Vụ cụ bà 79 tuổi bị buộc trả món nợ 5,56 tỷ đồng cho con nuôi:

Kháng nghị hủy án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm

Thứ Hai, 12/04/2021 11:35  | Văn Cương

|

(CATP) "Bản án phúc thẩm buộc cụ Ngô Thị Vấn phải liên đới cùng với con nuôi Trần Huy Thịnh trả cho ông Trèn 5,56 tỷ đồng là không có căn cứ, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cụ Vấn, vượt quá phạm vi giải quyết vụ tranh chấp...". Đó là nhận định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TPHCM trong kháng nghị số 93/QĐKNGĐT-VKS-DS ngày 23-3-2021. Đây cũng là quan điểm của Báo Công an TPHCM thể hiện trong loạt bài viết đăng vào tháng 7 và 8-2020.

Bị đơn được tòa "khuyến mãi" khoản tiền "khủng"

Như Báo Công an TPHCM đã phản ánh, ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Ngô Thị Vấn (ảnh, SN 1942, ngụ ấp 2B, xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) chịu cú sốc, khi bị ba thẩm phán của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre buộc phải "liên đới" trả 5,56 tỷ đồng của đứa con nuôi.

Cụ Vấn và chồng là cụ Trần Huy Hưng (SN 1942) không có con, nên nhặt đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới lọt lòng cách nay 30 năm về làm con nuôi, đặt tên Trần Huy Thịnh. Lâm cảnh nợ nần, Thịnh lừa gạt cha mẹ nuôi, mang mảnh đất hương hỏa 8.655m2 của vợ chồng cụ Vấn ở ấp 2B giao cho ông Phạm Văn Trèn (ngụ xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre) để cấn trừ các khoản nợ vay. Hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) đất được hai ông Thịnh - Trèn ký ngày 9-10-2010, với giá chỉ 200 triệu đồng (?!).

Phát hiện gian dối của Thịnh, vợ chồng cụ Vấn khởi kiện ngày 26-11-2018, yêu cầu hủy HĐCN đất.

TAND TP.Bến Tre đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 26-11-2019. Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Nguyễn Duy Phong ngồi ghế chủ tọa. HĐXX kết luận: Ông Thịnh đã lừa dối vợ chồng cụ Vấn để ký HĐCN đất với ông Trèn. HĐCN đất là giao dịch giả tạo nhằm che giấu cho giao dịch vay tiền nên vô hiệu. Từ nhận định trên, HĐXX tuyên bản án số 83/2019/DS-ST: Hủy HĐCN đất ngày 9-10-2018. Quan hệ vay mượn giữa hai người sẽ được xem xét giải quyết bằng một vụ án khác, khi có yêu cầu.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9-5-2020, HĐXX TAND tỉnh Bến Tre gồm ba thẩm phán Phạm Kim Của (chủ tọa), Huỳnh Ngọc Dũng và Hồ Thị Thanh Thúy, tái khẳng định HĐCN đất ngày 9-10-2018 vi phạm điều cấm của pháp luật nên bị vô hiệu. Phía ông Trèn đã trả tiền "chuyển nhượng đất" cho ông Thịnh 5,56 tỷ đồng. Ông Thịnh ký HĐCN đất nhận tiền ông Trèn trên cơ sở "ủy quyền" của vợ chồng cụ Vấn, nên cụ Vấn bị "liên đới".

Từ nhận định trên, HĐXX tuyên bản án số 125/2020/DS-PT: Buộc cụ Vấn và ông Thịnh "liên đới" trả cho ông Trèn 5,56 tỷ đồng. Án tuyên khiến cụ Vấn bị sốc.

Viện kiểm soát "tuýt còi"

Cụ Vấn liên tục có đơn khiếu nại, kêu oan, tố cáo thẩm phán Phạm Kim Của ra bản án trái pháp luật. VKSND tỉnh Bến Tre đã có văn bản đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

Nghiên cứu hồ sơ, VKSND cấp cao tại TPHCM nhận định:

Thứ nhất, căn cứ hợp đồng ủy quyền ngày 6-10-2018 của vợ chồng cụ Vấn cho con trai, thì không có nội dung nào ủy quyền cho ông Thịnh được chuyển nhượng mảnh đất do cụ đứng tên sổ đỏ. Vì vậy, việc ông Thịnh lập HĐCN đất cho ông Trèn là không đúng với phạm vi ủy quyền. Cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên hủy HĐCN đất là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, quá trình giải quyết vụ án, ông Trèn cho rằng đã giao đủ tiền nhận chuyển nhượng đất cho ông Thịnh và cung cấp các biên nhận "mượn nợ". Tuy nhiên, các giấy mượn nợ thể hiện ông Thịnh nhận tiền vay của ông Trèn, không có chứng cứ nào thể hiện nhận tiền chuyển nhượng đất. Việc giao, nhận tiền vay được thực hiện nhiều lần, bắt đầu từ trước khi cụ Vấn lập hợp đồng ủy quyền cho ông Thịnh. Sau khi có ủy quyền, ông Thịnh vẫn tiếp tục nhận tiền vay.

Đến giai đoạn phúc thẩm, ông Trèn giao nộp hai giấy "giao nhận tiền" đề ngày 9-10-2018 thể hiện việc mua bán đất với số tiền 200 triệu đồng và 6,66 tỷ đồng để chứng minh đã giao đủ tiền mua bán đất cho ông Thịnh. Bị đơn thừa nhận việc lập hai giấy trên nhưng không giao nhận tiền trên thực tế. Số tiền chuyển nhượng đất được giao là theo đúng như các biên nhận "mượn nợ" mà ông Trèn đã cung cấp cho tòa sơ thẩm.

Như vậy, hai giấy "giao nhận tiền" ngày 9-10-2018 không phản ánh đúng sự thật khách quan nên không có căn cứ chứng minh ông Trèn đã giao tiền chuyển nhượng đất cho ông Thịnh.

Thứ ba, việc ông Thịnh nhận tiền theo các biên nhận tiền vay mà ông Trèn cung cấp là một quan hệ pháp luật khác, không liên quan đến vợ chồng cụ Vấn. Nội dung ủy quyền cho ông Thịnh thực hiện, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng một vụ án khác. Mặt khác, từ khi nhận chuyển nhượng đến nay, ông Trèn cũng chưa nhận đất mà khu đất thực tế hiện nay vẫn do cụ Vấn quản lý, sử dụng nên HĐCN đất ngày 9-10-2018 chưa được thực hiện. Các bên chưa giao nhận tiền cũng như giao nhận đất nên không làm phát sinh thiệt hại.

Thứ tư, cả hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hủy HĐCN đất ngày 9-10-2018 là có căn cứ. Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm lại quyết định buộc cụ Vấn phải liên đới cùng với ông Thịnh trả cho ông Trèn 5,56 tỷ đồng là không có căn cứ, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cụ Vấn, vượt quá phạm vi giải quyết vụ tranh chấp. Đây là số tiền thể hiện ông Thịnh vay của ông Trèn, nội dung phản tố của ông Trèn chỉ đề nghị công nhận HĐCN đất, không có yêu cầu xử lý về tiền vay.

Vì các lẽ trên, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TPHCM quyết định kháng nghị đối với bản án phúc thẩm số 125/2020/DS-PT ngày 9-5-2020 của TAND tỉnh Bến Tre theo thủ tục giám đốc thẩm. Căn cứ khoản 3 Điều 343 và Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy bản án phúc thẩm nêu trên; giữ nguyên bản án số 83/2019/DS-ST ngày 26-11-2019 của TAND TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Cầm kháng nghị của VKSND cấp cao tại TPHCM trên tay, cụ Vấn rưng rưng: "Nhờ đèn trời soi xét, tôi đã được cứu, ông nhà tôi cũng yên lòng nơi chín suối! Qua đây, tôi và gia đình rất biết ơn Báo Công an TPHCM và phóng viên đã phản ánh kịp thời, chỉ rõ oan sai, tiếp sức tôi cho tôi vượt qua nghịch cảnh...". 

Bình luận (0)

Lên đầu trang