Trật tự xây dựng (TTXD) luôn là vấn đề “nóng” tại các địa phương, nhất là với các đô thị vừa mới được hình thành. Dù đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2022/NĐ-CP, giúp cho công tác xử lý các vi phạm về TTXD được hướng dẫn cụ thể, rành mạch.
Thế nhưng trên thực tế, việc quản lý công tác này tại một số nơi hiện nay vẫn cho thấy nhiều lúng túng, thậm chí là có dấu hiệu tiêu cực. Lần theo phản ánh của bạn đọc, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã đi tìm lời giải và phát hiện hàng loạt những bí ẩn sau các công trình xây dựng trái phép.
Thấy công trình trái phép vừa “mọc” lên, người dân đã nhiều lần phản ánh, thậm chí gửi cả đơn yêu cầu ngăn chặn đến những nơi có trách nhiệm. Nhưng lạ thay, công trình vi phạm qua từng ngày vẫn được hoàn thành đẹp đẽ, khang trang mà dường như không có bất cứ sự can thiệp có hiệu quả nào từ phía chính quyền cơ sở. Vì sao?
NGANG NHIÊN LẤN CHIẾM
Mấy ngày nay, người dân ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TPHCM) không khỏi trầm trồ khi đi qua công trình dáng dấp của một căn biệt thự nhỏ. Ngay từ những ngày đầu, công trình đã bị người dân khiếu kiện vì xây dựng lấn chiếm. Thế nhưng đến nay, nó vẫn hàng ngày được dần hoàn thiện mà không hề gặp phải trở ngại gì.
Chủ nhân của công trình được cho là bà N.T.N.H, có chồng là một cán bộ đang công tác trong bộ máy chính quyền thuộc huyện Bình Chánh, TPHCM (?). Theo hồ sơ, ngày 5-5-2022, bà N.T.N.H được UBND huyện Bình Chánh cấp phép xây dựng 02 tầng, với diện tích xây dựng là 111,20m2 tại ấp 6, xã Vĩnh Lộc A. Đồng thời, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà H. cũng thể hiện, lô đất tại vị trí này có diện tích chiều ngang là 7,5 mét. Tuy nhiên, trong quá trình công trình thi công phần móng, chủ lô đất kế bên là anh H.N.P, sau khi thực hiện đo đạc, đã phát hiện thửa đất của anh bị lấn mất 0,66 mét chiều ngang và 24,97 mét chiều dài.
Nghĩ tình hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau nên anh P. đã nhiều lần gặp chủ công trình để “nói chuyện phải lẽ”, tránh xảy ra xích mích về sau. Tuy nhiên theo anh P., thay vì cầu thị tiến hành đo đạc lại diện tích căn nhà đang thi công của mình để rõ có hay không sai sót dẫn đến xâm lấn đất người khác, phía bà H. lại tỏ thái độ hung hăng, thách thức. “Ông Kh. (chồng bà H.) khẳng định, ông là cán bộ công tác tại một xã ở huyện Bình Chánh nên chẳng việc gì phải ngại ai cả” - anh P. kể.
Các cán bộ có trách nhiệm về quản lý TTXD đến hiện trường kiểm tra, đo đạc một công trình xây dựng
Khi “tiếng nói chung” bất thành với người hàng xóm, anh P. buộc phải khiếu nại để đòi lại quyền lợi của mình. Lạ thay, dù UBND xã Vĩnh Lộc A và cả Đội thanh tra xây dựng địa bàn huyện Bình Chánh (thuộc Sở Xây dựng TPHCM - là đơn vị có trách nhiệm chính trong việc quản lý, kiểm tra các công trình được cấp phép) đã trực tiếp xuống hiện trường để đo đạc, kiểm tra vào các ngày 28 và 31-5-2022. Nhưng thật ngạc nhiên, các cán bộ này lại không tiến hành lập biên bản kiểm tra hiện trạng hoặc lập biên bản vi phạm, yêu cầu đình chỉ thi công theo quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP. Những lần kiểm tra theo kiểu “lướt gió” này đã dẫn đến việc chủ công trình “tự tin” xây thêm bức tường “đè” luôn vị trí bị anh P. khiếu kiện về việc lấn chiếm, khiến sự việc trở nên phức tạp hơn!
Nhằm rõ thực hư liệu có phải vì ông Kh. là cán bộ xã nên được các lực lượng chức năng “ưu ái”, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã có cuộc nhập vai để tiếp cận với người đàn ông này. Nhắc đến công trình căn biệt thự, ông Kh. khẳng định: “Anh làm Nhà nước mà, anh làm trong xã nè! Đúng thật diện tích trong sổ đỏ của anh chỉ là 7,5 mét nhưng anh làm như vậy để thử xem bên đó (tức phía anh P.) có bán được lô đất của họ cho ai không? Anh hỏi mấy anh bên thanh tra ở trên rồi, mấy ảnh nói tạm thời mày cứ làm đúng 7,5 mét (tức phần diện tích thực của căn nhà - PV), nửa mét còn lại (tức diện tích đã được làm dư phần móng để xâm lấn) mày “để yên” đó, họ cũng “chết” thôi” - ông Kh. tiết lộ.
“NGỤY TRANG” SAU TẤM TÔN
Không chỉ ở xã Vĩnh Lộc A, nhiều “vấn đề” trong công tác quản lý TTXD cũng đang xảy ra tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Bao năm nay, nhiều người dân sống tại thuộc xã Bình Hưng không thể xây dựng nhà ở do đa phần đất của họ chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn lén lút diễn ra tình trạng xây dựng không phép, trở thành câu chuyện nhức nhối trên địa bàn.
Tại ấp 1, xã Bình Hưng, phóng viên ghi nhận thực trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp. Các căn nhà “chui” này hầu hết được nguỵ trang bằng tôn dựng bên ngoài nhưng thực chất bên trong là tường bê tông, cốt thép kiên cố. Lý do làm vậy, theo tiết lộ của chính một số chủ công trình, là vì “ở trên” hướng dẫn để qua mắt những kẻ hay xoi mói. Không biết chính quyền cơ sở có biết điều này hay không? Chỉ biết rằng, thực trạng chúng tôi ghi nhận những công trình không phép này vẫn nghiễm nhiên tồn tại, và từng ngày, từng giờ vẫn được hoàn thành.
Ông Kh. (chồng của bà H. chủ công trình xây dựng) tự xưng làm cán bộ xã, tiết lộ đã được thanh tra “chỉ nước” (ảnh cắt từ clip điều tra)
Quả thực, công tác xử lý các vấn đề liên quan đến TTXD nếu không quyết liệt ngay từ thời điểm đầu tiên thì chắc chắn, không tránh khỏi phức tạp về sau. Cùng một vấn đề nhưng trên một địa bàn khác, phóng viên ghi nhận cách xử lý hoàn toàn khác của chính quyền địa phương. Cụ thể tại P.25 (Q.Bình Thạnh, TPHCM), ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng xây dựng không phép trên đất tranh chấp, gây nguy hiểm (nằm trên khu đất số 155 đường D5, Q.Bình Thạnh - địa chỉ do chủ đất tự đặt) vào ngày 28-7-2022, ông Phạm Văn Tồn - Chủ tịch UBND P25 liền chỉ đạo lực lượng phụ trách TTXD của phường xuống hiện trường kiểm tra hiện trạng.
Tại đây, cơ quan chức năng xác định chủ công trình có hành vi xây dựng một bức tường tôn không phép đè lên bức tường gạch (đã có sẵn), với chiều cao vượt ngưỡng, không đảm bảo an toàn. Do vậy, UBND P.25 đã lập tức làm việc với chủ công trình, yêu cầu đình chỉ thi công, tự nguyện phá dỡ. Chỉ trong vòng một ngày, dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng, công trình không phép gây nguy hiểm này đã được người dân tự nguyện trả lại hiện trạng ban đầu. Đây là ví dụ điển hình nhất cho thấy, nếu các vi phạm TTXD được cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý gãy gọn, quyết liệt, hiệu quả ngay từ thời điểm đầu tiên khi vừa phát hiện thì sẽ tránh để lại câu chuyện dây dưa.
Những vi phạm tưởng chừng nhỏ, vậy mà không nhỏ! Bởi, nếu không làm điểm, sẽ khó thể giữ được kỷ cương pháp luật trong quản lý TTXD. Và chắc chắn, sẽ để lại hoài nghi không đáng có trong lòng người dân. Do vậy, việc xử lý nghiêm khi vừa phát hiện sẽ là cách tốt nhất để khoanh vùng, “khóa sổ” lại vi phạm, tránh lan ra thành điểm nóng gây khó chính quyền trong công tác quản lý về sau.
(Còn tiếp...)