Trước đó, TAND TPHCM đã có QĐ đưa vụ án ra xét xử số 1634/2022/QĐPT-DS ngày 27-4-2022. Một vụ án nhưng có đến 2 QĐ đưa ra xét xử và 2 Hội đồng xét xử khác nhau. Càng lạ hơn khi thẩm phán Nguyên ký giấy triệu tập cả người đã khuất đến tòa (?!)...
Từ "đốt cháy giai đoạn"...
Hồ sơ thể hiện: Ngay khi ký QĐ số 1634/2022/QĐPT-DS, cùng ngày 27-4-2022, thẩm phán Phan Nguyên Nguyên ký giấy triệu tập đương sự, nêu rõ: "Triệu tập Công ty cổ phần tư vấn đầu tư - xây dựng - thương mại - sản xuất Nhựt Thành (Công ty Nhựt Thành), người đại diện theo pháp luật - bà Nguyễn Thị Quí (SN 1952, Chủ tịch HĐQT) là bị đơn trong vụ án "tranh chấp hợp đồng vay tài sản" với nguyên đơn là ông Cao Minh Tân và bà Phạm Thị Linh Phượng, đúng 7 giờ 30 ngày 24-5-2022 có mặt tại Tòa Lao động - TAND TPHCM để tham dự phiên tòa phúc thẩm...". Thật lạ, vụ án "tranh chấp hợp đồng vay tài sản" nhưng đương sự được mời đến tại Tòa Lao động (?!). Khôi hài nhất là chuyện triệu tập bà Quí đến tòa, trong khi bà này đã qua đời ngày 26-02-2022 (?!)
Ngày 24-5-2022, TAND TPHCM mở phiên tòa với HĐXX gồm 3 thẩm phán Phan Nguyên Nguyên (Chủ toạ), Nguyễn Ngọc Tài và Nguyễn Tiến Dũng. Do vắng mặt nhiều người nên thẩm phán Nguyên thay mặt HĐXX ký QĐ số 6078/2022/QĐPT "hoãn phiên tòa", ấn định ngày xử 16-6-2022.
Giấy triệu tập bà Nguyễn Thị Quí đã qua đời, đi dự tòa
Điểm lạ là tại QĐ số 6078, bà Quí đã bị xóa tên, chứng tỏ HĐXX biết người đại diện theo pháp luật của Công ty Nhựt Thành đã mất. Thế nhưng, một trong những lý do để hoãn phiên tòa được HĐXX đưa ra "bị đơn vắng mặt không lý do" (?!). Chưa hết, bà Quí ký giấy ủy quyền cho ông Trần Kim Hoàng ngày 06-3-2020. Nay, bà Quí đã mất, giấy ủy quyền này không còn giá trị, nhưng HĐXX vẫn xác định ông Hoàng là người "đại diện hợp pháp của bị đơn" (?!).
QĐ số 6078 nêu thời gian mở lại phiên tòa lúc 7 giờ 30 sáng 16-6-2022, nhưng đến 9 giờ 30, HĐXX mới xuất hiện (!). Con trai bà Quí là ông Ngô Minh Dũng trình bày: HĐQT Công ty Nhựt Thành có 3 thành viên, gồm bà Quí, ông Ngô Minh Tuấn và Ngô Thị Ngọc Dung (hai con bà Quí) được tòa xác định tư cách "người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan". Sau khi bà Quí mất, Công ty Nhựt Thành vẫn chưa có người đại diện theo pháp luật. Sau khi hội ý, HĐXX thông báo hoãn phiên tòa.
Ngày 06-7-2022, thẩm phán Nguyên ký QĐ số 3720/2022/QĐPT-DS, đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ngày 02-8-2022 với HĐXX gồm ông Nguyên (chủ toạ) cùng hai thẩm phán Nguyễn Thị Thoa và Nguyễn Tiến Dũng. Tại phiên tòa, ông Bành Quốc Tuấn - đại diện theo uỷ quyền của ông Tuấn và bà Dung, trình bày: Công ty Nhựt Thành chưa có người đại diện theo pháp luật, cũng chưa xác định được người kế thừa quyền và nghĩa vụ của bà Quí (có 5 người con). Ông chỉ đại diện cho ông Tuấn - bà Dung, không phải đại diện cho Công ty Nhựt Thành.
Có lẽ vì quá sốt sắng mà HĐXX đã "đốt cháy giai đoạn", đi thẳng vào phần trình bày của các đương sự, mà "quên" đi hai khâu quan trọng. Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị đơn đề nghị tòa giới thiệu thành phần HĐXX và công bố bản án sơ thẩm cũng như QĐ kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) H. Bình Chánh. Đề nghị của luật sư chỉ được HĐXX chấp nhận một phần. Chủ toạ bỏ qua khâu giới thiệu thành phần HĐXX, chỉ công bố lại Bản án số 16/2022/DS-ST ngày 13-01-2022 (Bản án số 16) của TAND H.Bình Chánh, nhưng cũng "thiếu đầu, hụt đuôi".
...Đến loại bỏ người "nắm hầu bao" (!)
Phiên tòa nóng lên khi luật sư đề nghị đưa bà Ngô Thị Thanh Loan - Kế toán trưởng của Công ty Nhựt Thành, tham gia tố tụng với tư cách "người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan", bởi 2 lý do: Bà Loan "nắm hầu bao" của Nhựt Thành suốt quá trình vay nợ, trả nợ. Quan trọng hơn, bà Loan cùng bà Nguyễn Thị Quí ký vào giấy "xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ" ngày 15-01-2015 (gọi tắt "giấy xác nhận nợ") với khoản tiền "khủng" 790,433 tỷ đồng. Việc ký này có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của Nhựt Thành. Nay, bà Quí đã không còn, nên sự có mặt của bà Loan tại phiên tòa là rất cần thiết để làm sáng tỏ vụ án...
Ở cấp tòa sơ thẩm, thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn được TAND H.Bình Chánh giao giải quyết vụ án đã "bỏ rơi" kế toán trưởng Loan. Phát hiện việc bất thường này, ngày 18-11-2021, Viện KSND H.Bình Chánh đã có văn bản, nêu rõ: "Yêu cầu Tòa án đưa bà Ngô Thị Thanh Loan - Kế toán trưởng tham gia tố tụng với vai trò người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, lấy lời khai, làm rõ các sự kiện pháp lý”.
Tại Bản án sơ thẩm số 16, HĐXX do thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn ngồi ghế chủ toạ, nhận định: "Bà Loan là người lao động không phải là thành viên HĐQT của Công ty Nhựt Thành nên việc giải quyết vụ án không liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của bà Loan. Vì vậy, HĐXX không đưa bà Loan tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân 2015".
Nhận định của HĐXX sơ thẩm là không có căn cứ nên Viện trưởng VKS H.Bình Chánh đã ký QĐ kháng nghị số 03/QĐ-VKS-DS ngày 27-01-2022. Liên quan đến nội dung này, Viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh xác định: Đây là vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa ông Tân, bà Phượng với Công ty Nhựt Thành. Trong quá trình ký kết và thực hiện các hợp đồng vay tài sản, bà Loan ký vào "giấy xác nhận nợ" ngày 15-01-2021 với tư cách là kế toán trưởng của Công ty Nhựt Thành. Trong vụ án này, bà Loan không có nghĩa vụ phải trả nợ nhưng bà Loan có nghĩa vụ chứng minh những nội dung liên quan đến việc ký "Giấy xác nhận nợ".
Viện trưởng Viện KSND H. Bình Chánh kết luận: Căn cứ khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, kế toán trưởng Loan phải được đưa vào tham gia tố tụng để làm rõ những tình tiết trong vụ án. Tòa án không đưa bà Loan vào vụ án là vi phạm tố tụng.
4 trong nhiều biên nhận tiền do bà Phạm Thị Linh Phượng ký
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện KSND TPHCM giữ nguyên QĐ kháng nghị số 03 nêu trên.
Quá rõ ràng, QĐ kháng nghị của Viện trưởng VKS H.Bình Chánh, ý kiến của luật sư, rất xác đáng với đầy đủ căn cứ nhưng tất cả đã bị tòa phúc thẩm bác bỏ.
Ngoài kế toán trưởng, luật sư còn đề nghị đưa các cá nhân, tổ chức có liên quan trực tiếp đến vụ án vào vụ án. Đó là bà Cao Phạm Phương Linh, Cao Phạm Tấn Minh (2 con của nguyên đơn) và Văn phòng Công chứng Thủ Đức công chứng hợp đồng vay tài sản... Nhưng đề nghị này cũng bị HĐXX bác bỏ.
Bao nhiêu câu hỏi dồn vào kế toán trưởng
Đến phần xét hỏi, tất cả câu hỏi đều liên quan đến các khoản tiền mà Công ty Nhựt Thành đã vay, trả và còn nợ nguyên đơn. Rất nhiều câu hỏi chỉ Kế toán trưởng Loan mới có câu trả lời. Vậy mà cả 2 cấp tòa đều loại bỏ bà Loan ra khỏi vụ án, rất bất thường.
Theo đơn khởi kiện và Bản án sơ thẩm số 16, có đến 3 món tiền cho vay khác nhau. Món đầu tiên: Từ ngày 05-8-2009 đến 07-4-2011, ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay tiền bằng "tư cách pháp nhân" của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hòa Phong (do ông Tân làm Giám đốc) với tổng số tiền là 89,5 tỷ đồng.
Món hứ hai: Từ ngày 05-10-2009 đến 16-7-2015, Công ty Nhựt Thành đã trả tổng số tiền 97,275 tỷ đồng, qua chuyển khoản cho Công ty Hòa Phong và tiền mặt cho ông Tân - bà Phượng, Cao Phạm Phương Linh, Cao Phạm Tấn Minh. Công ty Hòa Phong xác nhận, quan hệ giao dịch dân sự giữa Hòa Phong và Nhựt Thành đã chấm dứt từ ngày 20-4-2011. Các giao dịch với ông Tân, bà Phượng, bà Linh, ông Minh sau thời điểm này là "quan hệ giao dịch khác".
Món thứ ba: Từ năm 2013 đến 2015, ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay "tư cách cá nhân", với tổng số tiền 790,433 tỷ đồng, vay bằng tiền mặt nhiều lần, không nhớ rõ thời gian, hai bên không lập thành văn bản do tin tưởng, quen biết với nhau. Để xác nhận công nợ, hai bên thống nhất lập "giấy xác nhận nợ" ngày 15-01-2015, đến nay cả vốn lẫn lãi đều chưa trả đồng nào.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn xác định chỉ có 2 khoản tiền vay 89,5 tỷ đồng đã thanh toán xong. Còn khoản 790,433 tỷ đồng, Công ty Nhựt Thành đã ký vào "giấy xác nhận nợ" ngày 15-01-2015, đây là bằng chứng không cần chứng minh.
Trong khi đó, phía luật sư của Công ty Nhựt Thành xác định chỉ có một khoản vay duy nhất là 89,5 tỷ đồng, để chứng minh phải có Kế toán trưởng Loan. Ngồi trong phòng xử án, bà Loan mong chờ HĐXX "đèn trời soi xét" cho bà tham gia tố tụng để trình bày, nhưng vô vọng.
Trao đổi với PV, bà Loan bức xúc: "Căn cứ vào "giấy xác nhận nợ" ngày 15-6-2010 do chính ông Tân tính, có đóng dấu ký tên, tôi đã tính ra được như sau: Từ khoản vay 89,5 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5% - 6,8%/tháng, nếu chưa thanh toán hết lãi thì nhập lãi thành vốn mới; tháng sau dựa trên vốn mới để tính lãi tiếp... Với lãi suất cao, lãi nhập vốn, lãi chồng lãi..., món tiền vay 89,5 tỷ đồng dù đã thanh tra được 97,25 tỷ nhưng vẫn "phình" thành 790,433 tỷ...".
Trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, kế toán trưởng Loan với trách nhiệm của mình, liên tục có đơn gửi Chánh án TAND TPHCM và Viện trưởng Viện KSND TPHCM cùng HĐXX phúc thẩm, đề nghị xem xét, giải quyết đưa bà vào tham gia tố tụng để trình bày nhằm làm sáng tỏ những "điểm mờ, góc khuất" của vụ án, nhưng không được chấp nhận. Trong đơn mới nhất đề ngày 05-8-2022, bà Loan tha thiết đề nghị được tham gia phiên tòa phúc thẩm (dự kiến mở lại ngày 17-8-2022). Tuy nhiên, mong ước được làm sáng tỏ vấn đề của bà đến nay vẫn chưa có được sự hồi đáp (?).