Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022):

Trên chiếc xe lăn huyền thoại

Thứ Hai, 25/07/2022 11:02

|

(CATP) Trong những cuộc chiến tranh gần đây của thế giới, cuộc chiến tranh Campuchia (1979 - 1989) được xem cuộc chiến tranh mìn. Tôi có hơn 4 năm ở chiến trường này. Cũng như tất cả những người lính khi đó, kỹ năng phát hiện mìn và gỡ mìn được xem là kỹ năng sống còn của người lính. Nhưng dù bạn có giỏi phát hiện và gỡ mìn như thế nào, chuyện đạp mìn, vướng mìn gần như khó tránh khỏi.

1- Hôm tiễn bạn Nguyễn Văn Thạnh - thương binh 1/4, (tỷ lệ thương tật 95%), đến nơi an nghỉ cuối cùng, hình ảnh cảm động nhất là khi đồng đội khiêng chiếc xe lăn đưa xuống mộ. Tất cả những người đưa tiễn đều rơi nước mắt. Đồng đội tôi và gia đình nghĩ rằng, bạn Thạnh mất hai chân, ngồi xe lăn, làm việc trên xe lăn suốt từ năm 1980 đến nay, giờ bạn ấy về bên kia thế giới cũng cần có chiếc xe lăn.

Bức ảnh ấy đăng lên mạng, một người xem cảm xúc: "Có lẽ không nên chôn theo chiếc xe lăn, vì một người như vậy, ở thiên đường xứng đáng được Thượng đế ban tặng lại đôi chân diệu kỳ”. Có thể vậy. Một thương binh "hết số" như bạn Thạnh, chỉ còn lại 5% sức khỏe, hai chân đều bị cắt cụt gần tới háng, mà phấn đấu trở thành một doanh nhân thành đạt, sống chí tình với đồng đội thì xứng đáng được có lại đôi chân mà bạn từng mơ ước.

Một lần, bạn Thạnh kể, đôi khi bạn cảm thấy... ngứa bàn chân! Tôi và bạn tìm cách lý giải hiện tượng này và kết luận: đó một hội chứng tâm lý. Cũng như bạn ấy từng có giấc mơ ôm khẩu đại liên M60 rượt theo thằng Pol Pot để đòi lại đôi chân của mình. Có lẽ, đó là hội chứng chiến tranh, bởi bất kỳ cuộc chiến nào cũng đều có hai cuộc chiến tranh, chiến tranh trên thực địa và chiến tranh trong ký ức.

Thương binh Nguyễn Văn Thạnh tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên, Tây Ninh

Bạn đồng đội của tôi, Tạ Ngọc Châu, quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi cũng mất hai chân vì mìn nhưng may mắn hơn bạn Thạnh nhiều, vì hai chân không phải cắt cụt tới háng và vẫn xài được nạng, cộng thêm cây tó là "đóng phim" được - như Châu nói, có nghĩa là như một người lành lặn! Ngọc Châu ít ám ảnh về cuộc chiến tranh. Điều mà bạn ấy quan tâm lớn nhất trước đây là kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhiều năm trước, ghé nhà Châu ở Tư Nghĩa, hình ảnh đập vào mắt tôi là bạn bỏ nạng, "đi" bằng hai tay móc vào hai cái đòn nhỏ, di chuyển thật lẹ để chăm sóc đàn heo - nguồn sống của gia đình bạn ấy.

Bản lĩnh của thương binh Tạ Ngọc Châu thật diệu kỳ, nuôi mấy đứa con đều thành đạt. Hôm đám cưới con Châu ở TPHCM, một Tạ Ngọc Châu mất hai chân chơi bộ đồ veston đẹp lung linh. Nhìn bạn ấy hạnh phúc, nước mắt tôi tự nhiên lăn dài... Còn hôm đám cưới con gái Nguyễn Văn Thạnh, tôi đề nghị bạn ấy cố gắng mang cặp chân giả, chơi bộ đồ veston cho đẹp, nhưng Thạnh bảo: "Có sao chơi vậy, khiêng giúp tao với cả xe lăn lên sân khấu". Hình ảnh đó cũng đẹp diệu kỳ, đẹp trong nước mắt...

Nhiều lắm, biết bao nhiều đồng đội tôi phải sống cả đời trên xe lăn. Một lần họp mặt đồng đội ở Ninh Hòa, nhìn 3 bạn Lê Khác (tỷ lệ thương tật 85%), Nguyễn Văn Hùng (tỷ lệ thương tật 90%) và bạn Nguyễn Văn Thạnh (tỷ lệ thương tật 95%) ngồi trên những chiếc xe lăn huyền thoại, mới xót xa làm sao.

Không phải ai cũng sống được khi bị thương mất cả hai chân, bởi tỷ lệ sống sót rất thấp trong điều kiện thuốc men rất thiếu thốn ở chiến trường. Đó là lý do, có trường hợp đồng đội bị mìn mất hai chân đã tìm cách tự sát ngay trên đường được đồng đội cáng về trạm xá. Không chỉ đồng đội ấy chết mà cả những đồng đội đi cáng thương cũng "chết" đứng theo, bởi sự thực quá bi tráng!

Đồng đội tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ Sư đoàn 309 hy sinh trên chiến trường Campuchia về quê

Với những thương binh đặc biệt nặng, để sống được, họ đã trải qua bao lần cưa, xẻ, xẻ, cưa, đau không thể tưởng tượng nổi, chỉ muốn chết cho nhẹ thân. Bạn Thạnh từng tâm sự, hồi điều trị ở bệnh viện Mặt trận 479 (Xiêm Riệp), vết thương hành hạ dữ dội, bạn ấy muốn chết và vạch ra kế hoạch chết của mình. Thương binh thường được y tá cấp cho thuốc ngủ, vì quá đau không ngủ được, bạn Thạnh để dành được vài chục viên, đủ để chết. Nhưng số bạn ấy còn sống và phải sống khi cô y tá phát hiện ra, vừa khóc vừa nói với Thạnh: "Anh à, còn 1% cũng phải chiến đấu để lấy lại sự sống... Nếu có chết, về đất nước mình chết anh ơi...". Gan lì như Thạnh mà những giọt nước mắt anh tự lăn ra...

2- Không thể có số liệu thống kê về hậu quả của mìn trong cuộc chiến tranh ấy nhưng ở Trung đoàn 812 (Sư đoàn 309, Mặt trận 479), trong hơn 10 năm chiến đấu trên chiến trường K, có rất nhiều lần bổ sung quân, thường mỗi năm vài đợt, để bù số chiến sĩ hy sinh, đặc biệt là số bị thương do mìn rất lớn.

Chiến trường K có hai điều đặc biệt. Một, đó là cuộc chiến tranh không có tù binh từ phía Pol Pot, vì hễ bắt được tù binh của ta, trước sau gì cũng bị giết. Đó cũng là lý do bộ đội ta ở K luôn thủ cho mình một quả lựu đạn, coi như một lời nguyền bất di bất dịch, để nếu bị bọn Pol Pot bắt sống thì tự xử nhanh gọn. Trong khi đó phía ta, bắt hàng trăm ngàn tù binh và tất cả được đối xử rất tốt, trả về nguyên quán sinh sống. Hai, đây là cuộc chiến tranh mìn, đủ các loại mìn hiện đại nhất, với sức công phá tàn ác.

Hồi đơn vị tôi bảo vệ biên giới ở Đắk Lắk (1977-1978), khi đó chỉ có loại mìn K58, với sức sát thương bằng uy lực của 4 lạng thuốc nổ. Năm 1979, Sư đoàn 309 của chúng tôi chuyển địa bàn qua Battambang, cũng là lúc bắt đầu xuất hiện loại mìn KP2, loại nhảy nổ, khi vướng phải, quả mìn bật lò xo nhảy lên cao khoảng 80 cm, với 2 lạng thuốc nổ và mảnh vụn sát thương, ai vướng phải thì mất chân là chuyện đương nhiên. Tháng 3-1979, Trung đoàn 812 tiếp quản Pailin (một thị trấn sát biên giới với Thái Lan), lúc đó đang do một tiểu đoàn Bộ đội Biên phòng đứng chân. Ngay trong ngày đầu tiên, Tiểu đoàn 1 đã "nếm" nhiều quả KP2, khiến anh em hy sinh nhiều.

Thương binh Nguyễn Văn Thạnh và Trần Thanh Cảnh ở Diễn Châu, Nghệ An

Pailin là một thị trấn chiến lược, nơi có những rừng cà phê ngút ngàn, có mỏ đá quý sapphire được khai thác hơn 1 thế kỷ qua, với những viên sapphire xanh tuyệt đẹp. Nghe nói vào đầu thế kỷ thứ 20, 90% lượng sapphires xanh trên toàn cầu có nguồn gốc từ mỏ Pailin. Do vậy bọn Pol Pot và cả ta đều tìm cách phải giữ Pailin. Phía Tây Pailn là những dãy núi chiến lược mà bằng mọi giá Trung đoàn 812 phải chiếm lĩnh để xây dựng tuyến chốt phòng thủ. Muốn làm điều đó phải vượt qua một bãi mìn hỗn hợp dưới chân núi. Tôi đã chứng kiến cảnh công binh dùng mìn DH10, DH20 để thổi thành đường cho bộ đội đi. Cứ mỗi lần thổi mìn, nghe tiếng nổ là địch từ các điểm cao dập pháo xuống. Bộ đội hành quân mấy cây số qua bãi mìn này, chỉ cần bước sai vị trí là dẫm mìn ngay.

Phải công nhận đồng minh của Pol Pot có công nghệ chế tạo mìn rất siêu. Sau KP2 là quả mìn đè nổ 652A, chỉ chứa khoảng 1 lạng thuốc nổ nhưng sát thương rất uy lực. Đây là loại mìn không thể gỡ được, sử dụng pin vi mạch, chỉ cần chạm là nổ. Ngay khi ra đời, loại mìn 652B được thử nghiệm ngay chiến trường Pailin.

Đó chỉ là các loại mìn chống bộ binh, còn chống tăng, loại cổ điển đạp nổ được thay bằng loại TM46 với 8kg thuốc nổ. Hãy tưởng tượng sức công phá của 8kg thuốc nổ TNT, một quả mìn chống tăng dùng để phục bộ binh, nếu gặp phải, sau một tiếng nổ, đồng đội chúng tôi chỉ còn vài mảnh vải quần áo treo tòng teng trên những cành cây và phải đi nhặt từng mảnh vụn thân thể!

3- Kể chi tiết những loại mìn như vậy, mới thấy được tính chất của cuộc chiến tranh mìn. Có lần chở tử sĩ về chôn tạm ở sân bay Battambang, ghé thăm đồng đội nằm điều trị ở Đội Điều trị 7, gần như tất cả đều bị cắt chi. Có những buổi sáng thương binh ngồi phơi nắng, tự gõ vào ống chân của mình để bắt... giòi vì ống chân hoại tử do thiếu kháng sinh.

Bạn Nguyễn Văn Thạnh thực ra khi bị mìn chỉ mất hai bàn chân nhưng quá trình điều trị dài ngày thiếu kháng sinh, vết thương hoại tử, phải tháo khớp gối và cắt đến tận nửa đùi trên...

Mấy năm trước trở lại chiến trường xưa, ghé Xiêm Riệp, ai cũng thấy một ban nhạc gồm những người dân K là nạn nhân của bom mìn, lập ra để ca hát kiếm sống. Đến Pailin, những nông trường cà phê không còn nữa mà thành những rừng mì (sắn) ngút ngàn. Trên những con đường, thấp thoáng những người nông dân chống nạng. Họ cũng là những nạn nhân của mìn. Ghé bãi mìn xưa, nhà dân đã mọc lên nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy những tấm bảng đề "khu vực nguy hiểm - có mìn"...

Mìn đã để lại những hậu quả, gánh nặng cho xã hội không thể tưởng tượng được. Đó là lý do Công ước về cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất và chuyển giao các loại mìn sát thương cá nhân (Hiệp ước Ottawa) ra đời từ năm 1999 và tất nhiên các nước xuất khẩu vũ khí đâu có chịu ký...

Thử đặt ra một câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh mìn này?

Tôi cũng rất muốn trả lời câu hỏi nêu trên nhưng có thể không tìm được câu trả lời. Thôi hãy cứ nhìn đồng đội tôi ngồi cả đời, sống cả đời trên những chiếc xe lăn huyền thoại là đã nói lên tất cả. Họ đã sống, chiến đấu vì đức hạnh, vì nhân phẩm con người, cứu rỗi một dân tộc bên bờ diệt chủng mà lịch sử thế giới đôi lúc có nhiều kẻ tìm cách biện minh nhưng sẽ không bao giờ quên. Thời gian trôi qua, họ sẽ trở thành những người lính già trên xe lăn, nhưng họ không bao giờ chết, họ chỉ phai nhạt dần...

Bình luận (0)

Lên đầu trang