho mình, khi nào có dư thì phụ thêm chút đỉnh cho gia đình.

Những tưởng mọi thứ mỗi ngày sẽ trôi qua như vậy; Thiện hầu như không có bạn bè, chỉ làm việc, sinh hoạt quanh quẩn trong căn phòng nhỏ. Cho đến một ngày, Thiện tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội về sân chơi cho người khuyết tật, em đã chủ động đến gặp thầy Nghĩa để xin được tham gia học thể thao.

Lúc đầu, Thiện chơi môn Bocce. Nhưng sau đó thầy Nghĩa hướng qua chơi môn Boccia. Thời gian đầu tập luyện, khó khăn chất chồng nhưng Thiện cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh.

Dưới sự hướng dẫn của các thầy, em chơi ngày càng hay và chứng tỏ được năng khiếu. Trong vòng mấy tháng tập luyện, Thiện đã được giao trọng trách Chủ nhiệm CLB Boccia Thăng Long.

Thiện (áo cam) trong buổi tập luyện thể thao cùng các bạn đồng cảnh ngộ

Và giờ thì Thiện đã có thể đứng lớp dạy môn Bocce cho gần 20 học viên khuyết tật vào mỗi sáng chủ nhật.

Thành quả ngọt ngào sau những nỗ lực không ngơi nghỉ của một VĐV khuyết tật như Thiện chính là những tấm huy chương (1 HCV, 1 HCĐ) giải vô địch Boccia quốc gia năm 2022.

Càng được kỳ vọng, Thiện lại càng tiếp tục theo đuổi đam mê sau những giờ mưu sinh. Em vẫn đều đặn tập ở nhà vài tiếng mỗi ngày. Chủ nhật thì Thiện tới trung tâm TDTT vừa dạy các bạn chơi, vừa tập luyện cùng thầy hướng dẫn.

Cảm nhận của chúng tôi về Thiện là một thanh niên nghị lực phi thường, nhất là khi biết Thiện đã từng tham gia chạy cả lộ trình 2km trong sự kiện Olympic Run Day 2020.

Và bây giờ, em lại tiếp tục “lấn sân” qua môn bóng đá. Cũng giống như những môn thể thao trước, Thiện đã đạt được những thành tích nổi bật.

Theo thầy Nguyễn Minh Hào (HLV môn Bóng đá), dù cơ thể không bình thường nhưng Thiện rất có năng khiếu với các môn thi đấu. Tham gia môn nào em đều tập trung hết mình. Cách đây không lâu, Thiện khoe vừa tậu 1 đôi giày bóng đá đàng hoàng để có thể ra sân cỏ như 1 cầu thủ chuyên nghiệp. Và khi tổ chức thi đấu kết thúc khóa học về môn bóng đá, Thiện hồ hởi: "Thầy ơi, Team em hạng nhất rồi"!

Thiện thổ lộ: "Tôi cứ nghĩ không bao giờ được xỏ giày vào sân cỏ để tập cùng các bạn nhưng hôm nay, cộng đồng người khuyết tật Việt Nam đã cho tôi có cơ hội biến ước mơ thành hiện thực. Tất cả chỉ là mới bắt đầu; tôi sẽ còn phải nỗ lực tập luyện và hoàn thiện bản thân nhiều hơn nữa để hướng tới những mục tiêu xa hơn; hy vọng một ngày nào đó có thể được thử sức mình trong một môi trường thi đấu chuyên nghiệp".

Ngoài Bocce, Boccia, Thiện còn có đam mê đá bóng

Đó là cả một quá trình phấn đấu của Thiện, bệnh tật dường như đã bị khuất phục trước ý chí, nghị lực vươn lên của chàng trai trẻ.

Kết thúc câu chuyện, Thiện lễ phép chào chúng tôi rồi chạy ra sân. Em lẫn trong nhóm người đang nỗ lực tập luyện để rèn luyện sức khỏe và chờ đợi một mùa giải mới.

Anh cả của đội Judo người khiếm thị

Sở dĩ Trần Việt Hùng (SN 1984, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) được gọi như vậy là nhờ vào quá trình tập luyện và thi đấu Judo, ngót nghét gần 20 năm. Kèm theo đó, thành tích của anh cũng rất đáng nể: HCV Para Games 2008, HCB giải quốc tế 2015, HCĐ giải quốc tế 2016, vô địch quốc gia nhiều năm và gần đây Hùng còn thêm vào “bộ sưu tập” của mình 1 HCB và 1HCĐ tại Asean Para Games.

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về Hùng là nụ cười hiền và cách nói chuyện rất từ tốn. Anh kể: Anh bị khiếm thị bẩm sinh. Dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng là một trở ngại rất lớn nhưng Hùng vẫn ráng theo học chữ nổi và học Trường hòa nhập cho đến năm lớp 12.

Trần Việt Hùng và tấm huy chương môn Judo dành cho người khiếm thị

Vì không đủ điều kiện để theo đuổi tiếp con đường học vấn nên Hùng đã nghỉ học giữa chừng. Anh làm đủ nghề để duy trì cuộc sống và đam mê thể thao. Nhiều năm, anh gắn bó với nghề làm massage tại cơ sở dành cho người khiếm thị. Số tiền ít ỏi kiếm được cũng chật vật trước sau nhưng Hùng vẫn cố gắng sắp xếp, cân đo, miễn là được lên sân đấu tập luyện cùng anh em, đồng đội.

Sau khi lập gia đình riêng và trở thành lao động chính nuôi vợ và 2 con nhỏ, khó khăn chất chồng nhưng chưa bao giờ Hùng bỏ cuộc. Từ nhân viên massage, Hùng trở thành người bán hàng online chuyên về một số sản phẩm sơn tường.

Đoàn VĐV khuyết tật  Việt Nam (trong đó có Hùng) đi thi đấu giải chuyên nghiệp Asean Para Games năm 2022

Cũng còn bộn bề nỗi lo trước mắt nhưng Hùng cũng rất mãn nguyện với mái ấm nhỏ của mình. Dù cả nhà đang sống tại căn nhà trọ ở quận Tân Phú nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười; nhất là người vợ luôn bên cạnh động viên anh tiếp tục sống với đam mê.

Hùng nhớ lại quãng thời gian bắt đầu gắn với với môn Judo dành cho người khiếm thị. Cuối năm 2004, anh may mắn được các thầy hướng dẫn vô trường để tham gia Judo. Những thế võ đối với người bình thường đã khó huống chi đôi mắt anh không thể nhìn thấy.

Anh kể, lúc đầu mới chơi, tập luyện vô cùng khó khăn; 1 thế tập nhiều khi phải mất mấy tuần mới có thể thực hiện được. Nhưng anh đã không nản lòng. Dần dần, cảm giác bắt đầu tốt hơn, Hùng đã có những thế đánh ổn định và biết cách để “đối đầu” với đối phương.

Ông Lý Đại Nghĩa - Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo VN cùng Hùng và đồng đội chụp ảnh lưu niệm trong ngày vui chiến thắng

Trải qua những tháng ngày tập luyện vất vả; không biết bao nhiêu giọt mồ hôi đã đổ xuống sàn tập, Hùng đã trở thành VĐV Judo người khiếm thị. Năm 2006, anh được chọn tham gia giải Asiad Châu Á nhưng do chưa có kinh nghiệm trên đấu trường lớn, lần đó anh chưa ghi được thành tích. Anh biết đứng lên từ thất bại và biến nó trở thành động lực để tiếp tục nỗ lực tập luyện.

Cứ đều đặn vào cuối tuần, Hùng đều đón xe ôm đến sân tập cùng các thầy và đồng đội. Vào thời điểm trước khi diễn ra giải đấu thì tần số tập luyện dày đặc hơn nhưng anh vẫn chưa bao giờ vắng mặt.

Cuộc sống thiếu trước hụt sau là vậy nhưng bao năm nay, anh cũng như các đồng đội đều phải tự lo chi phí di chuyển, chỉ vì để được sống là chính mình và tiếp tục theo đuổi đam mê.

Anh Hùng bộc bạch: “Sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để mang được về nhiều thành tích cho nước nhà và trở thành nguồn động lực cho các bạn khuyến tật trẻ. Tôi làm được thì các bạn cũng sẽ làm được”.

Hùng nói nghe nhẹ nhàng vậy thôi, chứ chỉ có anh mới hiểu được rằng để có được ngày hôm nay là cả một chặng đường dài phấn đấu đầy mồ hôi, nước mắt và thậm chí là máu đã đổ. Nhưng vượt lên trên tất cả, anh đã sống vui, sống khỏe, tràn đầy năng lượng với niềm đam mê võ thuật của mình.

Ông Lý Đại Nghĩa, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Judo Việt Nam cho biết: “Phần lớn người khiếm thị thường có phản xạ kém nên đôi khi sẽ phải đối mặt với va chạm hay chấn thương trong cuộc sống hàng ngày. Quá trình luyện tập Judo với những kỹ thuật té ngã an toàn, có thể giúp họ tự tin và tự bảo vệ bản thân mình. Vượt qua biết bao khó khăn để luyện rèn, người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng đã minh chứng được giá trị của bản thân thông qua hoạt động thi đấu và đạt các thành tích, giúp cộng đồng có một cái nhìn sẻ chia, đồng cảm hơn. Có thể nói, với bề dày thành tích của các VĐV khuyết tật trong nhiều giải đấu lớn, nhỏ; trong và ngoài nước trong thời gian qua; phong trào thể thao người khuyết tật đang dần chuyển mình theo hướng ngày một chuyên nghiệp hơn.

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang