Diễn biến bất ngờ vụ cựu cán bộ An ninh T4 kêu cứu ở tuổi 90:

Vụ kiện đòi nợ là một "siêu kịch bản" được dàn dựng? (kỳ 1)

Thứ Tư, 31/08/2022 14:08

|

(CATP) Đó là quan điểm của luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TPHCM, sau khi thu thập được chứng cứ thuyết phục từ Cục xuất nhập cảnh - Bộ Công an. 

Tại thời điểm ngày 29-11-2013, cụ Võ Thị Cảnh (SN 1928, quốc tịch Hoa Kỳ) không có mặt tại Việt Nam nên không thể nào ký vào giấy vay 2 tỷ đồng. Việc vay tiền được dựng lên, hoàn toàn giả tạo nhưng cả 4 cấp tòa đều nhận định là có thật. Đây là tình tiết quan trọng, làm thay đổi bản chất của vụ án, là căn cứ vững chắc để Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao kháng nghị tái thẩm, hủy toàn bộ các bản án, quyết định lộ rõ oan sai. Ngoài tình tiết này, còn có nhiều chứng cứ quan trọng khác để tái thẩm vụ án...

"Núm ruột... 5 không"

Loạt bài điều tra của Chuyên đề Công an TPHCM gây sự chú ý của dư luận. Nhiều bạn đọc đề nghị tòa soạn tiếp tục làm rõ, đưa toàn bộ chân tướng vụ việc ra trước công luận, giải oan cho cựu An ninh T4 Trần Thị Ngọc Thanh.

Ở tuổi 90 nhưng cụ Thanh rất minh mẫn, gửi lời cảm ơn và bày tỏ tri ân đối với tòa soạn, khởi đăng 2 kỳ, vén bức màn bí ẩn, đưa sự thật ra ánh sáng công lý. Cựu An ninh T4 bày tỏ mong ước như là một "ân huệ" dành cho cụ cuối đời: "Lấy danh dự của một người cả đời tin tưởng theo cách mạng, được tặng Huy chương kháng chiến hạng Nhất, tôi khẳng định, đây là vụ án gây oan sai ngút trời bởi những câu chuyện được dàn dựng lộ liễu. Tôi khẩn thỉnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, chỉ đạo xem xét, giải quyết lại vụ án, nhằm thượng tôn luật pháp, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa...".

Theo hồ sơ vụ án và thu thập của PV, nhân vật chính trong vụ án giành quyền thừa kế căn nhà 722-724 Điện Biên Phủ (ĐBP) P.10, Q.10, TPHCM là cụ Võ Thị Cảnh (VO CANH THI), sinh ngày 07-5-1928. Hơn 40 năm trước, cụ Cảnh sống tại Sài Gòn, rồi xuất cảnh và có quốc tịch Hoa Kỳ.

Cụ Trần Thị Ngọc Thanh đọc loạt bài điều tra của Chuyên đề CATP

Cụ Cảnh tự nhận cụ Bùi Hữu Ngự (SN 1929) là "chồng" và ông Bùi Hữu Đức (SN 1965) là "con". Cụ Ngự sống tại căn nhà 722-724 ĐBP từ lúc nhỏ cho đến khi quy tiên năm 1985; ông Đức về sống chung với cụ Ngự tại căn nhà trên từ năm 1979 cho đến ngày qua đời 30-9-2013. Lúc cha con ông Đức còn sống, cụ Cảnh không nhận thân nhân dù cả 3 người đều ở tại TPHCM. Đợi khi ông Đức vừa qua đời, cụ Cảnh lúc này đã 85 tuổi, bay từ Mỹ về Việt Nam (VN) nhận người chết là "núm ruột" của mình theo kiểu "5 không": Không biết nơi sinh của "con"; không nuôi dưỡng "con" từ nhỏ; không một lần thăm hỏi, động viên khi "con" lâm bệnh; không nhìn mặt lần cuối khi "con" lâm chung; không dự đám tang con...(?!)

Vì nhận " núm ruột" theo kiểu "5 không" nên phải dàn dựng những thứ cần thiết. Đầu tiên, là "bùa" giấy khai sinh ông Bùi Hữu Đức "bản chính cấp ngày 08-5-2010" (đã được kết luận là giả mạo), không chỉ giả về con dấu, chữ ký, ngay cả nơi sinh của ông Đức cũng "bịa" ra! Tệ hại hơn, cả tên cha và mẹ của ông Đức trong giấy khai sinh giả đều sai (Bùi Hữu Ngự thành "Bùi Hữu Ngữ"; Nguyễn Thị Cảnh thành "Võ Thị Cảnh").

Sau khi cho "ra lò” giấy khai sinh kèm "chứng thực" ngày 26-10-2013 (cũng là giả) thì cụ Cảnh từ Mỹ bay về VN vào ngày 03-11-2013. Ngay hôm sau, cụ ký giấy ủy quyền tại Phòng công chứng số 4, TPHCM cho bà Lê Thị Bạch Yến Hương, sử dụng khai sinh giả để "khai nhận di sản thừa kế" đối với căn nhà 722-724 ĐBP. Chỉ nhìn thoáng qua cũng biết đây là giấy khai sinh được làm giả nhưng công chứng viên Phòng Công chứng số 4 Nguyễn Kim Chi lại vô tư ký chứng nhận ngày 28-11-2013.

Cụ Phạm Thị Sửu và con nuôi Bùi Hữu Đức lúc còn nhỏ

Thẩm phán duyệt làm khai sinh cho người "cõi âm" (?!)

Sau khi "bùa" giấy khai sinh, phân đoạn tiếp theo của "siêu kịch bản" nhận người "cõi âm" làm con là vụ kiện "đòi tiền công nuôi dưỡng". Vai chính nguyên đơn trong phân đoạn này là cụ bà 87 tuổi Võ Thị Phước (chị ruột cụ Cảnh, SN 1927, ngụ xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận); bị đơn không ai khác ngoài cụ Cảnh, đã 86 tuổi (!). Mục đích chính của vụ kiện để tòa công nhận cụ Cảnh là mẹ ông Đức.

Cụ Cảnh rõ ràng sống ở Mỹ, có quốc tịch Mỹ nhưng TAND Q.Bình Thạnh "phán" cho cụ thành người VN "100%", có địa chỉ tại 15/2 Nguyễn Huy Tưởng, P.6, Q. Bình Thạnh, TPHCM kèm chứng minh nhân dân số 020148189 được Công an TPHCM cấp ngày 31-5-1978, đến năm 2014 đã 36 năm (?!). Từ đó, TAND Q.Bình Thạnh xác định vụ kiện thuộc thẩm quyền nên sốt sắng ra thông báo thụ lý ngày 23-4-2014.

Ngày 28-3-2014, cụ Cảnh từ Mỹ nhập cảnh VN để chuẩn bị làm bị đơn. Ngay khi TAND Q.Bình Thạnh ra thông báo thụ lý thì cụ Cảnh rời TPHCM, bay về Mỹ lúc 14 giờ 11 ngày 23-4-2014. Đến ngày 28-5-2014, cụ Cảnh từ Mỹ bay về VN để hoàn thành phân đoạn "nhận con".

Ngày 26-6-2014, thẩm phán TAND Q.Bình Thạnh Vũ Đức Toàn ký Quyết định số 595/2014/QĐ-HNGĐ (QĐ số 595) "công nhận sự thỏa thuận của các đương sự", nội dung: "Bà Võ Thị Cảnh, CNMD số 020148189 cấp ngày 31-5-1978 là mẹ của ông Bùi Hữu Đức. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và bà Võ Thị Cảnh có trách nhiệm liên hệ Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền làm khai sinh theo quy định pháp luật. Cụ Cảnh có trách nhiệm thanh toán tiền công nuôi dưỡng ông Bùi Hữu Đức khi còn nhỏ cho bà Võ Thị Phước số tiền 200 triệu đồng. Các bên đã thi hành xong nghĩa vụ thanh toán".

Tờ cam kết của cụ Võ Thị Phước khẳng định không nhận tiền và không liên quan đến việc nhận con của cụ Cảnh

QĐ số 595 có 3 điểm "lạ” đến khó tin. Thứ nhất, để ra QĐ số 595, thẩm phán Vũ Đức Toàn căn cứ vào "biên bản hòa giải thành" giữa hai đương sự lập ngày 18-6-2014. Xác minh của PV, cụ Cảnh rời TPHCM về Mỹ trên chuyến bay cất cánh lúc 11 giờ 46 phút 57 giây ngày 18-6-2014. Muốn xuất cảnh, cụ Cảnh phải có mặt tại sân bay từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ để làm thục tục. Vậy, cụ Cảnh đến TAND Q. Bình Thạnh lúc nào để bàn bạc, đi đến thỏa thuận với cụ Phước? Thẩm phán Toàn chủ trì, lập "biên bản hòa giải thành" cho cụ Cảnh và cụ Phước ký lúc nào để "yểm trợ" cụ Cảnh tuổi cao sức yếu ra sân bay, rời VN ngay trong sáng 18-6-2014?

Thứ hai, hơn ai hết, thẩm phán Toàn phải biết rõ quy định của pháp luật, việc xác định ông Đức có phải là con cụ Cảnh hay không, phải do Tòa án xác định chứ không phải trên cơ sở hai cụ Phước - Cảnh tự thỏa thuận, rồi thẩm phán Toàn ký công nhận. Hơn nữa, trong vụ án này, cụ Phước khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định cụ Cảnh là mẹ ông Đức chứ không phải cụ Cảnh yêu cầu. Lẽ ra phải hướng dẫn cụ Cảnh làm đơn yêu cầu Tòa án xác định "ông Đức là con của mình", thì thẩm phán Toàn lại "tình thương, mến thương", ra sức giúp cụ bà Việt Kiều "đốt cháy giai đoạn" (?!).

Thứ ba, đường đường là một "quan tòa" nhưng thẩm phán Toàn lại "phán" để cụ Cảnh làm khai sinh cho ông Bùi Hữu Đức là người "cõi âm" (?!)

Sự thật chỉ có một...

Đây là vụ kiện được dàn dựng, không có thật. Tại tờ cam kết ngày 18-02-2016 (được Trưởng Công an xã Đức Phú ký xác nhận), cụ Phước đã khẳng định: "Tôi không biết và cũng không liên quan đến việc bà Võ Thị Cảnh làm thủ tục nhận con là ông Bùi Hữu Đức. Năm 2014, cô Lê Thị Bạch Yến Hương (nói là luật sư), chở tôi đến TAND Q.Bình Thạnh, kêu tôi ký vào 4 văn bản đã được đánh máy sẵn. Cô Hương cho tôi ít tiền về xe, ngoài ra tôi không có nhận bất kỳ số tiền nào từ bà Cảnh hoặc bất kỳ ai".

Được biết, cụ Phước sau này đã thay đổi lời khai nhưng không thể thay đổi được sự thật. Tài liệu PV thu thập được, thể hiện rõ, ông Bùi Hữu Đức từ bé sống với cụ Phạm Thị Sửu (SN 1911, ngụ phường Châu Thành, thị xã Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai - nay là TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong "tờ khai" được chính quyền Cách mạng xác nhận ngày 19-11-1975, cụ Sửu nêu rõ: "Tôi có nhận nuôi một đứa con trai tên là Bùi Hữu Đức ở Sài Gòn, có cha là Bùi Hữu Ngự, không có mẹ...".

Ngày 21-12-1977, cụ Sửu qua đời. Ngày 25-02-1978, cụ Bùi Hữu Ngự làm đơn "xin cho con được chuyển về thành phố" gửi Công an TPHCM, trình bày: "Tôi có đứa con nhỏ tên Bùi Hữu Đức, từ bé cháu sống với bà Phạm Thị Sửu, cư trú tại số 4 đường Nguyễn Vĩnh Trinh, thị xã Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai. Nay bà Sửu qua đời, tôi xin cháu Đức về sống chung với tôi tại TPHCM...".

Quá rõ ràng, ông Đức từ bé sống tại Vũng Tàu với cụ Sửu, sau khi cụ Sửu mất thì được đưa về TPHCM sinh sống với cụ Ngự và cụ Trần Thị Ngọc Thanh cho đến khi qua đời ngày 30-9-2013. Sống chung một nhà, cựu An ninh T4 luôn xem ông Đức như con ruột của mình, lo thủ tục nhập hộ khẩu, chăm sóc, ăn học cho đến lúc trưởng thành. Khi ông Đức lâm bệnh, nhập viện, qua đời, cụ Thanh cũng là người trực tiếp và duy nhất lo cho ông Đức, rồi thờ cúng cùng với cụ Ngự.

Như vậy, sau cụ Sửu, đến cụ Thanh là người nuôi nấng, sống chung với ông Đức suốt mấy chục năm. Tình cảm giữa hai người thật sự là "tình mẹ con", chăm sóc yêu thương lẫn nhau. Cụ Phước không nuôi dưỡng ông Đức nên không thể nào "đòi tiền công". Chính cụ Phước đã khẳng định không hề nhận tiền từ phía cụ Cảnh...

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang