Một trưởng văn phòng luật sư ở Cần Thơ bị kiện đòi 600 triệu đồng

Thứ Hai, 22/08/2022 14:03

|

(CATP) Nguyên đơn cho rằng, việc giao kết HĐ 02 của chi nhánh VPLS Vạn Lý không chỉ vi phạm quy định về hành nghề luật sư còn vi phạm điều cấm của pháp luật, từ đó đề nghị tòa tuyên HĐ 02 vô hiệu, buộc Trưởng VPLS Vạn Lý có trách nhiệm hoàn trả lại 600 triệu đồng...

Sáng 18-8-2022, phóng viên (PV) Chuyên đề Công an TPHCM có mặt tại trụ sở TAND Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, để tham dự phiên tòa sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng (HĐ) “dịch vụ pháp lý” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Hoàng Nhân (SN 1984, ngụ P.12, Q.Phú Nhuận, TPHCM) với bị đơn là ông Nguyễn Trường Thành - Trưởng Văn phòng luật sư (VPLS) Vạn Lý thuộc Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ.

Theo đơn khởi kiện, ngày 17-01-2019, ông Nhân và luật sư Phương Ngọc Dũng - Trưởng chi nhánh VPLS Vạn Lý tại Tây Nguyên, ký kết HĐ “dịch vụ hỗ trợ quản lý tài sản” số 02/HĐ-DVPL-2019 (gọi tắt “HĐ 02”). Theo đó, chi nhánh VPLS Vạn Lý thực hiện việc đòi lại căn nhà tại TP.Vũng Tàu rồi trông coi, quản lý căn nhà này trong 6 tháng. Thực hiện HĐ 02, ông Nhân đã thanh toán cho chi nhánh VPLS Vạn Lý 3 lần, tổng cộng 600 triệu đồng.

Do chi nhánh VPLS Vạn Lý không hoàn thành công việc như giao kết nên ông Nhân yêu cầu ông Dũng và Trưởng VPLS Vạn Lý trả lại 600 triệu đồng đã nhận. Trao đổi với nguyên đơn, ông Nguyễn Trường Thành thừa nhận HĐ 02 vô hiệu do chi nhánh VPLS không có chức năng ký kết HĐ “quản lý tài sản” (đòi nhà và trông giữ nhà - PV). Tuy nhiên, ngày 16-3-2019, ông Thành ký văn bản không đồng ý hoàn trả vì HĐ 02 đã được thanh lý; nếu có trách nhiệm phát sinh từ HĐ này thì ông Dũng phải chịu trách nhiệm.

Ông Nhân cho rằng, việc giao kết HĐ 02 của chi nhánh VPLS Vạn Lý không chỉ vi phạm quy định về hành nghề luật sư còn vi phạm điều cấm của pháp luật. Từ đó, nguyên đơn đề nghị tòa tuyên HĐ 02 vô hiệu; buộc Trưởng VPLS Vạn Lý có trách nhiệm hoàn trả lại 600 triệu đồng.

Tại toà, phóng viên trình thư ký giấy giới thiệu để tham dự phiên tòa. Rời phòng xử án một lúc, thư ký quay lại, “truyền lệnh” của thẩm phán chủ tọa, không chấp nhận cho nhà báo dự phiên tòa vì “phòng ngừa dịch bệnh tái bùng phát, lây lan” (?!). Lý do này không thuyết phục bởi: Thứ nhất, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử do thẩm phán chủ tọa Nguyễn Hồng Quân ký, phiên tòa được mở công khai, nhà báo được quyền tác nghiệp theo Luật Báo chí và các quy định pháp luật có liên quan. Thứ hai, tại thời điểm sáng 18-8-2022, dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế, cả nước bao gồm TP.Cần Thơ đang trong giai đoạn bình thường mới.

Việc thẩm phán chủ tọa “suy đoán chủ quan” để cản trở nhà báo tác nghiệp tại phiên tòa xét xử công khai là trái với quy định của pháp luật. PV đề nghị thư ký cho gặp Chánh án TAND Q.Ninh Kiều để khiếu nại. Thư ký cầm giấy giới thiệu gặp lãnh đạo xin ý kiến. Gần 10 phút sau, đại diện lãnh đạo TAND Q.Ninh Kiều xuất hiện, chấp thuận cho PV dự phiên tòa.

Trong khi chờ gặp lãnh đạo, PV phát hiện có hai chiếc ghế đá được đặt tại lầu 2, cách phòng xử án vài bước chân. Trên ghế đá có lô-gô của VPLS Vạn Lý và ghi tên, địa chỉ của VPLS này kèm chữ "Kính tặng”. Đi một vòng quanh trụ sở, PV phát hiện thêm nhiều ghế đá tương tự.

Không chỉ phóng viên, nhiều người khác cũng thấy những chiếc ghế đá này. Ông Nhân lên tiếng: “TAND Q.Ninh Kiều nhận hàng loạt ghế đá có lôgô và tên VPLS Vạn Lý. Đã nhận “quà tặng” rồi thì tòa có còn “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” không? Thử hỏi nếu hàng chục, thậm chí hàng trăm VPLS đều chở ghế đá đến trụ sở “kính tặng” thì lãnh đạo TAND Q.Ninh Kiều có nhận để “quảng bá” cho tất cả VPLS tại chốn công đường không?”.

Ngoài ra, khi phiên tòa được khai mạc, dù trước đó "ngăn" nhà báo dự tòa vì “dịch bệnh”, nhưng vị thẩm phán chủ tọa không đeo khẩu trang (?!)

Tại phiên tòa, ông Nhân giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn đưa ra nhiều luận cứ chứng minh HĐ 02 vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Việc “đòi nhà và trông coi nhà” không thuộc phạm vi hành nghề của luật sư.

Theo quy định của Luật Luật sư và Thông tư 05/2021/TT-BTP ngày 24-6-2021 của Bộ Tư pháp, tổ chức hành nghề luật sư hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong giấy đăng ký hoạt động; phải chịu trách nhiệm về chi nhánh do mình thành lập; có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của luật sư của tổ chức mình gây ra cho khách hàng.

Chi nhánh VPLS Vạn Lý tại Tây Nguyên là đơn vị trực thuộc của VPLS Vạn Lý. Ông Nguyễn Trường Thành là Trưởng VPLS Vạn Lý phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của chi nhánh VPLS Vạn Lý. Việc ông Thành cho rằng ông không ký HĐ 02 và không nhận tiền nên không liên quan đến HĐ này là có dấu hiệu trái quy định pháp luật.

Luật sư đề nghị toà làm rõ nhiều vấn đề liên quan. Nổi cộm là việc chi nhánh VPLS Vạn Lý nhận 600 triệu đồng nhưng bị đơn khai chỉ xuất hóa đơn 100 triệu đồng và có nộp thuế đối số tiền này; còn 500 triệu đồng không xuất hóa đơn nên “quên” nộp thuế.

Đại diện bị đơn cho rằng việc khởi kiện ông Nguyễn Trường Thành là không đúng đối tượng vì ông Thành không nhận tiền của ông Nhân. Hơn nữa, HĐ 02 đã được thanh lý.

Ông Phương Ngọc Dũng - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nêu ý kiến: Ông nhận của ông Nhân 600 triệu đồng nhưng đã trừ ra 30 triệu đồng cho nguyên đơn nên chỉ còn 570 triệu đồng. Ông đã hoàn thành công việc, hai bên thanh lý HĐ vào ngày 03-3-2019. Phía nguyên đơn cho rằng HĐ vô hiệu là không đúng. Việc chỉ xuất hóa đơn 100/600 triệu đồng nằm ngoài phạm vi vụ kiện. Mặt khác, cơ quan thuế đã xác định không có hành vi trốn thuế...

Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND Q.Ninh Kiều do thẩm phán Nguyễn Hồng Quân ngồi ghế chủ tọa, tuyên bác đơn kiện của nguyên đơn; buộc ông Nhân phải nộp 28,3 triệu đồng án phí. Theo HĐXX, chi nhánh VPLS Vạn Lý đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình, hai bên đã tiến hành thanh lý HĐ. Như vậy giao dịch đã hoàn thành nên quyền và nghĩa vụ của các bên cũng chấm dứt.

Ngay sau phiên tòa kết thúc, ông Nhân cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Nguyên đơn phản ứng: “HĐ 02 rõ ràng là trái quy định của pháp luật. Phía chi nhánh VPLS Vạn Lý chẳng những không hoàn thành trách nhiệm như đã thỏa thuận, mà còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế... Lẽ ra những vấn đề mấu chốt này phải tập trung làm rõ, thì HĐXX lại bám vào việc thanh lý HĐ để nhận định nghiêng về bị đơn. Với phán quyết như thế này, bất cứ giao dịch nào kể cả giao dịch trái phép hay vi phạm pháp luật, chỉ cần hai bên ký thanh lý thì nghiễm nhiên trở thành giao dịch hợp pháp, được công nhận (?!)”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang