Tiếng kêu cứu của cựu cán bộ An ninh T4 ở tuổi 90 (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 29/07/2022 17:23

|

(CATP) Bỏ qua hàng loạt khuất tất, bất thường, TAND Q.Bình Thạnh tuyên bản án lộ rõ oan sai. Lạ thay, dù Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TPHCM kháng nghị chỉ rõ 10 điểm vi phạm nghiêm trọng của án sơ thẩm, nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn "thương" người xài khai sinh giả. Càng lạ hơn, bản án phúc thẩm đầy oan khuất sau khi bị TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy thì TAND Tối cao lại đảo ngược, giữ nguyên (?!). Suốt gần 60 năm sống trong căn nhà gắn bó như máu thịt, cựu An ninh T4 bị buộc rời khỏi mái ấm ở tuổi 90 để giao nhà cho cụ bà Việt kiều Mỹ 94 tuổi "lạ quắc lạ quơ”...

Viện chỉ ra vi phạm, tòa cho qua (?!)

Liên quan đến 2 vụ kiện đòi nợ, nguyên đơn Nguyễn Văn Hải trình bày: Ngày 29-11-2012, ông cho cụ Võ Thị Cảnh vay 2 tỷ đồng, lãi suất 0%/tháng, thời hạn vay 12 tháng. Cùng ngày, cụ Cảnh ký nhận đủ 2 tỷ đồng bằng "biên nhận nhận tiền" và hứa sẽ bán cho ông Hải căn nhà số 722-724 Điện Biên Phủ (ĐBP) là di sản thừa kế với giá 5 tỷ đồng. Đã quá thời hạn thanh toán, ông yêu cầu cụ Cảnh trả số tiền trên; nếu không trả thì cụ phải bán cho ông căn nhà 722-724 ĐBP.

Bị đơn Võ Thị Cảnh, do bà Lê Thị Bạch Yến Hương (SN 1961, ngụ P6, Q.Bình Thạnh) làm đại diện, đồng ý trả 2 tỷ đồng cho ông Hải khi bán được nhà 722-724 ĐBP. Bị đơn cho rằng căn nhà này của cụ Bùi Hữu Ngự để lại cho ông Bùi Hữu Đức, nay ông Đức đã chết, cụ Cảnh là mẹ của ông Đức nên yêu cầu được hưởng thừa kế căn nhà.

Cụ Trần Thị Ngọc Thanh bên hồ sơ kêu oan

Việt kiều Lam Loan Nguyen do bà Nguyễn Thị Phi Diệp (SN 1961, ngụ P6Q10) trình bày: Ngày 01-11-2002, bà cho ông Đức vay 254 lượng vàng SJC, thời hạn 5 năm. Quá hạn vay ông Đức chưa trả nên bà khởi kiện, yêu cầu xác định nhà 722-724 ĐBP là di sản của ông Đức, người được hưởng thừa kế phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà. Trường hợp cụ Cảnh (mẹ ruột bà) được thừa hưởng căn nhà trên, bà sẽ không đòi nợ mà thương lượng với cụ.

Đại diện cụ Trần Thị Ngọc Thanh trình bày: Hợp đồng vay tiền và ký nhận tiền cùng ngày 29-11-2012 là giả tạo vì cụ Cảnh mang quốc tịch Mỹ, thời điểm này không về Việt Nam. Cụ Cảnh không phải mẹ của ông Đức thể hiện qua tờ "Thế vì khai sinh" ngày 06-12-1972, xác định rõ mẹ ông Đức là cụ Nguyễn Thị Cảnh đã mất tích từ năm 1972. Ngoài ra, cụ Thanh đề nghị tòa ủy thác tư pháp lấy lời khai của Cảnh về năng lực hành vi, phạm vi ủy quyền, nội dung ủy quyền cho bà Hương...

Tại Bản án sơ thẩm số 195/2016/DS-ST ngày 29-01-2016 của TAND Q. Bình Thạnh, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Thanh Vân ngồi ghế chủ tọa, tuyên: Cụ Cảnh phải trả cho ông Hải 2 tỷ đồng. Cụ Cảnh là người hưởng di sản của ông Đức đối với căn nhà 722-724 ĐBP; buộc cụ Thanh và những người đang sống tại căn nhà này giao trả nhà cho cụ Cảnh.

Ngày 29-02-2016, Viện trưởng Viện KSND TPHCM ký Quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, chỉ ra 10 điểm vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng lẫn nội dung. Tuy nhiên, tại Bản án phúc thẩm số 1039/2017/DS-PT ngày 21-11-2017, TAND TPHCM với HĐXX gồm 3 thẩm phán: Lê Thanh Huyền (chủ tọa), Nguyễn Tiến Dũng và Phạm Thị Út, tuyên: Cụ Cảnh trả nợ 2 tỷ đồng cho ông Hải. Cụ Cảnh có toàn quyền sở hữu nhà 722-724 ĐBP; buộc cụ Thanh giao trả nhà cho cụ Cảnh trong vòng 2 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực... HĐXX phúc thẩm bác bỏ gần như toàn bộ kháng nghị với những chứng cứ vững chắc, quan điểm xác đáng của Viện trưởng VKSND TPHCM.

Tờ "Thế vì khai sinh" lập năm 1972, xác định mẹ ông Bùi Hữu Đức là "Nguyễn Thị Cảnh", đã mất tích

"Giám đốc thẩm đè giám đốc thẩm"

Ngày 25-6-2018, Chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM ký Quyết định kháng nghị đối với Bản án số 1039/2017/DS-PT. Tại Quyết định giám đốc thẩm (GĐT) số 290/2018/DS-GĐT ngày 29-8-2018, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên hủy 1039/2017/DS-PT và Bản án sơ thẩm số 195/2016/DS-ST liên quan đến phần giải quyết về tranh chấp di sản thừa kế căn nhà số 722-724 ĐBP; tách quan hệ tranh chấp này thành một vụ án khác; giao hồ sơ cho TAND Q.Bình Thạnh giải quyết lại sơ thẩm.

Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao nhận định: Thứ nhất, việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa ông Hải và cụ Cảnh không liên quan đến tranh chấp về di sản thừa kế nhà số 722-724 ĐBP giữa cụ Cảnh với cụ Thanh; cũng không liên quan đến hợp đồng vay tài sản giữa bà Lam Loan Nguyen với ông Đức. Cả hai cấp tòa xác định yêu cầu của cụ Cảnh và bà Lam Loan Nguyen là các yêu cầu phản tố và độc lập là không đúng pháp luật, dẫn đến việc giải quyết các tranh chấp trong cùng một vụ án là không đúng.

Thứ hai, giấy khai sinh xác định cụ Võ Thị Cảnh là mẹ của ông Đức đã được Phòng Tư pháp TP.Trà Vinh khẳng định là giả mạo. Bản kê khai chứng minh nhân dân ngày 22-4-2013 của ông Đức có ghi mẹ là Võ Thị Cảnh, được Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TPHCM kết luận: Tại vị trí ghi họ mẹ của ông Đức đã bị "tẩy" và viết lại thành chữ "Võ”. Như vậy, theo các tài liệu này thì không có căn cứ để kết luận ông Đức là con của cụ Cảnh.

Thứ ba, theo Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, cụ Cảnh muốn xác định ông Đức là con thì phải có đơn yêu cầu Tòa án, chứ không phải trên cơ sở cụ Võ Thị Phước và cụ Cảnh thỏa thuận với nhau, rồi TAND Q.Bình Thạnh ra Quyết định số 595/2014/QĐ-HNGĐ ngày 26-6-2014 "công nhận sự thỏa thuận". Dù Chánh án TAND Tối cao có văn bản yêu cầu nhưng TAND TPHCM vẫn đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm mà không chờ kết qua giải quyết đơn đề nghị kháng nghị đối với quyết định nêu trên là chưa đảm bảo được tính khách quan và có căn cứ pháp luật.

Văn bản của Ban Dân nguyện Quốc hội do Phó trưởng ban Lưu Bình Nhưỡng ký

Thứ tư, theo cụ Thanh trình bày, ông Đức để lại di chúc ngày 2-6-2013 cho cụ được thừa hưởng căn nhà 722-724 ĐBP vì cụ sống trong căn nhà này và chăm sóc ông Đức từ khi còn nhỏ. Di chúc này có chữ ký xác nhận của ông Trần Công Hằng và bà Huỳnh Thị Tấn. Ông Hằng và bà Tấn có tường trình ngày 17-02-2014, xác nhận ông Đức đã yêu cầu ông bà thảo nội dung di chúc và ký với tư cách người làm chứng. Khi lập di chúc ông Đức minh mẫn, sáng suốt và tự nguyện ký vào di chúc. Tờ di chúc này đã được giám định hai lần theo yêu cầu của cụ Cảnh, nhưng cho ra kết luận có sự khác nhau, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không trưng cầu giám định lần hai theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Giám định tư pháp năm 2012.

Ủy ban Thẩm phán khẳng định: Bản di chúc do ông Đức lập là chứng cứ rất quan trọng, cần phải làm rõ tính hợp pháp của di chúc này mới có đủ cơ sơ pháp lý giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Ngày 23-9-2021, TAND Tối cao mở phiên tòa GĐT theo đề nghị của bà Lê Thị Bạch Yến Hương. Hội đồng Thẩm phán gồm 5 ông, bà Nguyễn Văn Du (Phó chánh án TAND Tối cao, ngồi ghế chủ tọa), Ngô Hồng Phúc, Trần Hồng Hà, Đào Thị Xuân Lan và Lê Văn Minh, đã ra Quyết định GĐT số 37/2021/DS-GĐT, nội dung: Chấp nhận kháng nghị số 39/2021/KN-DS ngày 12-7-2021 của Chánh án TAND Tối cao (do Phó Chánh án Nguyễn Văn Du ký), hủy Quyết định GĐT số 290/2018/DS-GĐT của TAND Cấp cao tại TPHCM, giữ nguyên Bản án số 1039/2017/DS-PT của TAND TPHCM.

Cầm 2 Quyết định GĐT trên tay, cụ Thanh uất nghẹn: "Vụ án có quá nhiều bất thường đã được cả Viện trưởng VKSND TPHCM lẫn Chánh án TAND Cấp cao minh xét, chỉ rõ. Cho đến thời điểm này, không có văn bản nào xác nhận "Nguyễn Thị Cảnh" và "Võ Thị Cảnh" là một người. Do đó, vụ án cần phải được giải quyết lại từ đầu để làm rõ điểm mấu chốt này cùng các tình tiết khách quan khác. Có đầy đủ căn cứ để TAND Cấp cao ra Quyết định GĐT số 290/2018/DS-GĐT, xử lại vụ án. Thật khó tin, gần 3 năm sau, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Du mới ký kháng nghị, hủy Quyết định GĐT số 290/2018/DS-GĐT. Rồi lại cũng chính Phó chánh án Nguyễn Văn Du ngồi ghế chủ tọa phiên tòa GĐT, chấp nhận kháng nghị do chính mình ký trước đó (!) Giải quyết kiểu "một mình đá 2 sân" như thế thì làm sao đảm bảo sự khách quan? Quyết định GĐT Tối cao không chỉ "đè” Quyết định GĐT Cấp cao mà còn chặn đứng đường khiếu nại, kêu oan của tôi. Ở cái tuổi 90, sức khỏe như ngọn đèn đã cạn dầu, treo trước gió, tôi bị buộc giao căn nhà làm mái ấm suốt 60 năm, để ra đường sống màn trời chiếu đất...".

Ngày 11-7-2022, Tiến sĩ Luật Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, ký văn bản số 518/BDN, gửi Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao, nội dung: Cụ Trần Thị Ngọc Thanh có đơn đề nghị xem xét lại Quyết định GĐT số 37/2021/DS-GĐT ngày 23-9-2021 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Về việc này, ngày 15-12-2021, Ban Dân nguyện đã có Công văn số 496/BDN chuyển đơn của cụ Thanh đến đồng chí để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay Ban Dân nguyện chưa nhận được thông tin về việc giải quyết, đồng thời cụ Thanh liên tục gửi đơn đề nghị được xem xét. Ban Dân nguyện tiếp tục chuyển đơn và tài liệu kèm theo của cụ Thanh đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao; đề nghị xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội".

Trước đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có văn bản số 339/UBPL15 ngày 23-11-2021, chuyển đơn của cụ Thanh đến Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để giải quyết theo thẩm quyền.

Tiếng kêu cứu của cựu cán bộ An ninh T4 ở tuổi 90 (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang