Xét xử sơ thẩm lần 2 "kỳ án" ở Bạc Liêu: Tòa yêu cầu điều tra bổ sung

Thứ Sáu, 16/04/2021 13:50  | Văn Cương

|

(CATP) Ngày 12-4-2021, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai đối với 3 bị cáo của Công ty CP thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu (Công ty Minh Hiếu), bị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tại phiên sơ thẩm lần nhất, tòa xử phạt 3 bị cáo 48 năm tù. Bản án này đã bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy vì vi phạm nghiêm trọng tố tụng và không có căn cứ để buộc tội…

Bị hại chưa xác định được… thiệt hại (!)

Sau phần khai mạc, đại diện Viện VKSND tỉnh Bạc Liêu công bố bản cáo trạng do Phó viện trưởng Tiêu Dân Trí ký ngày 16-7-2020, truy tố Nguyễn Thị Út (SN 1983, ngụ TX.Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (GĐ) Công ty Minh Hiếu cùng Phó GĐ Ngô Chí Dũng (SN 1960, ngụ H.Bình Chánh, TPHCM) và Kế toán trưởng Huỳnh Thanh Đoàn (SN 1975, ngụ TX.Giá Rai).

Trong phần thẩm vấn, Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Trần Quang Khang ngồi ghế chủ tọa, đặt một loạt câu hỏi liên quan đến 3 vấn đề mấu chốt: Tài sản của Minh Hiếu có đảm bảo cho các khoản tiền vay của BIDV Bạc Liêu? Công ty có thực hiện nghĩa vụ trả nợ và lãi? Đến thời điểm hiện nay, BIDV Bạc Liêu có bị thiệt hại hay không?

Phó GĐ Dũng xác định: Công ty Minh Hiếu có thực hiện nghĩa vụ đối với các hợp đồng tín dụng (HĐTD), đã trả một phần nợ gốc kèm lãi cho BIDV Bạc Liêu. Phần chưa thanh toán do Minh Hiếu chưa thực hiện xong HĐ thương mại với các đối tác. Hơn nữa, các HĐTD vẫn chưa đến hạn tất toán. Riêng số tiền hơn 3 tỷ đồng liên quan đến HĐ số 20, Minh Hiếu đã hoàn trả, và BIDV Bạc Liêu cũng xác định việc này.

Đại diện bị hại BIDV xác định: Tài sản của Công ty Minh Hiếu đủ để đảm bảo cho các khoản tiền vay. Minh Hiếu đã trả một phần nợ và lãi cho BIDV Bạc Liêu. Quá trình thực hiện các HĐTD thì xảy ra tranh chấp, BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện, yêu cầu Minh Hiếu trả nợ. TAND TX.Giá Rai đã thụ lý và ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự ngày 31-10-2013. BIDV chưa xác định được thiệt hại trong vụ này.

Nhiều điểm cần làm rõ

Căn cứ diễn biến tại phiên tòa, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Bạc Liêu để điều tra bổ sung một loạt vấn đề liên quan. Cụ thể:

Thứ nhất, có tồn tại các hình thức bảo đảm tiền vay bằng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay như quy định tại điều 11 của HĐTD trung hạn ngày 21-7-2010 hay không? Nếu có thì giá trị của từng hình thức bảo đảm là bao nhiêu?

Luật sư Trần Hải Đức và Bùi Thị Hồng Giang trao đổi với các bị cáo

Thứ hai, theo yêu cầu trình duyệt giải ngân được đối với các HĐTD theo món thì tất cả các HĐ này đều có biện pháp bảo đảm là quyền đòi nợ phát sinh trong tương lai đối với các HĐ xuất khẩu. Tại phiên tòa, đại diện ngân hàng thừa nhận Công ty Minh Hiếu có thực hiện các HĐ xuất khẩu. Cần điều tra làm rõ Công ty Minh Hiếu có thực hiện các HĐ xuất khẩu như hình thức đảm bảo cho từng HĐ hay không? Nếu có nguồn tiền thu về thì có được dùng để trả nợ cho các HĐ?

Thứ ba, về giá trị tài sản mà Công ty Minh Hiếu thế chấp theo các HĐ thế chấp với BIDV Bạc Liêu cùng với các hình thức đảm bảo tiền vay có đủ đảm bảo để Minh Hiếu trả các khoản nợ cho BIDV Bạc Liêu hay không?

Thứ tư, sau khi được giải ngân theo từng HĐ, Công ty Minh Hiếu đã trả được bao nhiêu tiền gốc, bao nhiêu tiền lãi cho BIDV Bạc Liêu?

Thứ năm, điều tra làm rõ thiệt hại cụ thể của BIDV do tại phiên tòa đại diện ngân hàng không xác định được thiệt hại là bao nhiêu?

Thứ sáu, định giá tài sản thế chấp theo giá thị trường để làm căn cứ xác định có đủ đảm bảo thanh toán các khoản nợ vay của Minh Hiếu tại BIDV Bạc Liêu?

Nghiên cứu hồ sơ và theo sát vụ án, luật sư (LS) Bùi Thị Hồng Giang (Đoàn LS TP.Hà Nội) và LS Trần Hải Đức (Đoàn LS TPHCM) cùng 4 LS bào chữa cho hai bị cáo Dũng và Út có cùng quan điểm: Công ty Minh Hiếu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận tại các HĐTD, trả nợ gốc kèm tiền lãi cho BIDV Bạc Liêu. Điều này chứng minh các bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, các LS không thấy các tài liệu, chứng cứ quan trọng này thể hiện trong hồ sơ vụ án. Do đó, các LS rất đồng tình với HĐXX khi yêu cầu điều tra bổ sung một loạt vấn đề trong đó mấu chốt chính là việc hoàn trả nợ của Công ty Minh Hiếu cho BIDV Bạc Liêu. Đây cũng là vấn đề được TAND cấp cao tại TPHCM chỉ rõ trong phiên tòa phúc thẩm lần 1.

Như Báo CATP đã phản ánh (bài Kỳ án "2 trong 1" và bản cáo trạng "có 1 không 2" đăng ngày 18-8-2020), vụ án này đã được TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử sơ thẩm lần nhất, tuyên bản án ngày 30-5-2018, xử phạt ông Dũng 20 năm tù, hai bị cáo Út và Đoàn mỗi người 14 năm tù cùng về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tại phiên phúc thẩm ngày 27-2-2019, TAND cấp cao tại TPHCM tuyên bản án số 69, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho VKSND tỉnh Bạc Liêu giải quyết lại.

HĐXX phúc thẩm nhận định: BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện dân sự Công ty Minh Hiếu. Với một nội dung vụ việc trong cùng một thời gian, nhưng được giải quyết bằng hai vụ án dân sự và hình sự là trái pháp luật. Cơ quan tiến hành tố tụng đã hình sự hóa quan hệ dân sự giữa ngân hàng và Công ty Minh Hiếu. Tòa cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo lừa đảo là thiếu căn cứ, chưa thỏa mãn dấu hiệu gian dối và chiếm đoạt tài sản. Theo kết luận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bạc Liêu, BIDV Bạc Liêu cho Minh Hiếu vay là đúng đối tượng. Quá trình thực hiện các HĐTD, Minh Hiếu đã trả nợ rất tốt cho ngân hàng, tài sản thế chấp để đảm bảo cho các khoản vay lớn hơn dư nợ. Điều này có nghĩa là quan hệ dân sự trong các HĐTD đang tồn tại và bản chất của nó là quan hệ dân sự, BIDV không bị thiệt hại.

Thay vì khắc phục sai phạm đã được cấp phúc thẩm chỉ rõ, VKSND tỉnh Bạc Liêu và TAND tỉnh lại có văn bản kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét kháng nghị đối với bản án số 69. Ngày 31-12-2019, TAND tối cao có văn bản, khẳng định: Tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là cần thiết do việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, cấp phúc phẩm không thể bổ sung được. Để xác định các bị cáo có hành vi chiếm đoạt tiền vay của BIDV hay không thì cần xem xét giá trị toàn bộ tài sản thế chấp còn lại so với số nợ gốc và lãi của ngân hàng có đảm bảo nghĩa vụ trả nợ hay không?

Bình luận (0)

Lên đầu trang