(CATP) Ngày 6-4, UBND tỉnh Cà Mau có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư làm rõ một số thông tin ông Nguyễn Hoàng Sa - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau có "sân sau" là công ty do vợ là bà Tạ Thị Diệu Liên quản lý. Tuy lãnh đạo Sở Y tế tỉnh không thừa nhận, nhưng chứng từ liên quan đến công ty mà bà Liên là người đại diện lại có hàng loạt bất ngờ...
Kế hoạch "ốc mượn hồn"
Đối với công ty, doanh nghiệp chuyên về cung ứng vật tư, thiết bị y tế ở Cà Mau không xa lạ với Công ty cổ phần Vạn Phúc (số 63 Ngô Quyền, TP.Cà Mau) chuyên hoạt động phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa; chuyên bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế mỹ phẩm, vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh. Ngày 1-10-2005, công ty được thành lập do bà Tạ Thị Diệu Liên là người đại diện pháp luật. Thời gian này, công ty kinh doanh khá ổn định. Khách ra vào nườm nượp. Nhìn vào hoạt động phòng khám số 63, nhiều người tấm tắc khen bà Liên "hai giỏi". Công việc kinh doanh thuận buồn xuôi gió, còn chồng bà - ông Sa giữ chức vụ Trưởng phòng nghiệp vụ, Sở Y tế tỉnh Cà Mau.
Ngày 2-12-2015, ông Nguyễn Hoàng Sa được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau. Một năm sau, bà Liên không tham gia pháp lý, không góp vốn vào Công ty cổ phần Vạn Phúc. Theo giấy phép thay đổi kinh doanh, người đại diện và trực tiếp quản lý điều hành Công ty Cổ phần Vạn Phúc và chịu trách nhiệm pháp lý là bà Tạ Như Ý (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc). Giải thích với cơ quan báo chí, một cán bộ Sở Y tế cho rằng từ lúc ông Sa giữ chức Phó giám đốc Sở, bà Liên chỉ làm thuê để hưởng lương trong công ty, vì sợ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị của chồng (?).
Qua tìm hiểu, chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Theo giải thích trên, từ năm 2016, bà Liên làm thuê nhưng bảo hiểm xã hội đóng vào tháng 3-2021. Nhân viên làm thuê nhưng bà Liên được ký giá trị hợp đồng đến cả tỷ đồng. Điển hình, ngày 10-9-2020, bà Liên ký chức danh Giám đốc Công ty cổ phần Vạn Phúc tại văn bản bổ sung danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, có chữ ký xác nhận của Sở Y tế. Tương tự ngày 24-2-2020, Công ty cổ phần Vạn Phúc gửi văn bản cho Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau (về phê duyệt danh mục bổ sung kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc năm 2019 của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia và của Sở Y tế Cà Mau) cũng do bà Tạ Thị Diệu Liên ký với chức danh giám đốc. Dư luận nghi ngờ bà Liên trở thành người làm thuê khi chồng giữ chức Phó giám đốc Sở Y tế chỉ là kế hoạch "ốc mượn hồn".
Nơi vợ ông Sa "làm thuê” nhưng ký hợp đồng là giám đốc
Doanh nghiệp rút lui
Công việc kinh doanh của Công ty cổ phần Vạn Phúc hiệu quả thì nhiều đơn tố giác ông Sa gởi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu xem xét hành vi phạm pháp luật về công tác đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế. Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Sa là Phó giám đốc phụ trách bảo hiểm y tế (BHYT) đấu thầu thuốc, vật tư y tế (VTYT)... nhưng có vợ là giám đốc Công ty Vạn Phúc có chức năng khám chữa bệnh BHYT và tham gia đấu thầu, cung ứng vật tư y tế tại các cơ sở y tế trong tỉnh.
Theo giải thích của Sở Y tế tỉnh Cà Mau, các gói thầu vật tư y tế mà Công ty cổ phần Vạn Phúc thực hiện do chủ đầu tư là các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện, không phải qua đấu thầu tập trung tại Sở Y tế như đấu thầu thuốc; việc lựa chọn nhà thầu là do các cơ sở khám chữa bệnh tự tổ chức chấm thầu theo quy định của pháp luật. Trao đổi với chúng tôi, nhà thầu tham gia dự thầu khi thấy tên bà Liên đều âm thầm rút lui bởi không bao giờ được xét đậu. Do đó, giải trình với cơ quan chức năng, bà Liên chỉ là nhân viên làm thuê nhưng ghi chức vụ giám đốc trong hợp đồng giá cả tỷ đồng thì liệu có bình thường.
Tại hợp đồng cung ứng hóa chất, vật tư y tế được ký ngày 27-12-2019 với một bệnh viện trong tỉnh Cà Mau, bà Tạ Thị Diệu Liên cũng là người đại diện hợp pháp cho Công ty cổ phần Vạn Phúc ký tên. Được biết, hợp đồng có hiệu lực 18 tháng và giá trị hợp đồng này hơn 1 tỷ đồng. Tại hóa đơn xuất ngày 21-12-2020 cũng do bà Tạ Thị Diệu Liên ký dưới mục người bán hàng. Ở bản hợp đồng này, tại phần đại diện nhà thầu (Công ty cổ phần Vạn Phúc) là tên Tạ Như Ý, giám đốc nhưng bà Tạ Thị Diệu Liên lại ký tên đại diện nhà thầu.
Tại số 276B đường Ngô Quyền (P9, TP. Cà Mau), nơi đây cũng là nhà của gia đình ông Nguyễn Hoàng Sa còn có Công ty TNHH MN Pharma hiện đang cung ứng rất nhiều mặt hàng thuốc đã trúng thầu tập trung của Sở Y tế Cà Mau cho nhiều cơ sở y tế trong tỉnh. Điều kỳ lạ, năm 2019, Thanh tra tỉnh Cà Mau tiến hành thanh tra về quản lý, sử dụng quỹ bảo BHYT, mua sắm trang thiết bị và vật VTYT, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn tháng 1-2014 đến tháng 9-2019. Trong đó, có thanh tra phòng khám đa khoa 63 Ngô Quyền (thuộc Công ty cổ phần Vạn Phúc) nhưng không phát hiện việc bà Liên "ký thay" giám đốc công ty không đúng với bản đăng ký kinh doanh tháng 11-2016. Thanh tra kết luận đủ điều kiện để khám chữa bệnh BHYT.
Tại khoản 6 Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó quy định về các trường hợp xung đột lợi ích: "Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước". Như vậy, ông Sa có dấu hiệu vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tại khoản 4 Điều 20.
Tại Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn ghi rõ: "Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước" và khoản 6 Điều 29 Nghị định 59/2019/NĐ-CP nói trên.Do đó tùy theo hậu quả, mức độ vi phạm của cán bộ, công chức vi phạm mà xử lý, kỷ luật... theo quy định pháp luật.