Ly kỳ xâm nhập các bãi vàng trái phép "khủng" trong rừng

Thứ Bảy, 17/09/2022 10:12  | Hoàng Quân

|

(CATP) Lợi dụng sự thiếu kiểm soát của chính quyền và các lực lượng chức năng, hàng chục người rầm rộ khai thác vàng trái phép trong rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Kỳ công và dùng nhiều kỹ thuật, nghiệp vụ từ thu thập nguồn tin đến việc "cắt đuôi" các "tai mắt", qua được các "chốt" canh chừng, kiểm soát, PV Chuyên đề Công an TPHCM tiếp cận được các bãi vàng, đối diện với "vàng tặc"… với nguy cơ nhiều rủi ro, hiểm nguy.

Rầm rộ "vàng tặc" trong rừng phòng hộ

Quãng đường từ thị trấn Khâm Đức, huyện miền núi Phước Sơn - "thủ phủ vàng, tỉnh Quảng Nam đi vào 5 xã vùng cao: Phước Chánh, Phước Công, Phước Kim, Phước Lộc và Phước Thành dài hơn 50km vẫn luôn khó khăn trong việc di chuyển. Vất vả từ tờ mờ đến 8 giờ sáng, chúng tôi cũng đến được làng tái định cư thôn 3 (xã Phước Thành). Từ cổng vào trụ sở của một doanh nghiệp khai thác vàng cũ đã bỏ hoang, đi thêm 200m nữa thì gặp con suối nước tràn từ trên núi cao xuống vực. Sáng nay trời không mưa nhưng dòng nước suối đục ngầu. Với kinh nghiệm, chúng tôi nhận định phía sâu trong rừng có khai thác vàng.

Hai bên dòng suối là 2 lối mòn ngược lên rừng tự nhiên thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn và UBND xã Phước Thành. Trước đó để đến được địa điểm này một cách an toàn, chúng tôi phải đóng vai người đi rừng thật khéo để lọt qua sự dòm ngó của nhiều tai mắt, người cảnh báo dọc đường. Và để xác định được chính xác vị trí, khu vực khai thác vàng và chọn thời điểm xâm nhập để "bắt quả tang" cũng phải rất kỳ công, sử dụng nhiều nghiệp vụ, kinh nghiệm, mối quan hệ với nguồn tin, với cơ sở...

Đường lối mòn dọc suối ngược lên núi cao, vào rừng sâu khá vất vả. Vừa đi vừa nghỉ hơn 1 tiếng, chúng tôi đã nghe tiếng máy móc. Đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi thấy 2 thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số từ trong đi ra. Hai thanh niên ngơ ngác, hỏi thăm khách lạ. Sau khi nói "mật khẩu" thì chúng tôi đi qua, tiếp tục hướng về tiếng máy nổ. Đường mòn vẫn bám theo suối, bao quanh núi, chênh vênh một bên vách núi và bên dưới là vực sâu. Dọc đường đi, nhiều cây rừng bị đốn hạ, cưa xẻ, có những cây gỗ với đường kính 70cm, dài 20-30m bị đốn hạ, cưa xẻ lấy gỗ tấm...

Một cửa hầm vàng

Gỗ trong rừng bị triệt hạ phần do người dân địa phương, phần do "lâm tặc" khai thác và phần nữa là để phục vụ cho việc khai thác vàng: lấy cây, ván xẻ để chống đỡ, gia cố hầm vàng, dựng lán trại, che chắn các máy móc lọc đãi vàng. Khu vực rừng này thuộc sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn.

Giữa rừng tự nhiên bên suối lớn là đại công trường khai thác vàng với nhiều lán trại nằm san sát nhau cùng hàng chục máy móc, thiết bị, các loại hóa chất... Phải chắc chắc rằng cực kỳ tốn công sức và tiền của (nhiều tỷ đồng) mới đưa được số máy móc, thiết bị, vật tư, thuê nhân công từ các địa phương khác và qua nhiều khâu "tuyển chọn" kỹ từ bên ngoài vào rừng để làm vàng.

Hàng chục người chủ yếu là thanh niên, đàn ông lực lưỡng đang thực hiện các công đoạn để khai thác vàng. Tiếng máy xay đất đá, lọc đãi vàng ầm ầm nhức tai. Rừng xanh không yên bình, tiếng chim hót thưa dần...

Khó khăn lắm mới vào được tận bãi vàng và ghi nhận các hoạt động từ vòng ngoài, khi vào trong chúng tôi đành chơi "bài ngửa", chủ động xâm nhập, tiếp cận. Mọi người ở đây khá bất ngờ trước sự xuất hiện của những người lạ. Trời gần trưa, nắng chang chang. Thấy chúng tôi tác nghiệp, một trong những người phụ trách, quản lý ở đây chạy nhanh ra, xốc ngang hông đồng nghiệp chúng tôi vào lán trại gần đó. Người này nói: "Mời anh em vào đây uống nước, nói chuyện đã”.

Chạm mặt kịch tính

Vào trong chào hỏi, trò chuyện một lúc, chúng tôi ngỏ ý đi tham quan xung quanh thì người phụ trách tỏ ý không muốn. Chúng tôi chủ động nói: "Chúng tôi vào đây cũng đã biết hết, có tính toán, chuẩn bị mọi chuyện từ trước rồi". Cuối cùng, một người đành miễn cưỡng dẫn chúng tôi đi, tay không quên cầm con dao dài khoảng 35cm. Máy móc vẫn ầm ầm, các phu vàng vẫn say sưa làm việc vừa trố mắt nhìn chúng tôi.

Hệ thống máy lọc đãi vàng ở bãi vàng 699

Rời bãi vàng số 8 nói trên, chúng tôi trở ra ngoài. Người quản lý đi theo, tay vẫn không quên cầm con dao như lúc nãy. Vừa đi, người này vừa trình bày hoàn cảnh khó khăn và bày tỏ mong được bỏ qua. Trưa nắng, chúng tôi leo lên những quả đồi gọi là khu vực bãi 699, cách đường bê tông khoảng 300m và cách làng tái định cư thôn 3 khoảng 2,5km theo đường chim bay. Hàng chục héc-ta đất rừng nơi đây nham nhở, sạt lở nhiều vị trí.

Khoảng gần 10 lán trại nằm thưa thớt bên những vách núi, xung quang nhan nhản các hầm hố cùng hàng chục máy móc, thiết bị. Một số hầm được gia cố cây rừng, ván gỗ và đi sâu vào núi. Nhiều hầm vàng còn thông với nhau như địa đạo trong rừng. Ở một lán trại giữa bãi vàng, có một phụ nữ phục vụ nấu cơm cho các phu vàng và bữa ăn sắp được dọn ra.

Do trưa nắng, đến giờ ăn cơm và lúc chúng tôi trên đường vào bãi 8 đã chạm mặt phu vàng nên hoạt động khai thác vàng ở bãi 699 tạm dừng từ khoảng 1-2 giờ trước. Khi thấy người lạ tác nghiệp, nhiều phu vàng lấp ló ở các bụi cây nghe ngóng, quan sát. Thấy chúng tôi ở lâu bên cạnh các máy móc thiết bị, một số người đến trừng mắt hỏi chuyện. Có người nói: "Đây là đất làm rẫy của dân nên đưa máy đến để phục vụ làm rẫy". Khi được vặn lại máy để làm vàng thì họ lý giải là phục vụ thăm dò vàng.

Những người quản lý của 2 bãi vàng liên tục theo chân, chăm sóc chúng tôi rất kỹ. "Biết làm trái phép là sai nhưng anh em chui lủi kiếm sống. Bỏ nhiều tiền ở đây rồi, lỗ quá, mong anh em giúp đỡ”. Người quản lý nói vậy, sau đó mặt có vẻ thất vọng khi chúng tôi dứt khoát đi khỏi khu vực...

Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành khẳng định: "Hai bãi vàng nói trên không được cấp giấy phép. Bãi vàng số 8 từ trước những năm 2000 có doanh nghiệp khai thác nhưng sau đó dừng, đã đóng cửa nhiều năm. Bãi vàng 699 trước cấp phép thăm dò khoáng sản cho Công ty Hưng Thịnh (trụ sở tại TP Hà Nội) do ông Dung làm đại diện nhưng đã hết hạn hơn 2 tháng trước.

Thời gian gần đây, có một số người ở nơi khác đến cùng người tại địa phương khai thác vàng trái phép ở 2 bãi trên. Từ cuối tháng 7 đến nay, UBND xã và các lực lượng, cơ quan của huyện đã 3 lần truy quét, đẩy đuổi nên nghĩ không còn nữa. Nay nghe phản ánh vẫn còn làm thì chúng tôi cũng bất ngờ và trong ngày mai sẽ kiểm tra thực tế để xử lý”.

Ở các đợt truy quét trên, chính quyền và lực lượng chức trách (Công an, Xã đội, cán bộ bảo vệ rừng...) chỉ thu giữ và phá hủy một số máy móc, thiết bị, vật dụng, đốt, phá lán trại chứ không bắt quả tang người vi phạm. "Mỗi lần truy quét do đường xa, địa hình rừng núi hiểm trở và có người theo dõi, báo tin nên người trong các bãi vàng bỏ chạy hết", lãnh đạo UBND xã Phước Thành cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang