Vụ án "chém nhầm" ở Cà Mau: Lời khai nhân chứng cho thấy các bị cáo ngoại phạm

Thứ Ba, 30/03/2021 11:58  | Thu Hiền

|

(CATP) Sau 3 lần hoãn, hôm nay TAND tỉnh Cà Mau mở lại phiên xử phúc thẩm vụ án "Cố ý gây thương tích" gây oan sai cho ba người, bốn người khác đang tiếp tục kêu oan và cung cấp bằng chứng ngoại phạm. Trước đó, nhiều nhân chứng quan trọng cũng có lời khai cho thấy các bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội.

Không phải đến bây giờ mà trong những phiên tòa trước đây, bốn bị cáo Đặng Hữu Thời, Lê Phước Trung, Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam cùng luật sư bào chữa đã nhiều lần đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) triệu tập nhân chứng Trần Văn Tổng, Trần Quốc Đẳng, Hà Gia Nguyên, Lâm Tấn Phong, Nguyễn Phương Nam... là những người chứng kiến sự việc, có lời khai về đêm xảy ra vụ án nhưng phải đến phiên tòa ngày 10-3 vừa qua, việc triệu tập nhân chứng mới được thực hiện.

Theo hồ sơ đưa ra xét xử, Thời cùng Tổng, Đẳng bị chém ở khu vực Cống Nàng Âm. Sau đó, Tổng chở Thời về nhà leo rào vào lấy mã tấu rồi Tổng chở Thời ra cổng Hoàng Tâm điện thoại gọi Long, Nam, Trung đến phục đánh trả thù. Tuy nhiên, hồ sơ ban đầu thu thập lại hoàn toàn khác.

Cụ thể, Thời khai: Thời cùng Tổng, Đẳng đang dắt xe đi bộ thì bị 7-8 người chạy đến chém tới tấp. Khi phát hiện chém lầm, nhóm này bỏ đi. Tổng, Đẳng chạy thoát nên bị thương nhẹ, còn Thời bị thương vào đầu, vai, tay ra nhiều máu phải chạy vào nhà chị Thoa (chị ruột Tổng) nhờ xem vết thương và mượn điện thoại gọi về nhà. Khi Tổng và Đẳng quay lại tìm, Tổng lấy xe máy chở Thời đi bệnh viện đa khoa Cà Mau cấp cứu, Nguyễn Tấn Phong (em nuôi Tổng) chở vợ Thời đi theo.

Tại các bút lục 164, 165, 272, 273, Tổng khai: "Khi tôi gặp bạn Thời bị thương tích ra nhiều máu nên tôi lấy xe chở Thời đi bệnh viện điều trị. Tôi chở Thời, Phong chở vợ Thời. Tôi, Phong nuôi Thời đến khoảng 4-5 giờ sáng thì về nhà”. Nguyễn Tấn Phong cũng khai tương tự: "Rạng sáng ngày 15-3-2015 tôi đang ngủ ở nhà thì nghe Thời, Tổng bị chém. Tôi thấy Thời bị thương tích trên người dính đầy máu. Tổng chở Thời, tôi chở vợ Thời đi đến bệnh viện...".

Tại bút lục 1737 ngày 16-3-2015, Trần Quốc Đẳng khai tại CA xã Lương Thế Trân rằng sau khi chém nhầm nhóm thanh niên bỏ chạy về hướng Cà Mau, lát sau Đẳng quay lại kiếm Tổng và Thời, thấy trên vai và tay trái của Thời bị thương nên Tổng chở Thời đi băng bó, còn Đẳng dắt xe về nhà.

Nguyễn Anh Duy - người liên quan trong vụ án đã được đình chỉ vì không phạm tội

Các nhân chứng khác như chị Thoa, Huỳnh Kiều Diễm (vợ Thời), bà Tào Mỹ Hạnh (mẹ Thời) cùng xác nhận Thời bị chém trong khoảng thời gian từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút sáng 15-3, ngay sau đó được Tổng chở đi bệnh viện. Đáng lưu ý là tất cả các lời khai này được ghi lại trong lúc Thời bị tạm giữ nên hoàn toàn không có sự thông cung. Như vậy, Thời lấy mã tấu, tụ tập đồng bọn chém các nạn nhân lúc nào?

Đối với hai nhân chứng Hà Gia Nguyên và Lâm Tấn Phong, bị cáo Thời yêu cầu HĐXX phải dẫn giải họ đến tòa, bởi trước đây Nguyên và Phong có lời khai bịa đặt, vu khống Thời chủ mưu chém người. Cụ thể, Nguyên khai: anh Thời điện thoại nói bị đánh ở khu Hoàng Tâm, mày vô tiếp anh. Đi ngang đường vào xã Lý Văn Lâm thì gặp Lâm Tấn Phong, Phong lên xe đi theo. Khi đến trước nhà nghỉ Trung Hoa thì gặp anh Thời cầm cây mã tấu, Trung cầm dao phay, Nam cầm mã tấu..., tôi cầm khúc cây tràm, vây đánh chém ba người.

Lâm Tấn Phong thì khai: Tôi đang uống cà phê thì anh Nguyên chạy xe lại kêu đằng Hoàng Tâm đánh lộn. Tại đây đã có Trung, Thời và 3-4 người khác. Nguyên đưa cho tôi cây mã tấu, Thời cầm dao phay, bạn của Thời cầm khúc cây tràm.

Ngoài các lời khai rất chi tiết kể trên, tại biên bản nhận dạng, Nguyên và Phong còn xác định Thời là người trực tiếp tổ chức, các đối tượng khác gồm Nam, Long, Trung cùng tham gia đánh chém người. Tuy nhiên sau hai ngày bị câu lưu và chín ngày bị tạm giữ, Nguyên và Phong được trả tự do vì có chứng cứ ngoại phạm. Vấn đề là tại sao Nguyên, Phong ở cách hiện trường hàng trăm cây số lại có lời khai tỉ mỉ hành vi phạm tội của mình và những người khác trong khi hai anh này không tham gia?

Riêng nhân chứng Nguyễn Phương Nam, biệt danh Nam "heo rừng" là bạn Lâm Hải Long. Lời khai của Nam "heo rừng" xác nhận Nam đi ăn bánh mì và ngủ chung với Long từ tối đến sáng hôm sau. Lời khai này có giá trị chứng minh Lâm Hải Long ngoại phạm và nếu đúng như vậy thì Thời, Nam, Trung cũng vô can bởi lẽ hồ sơ vụ án miêu tả Thời điện thoại cho Long, Long gọi Nam rồi Nam rủ Trung cùng đi đánh nhau. Tại phiên tòa trước, các bị cáo và gia đình họ đã cung cấp bằng chứng việc Nam "heo rừng" được kiểm sát viên Ngô Kiên Định sắp xếp khai sai sự thật và bỏ đi khỏi địa phương để không thể ra tòa làm chứng có lợi cho các bị cáo.

Luật sư Trần Thị Ánh - Đoàn luật sư TPHCM nhận định: Nguyễn Phương Nam là một nhân chứng quan trọng trong vụ án nhưng các biên bản ghi lời khai lại ghi Nam là "người hiểu biết sự việc". Tuy nhiên, BLTTHS chỉ quy định về người làm chứng, không có quy định nào về "người hiểu biết sự việc". Phải chăng, việc đánh giá sai tư cách người tham gia tố tụng nhằm loại bỏ Nguyễn Phương Nam ra khỏi vai trò người làm chứng.

Vì sao những nhân chứng quan trọng, có lời khai chứng minh các bị cáo vô tội lại không được HĐXX của các phiên tòa trước triệu tập? Liệu rằng lời khai của họ có được xem xét thấu đáo để làm rõ sự thật vụ án - đó là hy vọng của những thanh niên đang kêu oan vì một việc họ không làm!

Bình luận (0)

Lên đầu trang