(CATP) Sau bài viết "Khó hiểu" chuyện bán tài sản đấu giá ở Phú Yên (Báo Công an TPHCM khởi đăng ngày 4-3-2021), mặc dù Bộ Tư pháp đã có kết luận khẳng định, vụ việc một phần đến từ lỗi của người thực thi công vụ. Thế nhưng, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Phú Yên vẫn im lặng trước những thiệt hại dành cho người dân!
Cấp dưới chưa thông chỉ đạo cấp trên?
Sau bài viết, ngày 24-3-2021, Tỉnh ủy Phú Yên gửi văn bản số 719-CV/VPTU, thông tin cho Báo Công an TPHCM biết, đã có văn bản gửi Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, yêu cầu kiểm tra, rà soát nội dung Báo Công an TPHCM phản ánh để sớm có thông tin phản hồi cho báo chí và người dân nắm rõ.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên: "Còn nhiều vụ tương tự"
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên thông tin, sáng 4-3 cùng ngày, Tỉnh ủy cũng vừa có cuộc họp với Ban Nội chính và các cơ quan chức năng liên quan, để chỉ đạo trong năm 2021, phải giải quyết dứt điểm những trường hợp còn tồn đọng trong công tác thi hành án (THA), bán tài sản đấu giá... "Sáng nay vừa họp xong vấn đề này thì rất trùng hợp, ngay buổi chiều tôi đọc được bài phản ánh của Báo Công an TPHCM. Dựa trên những vụ báo nêu, chúng tôi sẽ có chỉ đạo rà soát, làm rõ những vụ việc tương tự khác" - ông Phạm Đại Dương nói.
Trong một diễn biến khác, trước đó, ngày 10-3, Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) cũng có Công văn số 49/TB-TCTHADS, gửi vào tỉnh Phú Yên, thông báo kết luận của lãnh đạo tổng cục này về việc THA khối tài sản tọa lạc tại thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa của ông Đào Minh Ký và bà Nguyễn Thị Vương, có liên quan đến quyền lợi của người mua trúng tài sản đấu giá, là anh Bùi Thái Hội.
Văn bản của Tổng cục THADS ngoài việc khẳng định những sai sót của chấp hành viên (CHV), chỉ đạo Cục THADS tỉnh Phú Yên phải chủ trì tổ chức cho các bên thỏa thuận theo hướng "hủy kết quả bán đấu giá tài sản". Và rõ ràng, mong mỏi trước mắt của người mua tài sản đấu giá tới thời điểm này, cũng chỉ đơn giản là nhận được sự cầu thị, tôn trọng của Cơ quan THADS, thông qua việc gặp gỡ để tìm ra hướng giải quyết.
Đồng quan điểm, các cơ quan tư pháp gồm công an, viện kiểm sát... của tỉnh Phú Yên trong cuộc họp trực tuyến về các vụ này cũng nhận định, với vụ ở Phú Hòa, do phía phải THA "vịn" vào lỗi kê biên sai sót của CHV nên người mua đã gửi đơn, thư khiếu kiện nhiều nơi. Do đó, chưa thể tiến hành tổ chức cưỡng chế để giao tài sản vì phải chờ kết quả giải quyết khiếu nại, để tránh xảy ra "điểm nóng". Những chỉ đạo, kiến nghị xử lý vụ việc nêu trên cũng nhận được sự đồng thuận của người mua trúng tài sản đấu giá.
Thế nhưng, Cục THADS tỉnh Phú Yên lại nhất quyết cho rằng "làm đủ trách nhiệm" vì đã có nhiều văn bản đề xuất UBND tỉnh "tổ chức cưỡng chế" (?).
Lô đất cùng căn nhà tại huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) hiện không thể THA do sai sót của CHV thuộc Cơ quan THADS
Còn chuyện gì "khó nói"?
Ngày 25-3, Cục THADS tỉnh Phú Yên có Văn bản số 319 gửi Báo Công an TPHCM để phản hồi bài viết "Khó hiểu" chuyện bán tài sản đấu giá ở Phú Yên, thông tin, vụ ở Tuy An, thẩm quyền THA thuộc Cục THADS tỉnh tổ chức không phải do Chi cục THADS huyện Tuy An. Cục THADS tỉnh Phú Yên cho rằng, nguyên nhân khiến việc không thể cưỡng chế THA đối với vụ ở Tuy An là do vào năm 2018, phía Công an tỉnh Phú Yên có văn bản xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh tạm hoãn việc cưỡng chế do đương sự tuổi cao sức yếu, có bệnh mãn tính... Việc không thể bàn giao tài sản đấu giá cho người mua là do nguyên nhân khách quan và đơn vị này "đã làm đủ trách nhiệm"! Riêng với vụ ở Phú Hòa, xảy ra do sai phạm của CHV, không được nhắc đến. Cục THADS tỉnh Phú Yên khẳng định "bài viết sai sự thật" và yêu cầu được "đính chính"?
"Quên" đến bao giờ?
"Chúng tôi mua tài sản đấu giá do Cơ quan THADS tổ chức (thông qua công ty đấu giá), chứ không mua trực tiếp từ người phải THA. Do vậy, khi sự việc phức tạp xảy ra dẫn đến không thể bàn giao được tài sản cho tôi, thì Cơ quan THADS phải có trách nhiệm! Với sự cầu thị, tôi không bắt buộc họ phải bồi thường ngay cho tôi nhưng ít ra, tôi phải nhận được sự tôn trọng từ Cơ quan THADS, phải có một cuộc gặp để đưa ra hướng giải quyết sau những thiệt hại mà tôi gánh chịu. Vậy mà mong mỏi đơn giản này lại quá khó!" - anh Bùi Thái Hội, một người dân bị ảnh hưởng quyền lợi sau khi mua tài sản đấu giá ở Phú Yên, bày tỏ sự thất vọng.
Theo nội dung kết luận trong Văn bản số 49/TB-TCTHADS của Tổng cục THADS đã khẳng định rất rõ sai sót của CHV trong vụ ở huyện Phú Hòa. Còn với vụ ở huyện Tuy An, thông qua Văn bản số 1191/CTHADS-NV (ngày 19-10-2020), chính Cục THADS tỉnh Phú Yên cũng đã tự khẳng định việc đơn vị này "vận động, thuyết phục người dân tự nguyện THA không thành".
Vậy: Liệu có bình thường không khi việc vận động lại bị kéo dài đến 3 năm? Trong khi, nếu đã không thể cưỡng chế THA, thay vì bị động chờ đợi sự tự nguyện của đương sự, tại sao Cục THADS không tham mưu cho cấp trên những hướng xử lý hợp tình, hợp lý khác để trả lại quyền lợi chính đáng cho người mua trúng tài sản đấu giá?
Báo Công an TPHCM sẽ tiếp tục thông tin diễn biến của vụ việc.