(CATP) Người dân bỏ tiền mua tài sản bán đấu giá hợp lệ nhưng suốt 3 năm vẫn chưa được bàn giao tài sản! Vụ việc “khó hiểu” này dù “đến tai” Bộ Tư pháp, khiến Bộ phải tổ chức họp trực tuyến để chỉ đạo giải quyết dứt điểm, nhưng kết cục vẫn là sự im lặng (?). Người mua phải gánh chịu thiệt hại, trách nhiệm thì cứ thế bị đùn đẩy.
Ba năm, một “điệp khúc”… chờ!
Sau vụ kiện dân sự, toà tuyên phía bị đơn là vợ chồng ông Trần Châu, bà Trần Thị Nở (cùng ngụ thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) phải trả cho nguyên đơn là ông Phạm Ngọc Hùng số tiền 11.500 USD và nộp 9.200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Vì đương sự không tự nguyện thi hành án (THA), nên chấp hành viên (CHV) Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) huyện Tuy An đã cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất và tài sản có trên đất của vợ chồng ông Châu, bà Nở tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để thẩm định, bán đấu giá tổ chức THA.
Ngày 20-7-2017, anh Hà Hoàng Ngọc trúng đấu giá tài sản với số tiền 730.000.000 đồng. Nội dung trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thể hiện, Cơ quan THADS phải có nghĩa vụ giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày. Ấy vậy, dù anh Ngọc đã thực hiện nghĩa vụ nộp đủ tiền nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, hơn 03 năm nay, Cơ quan THADS vẫn chưa tổ chức bàn giao tài sản cho người mua?
Anh Bùi Thái Hội, người bị “ngâm” tài sản từ những tắc trách trong mua, bán tài sản đấu giá
Đó không phải là chuyện đơn cử! Cuối năm 2019, Chi cục THADS huyện Phú Hòa ký hợp đồng với Công ty Đấu giá Hợp danh Việt Tín (số 451 Hùng Vương, phường 9, TP.Tuy Hòa) để bán tài sản là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tọa lạc tại thôn Ân Niên, xã Hòa An, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên (theo giấy chứng nhận số BK 634597 do UBND huyện Phú Hòa cấp ngày 17/12/2012) cho ông Đào Minh Ký và bà Nguyễn Thị Vương, tổ chức THA các vụ việc có liên quan.
Ngày 03-01-2020, buổi đấu giá tài sản được tổ chức, anh Bùi Thái Hội (ngụ P2, TP.Tuy Hoà) đã mua trúng đấu giá với số tiền 438.406.000 đồng. Ngay sau đó, anh Hội nộp đủ tiền nhưng đến nay, anh vẫn chưa nhận được tài sản. “Tôi bỏ ra gần nửa tỷ đồng để mua tài sản đấu giá theo đúng quy định pháp luật. Nội dung trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thể hiện, Cơ quan THADS phải có nghĩa vụ giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày nhưng tới giờ đã hơn 01 năm, tôi vẫn ngóng trông bên Cơ quan THADS bàn giao. Tôi rất muốn biết thiệt hại này do mà đâu ra?” – anh Hội bức xúc.
Do “thiếu sót” của chấp hành viên
Nguyên nhân của 2 sự vụ đều xuất phát từ những “nghiệp vụ” hết sức sơ đẳng của phía Cơ quan THADS. Đối với tài sản mà anh Hà Hoàng Ngọc đã mua trúng đấu giá từ 3 năm trước, theo tài liệu chúng tôi có được, vào đầu tháng 10-2020, ông Trần Hữu Thế (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên; thời điểm đó giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban chỉ đạo THADS tỉnh) đã có Công văn số 5149/UBND-NC chỉ đạo Cục THADS tỉnh rà soát lại việc tổ chức thi hành án đối với vợ chồng ông Châu, bà Nở để bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá. Và theo phúc đáp của Cục THADS thì “khúc mắc” khiến cho việc đơn vị này chưa thể bàn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá hợp pháp là do “vận động, thuyết phục phía phải thi hành án tự giác giao tài sản không thành” (!).
Hướng giải quyết mà Cục THADS đưa ra là đề nghị lãnh đạo tỉnh tổ chức họp bàn phương án cưỡng chế, sau một quãng thời gian dài “vận động trong bế tắc”. Vậy là việc mà 3 năm trước, đơn vị có thẩm quyền đáng ra phải làm, nay bị nhắc nhở, mới kiến nghị lên cấp trên tính chuyện giải quyết. Nhưng đó chỉ mới là dự tính, bởi người dân bị thiệt hại quyền lợi do mua tài sản đấu giá thì lại vẫn phải chờ, vì mọi chuyện cứ “đóng băng” như không có gì!
Cục THADS tỉnh Phú Yên, nơi đang tồn đọng những câu chuyện “khó hiểu” trong việc mua, bán tài sản đấu giá
Còn vụ việc của anh Bùi Thái Hội, theo thông tin từ Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), sở dĩ đến tận bây giờ mà Cơ quan THADS vẫn chưa thể bàn giao được tài sản đấu giá cho anh vì trước khi tổ chức bán đấu giá, CHV có "thiếu sót" trong việc kê biên tài sản. Vịn vào lỗi này, người bị kê biên tài sản đã gửi nhiều đơn thư tố cáo, khiếu nại lên các cấp khác nhau. Việc bàn giao tài sản đấu giá cho người mua vì thế vẫn bị "dậm chân tại chỗ", phải chờ kết luận giải quyết tin báo tố giác tội phạm cuối cùng.
Mấu chốt sự tắc trách đó đến từ việc "thiếu sót" hay "thờ ơ” trong thực thi công vụ của những người có trách nhiệm THADS thì vẫn là thiệt hại dồn cho người dân (!). Thực trạng bán tài sản đấu giá ở tỉnh Phú Yên dường như đang đặt ra nhiều dấu hỏi rất khó lý giải?
Ai chịu trách nhiệm?
Theo Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), để đảm bảo quyền lợi người mua trúng đấu giá, ngày 25-2-2021, đơn vị này đã tổ chức cuộc họp trực tiếp có nhiều ban, ngành tham dự. Sau khi tổng hợp các ý kiến, Tổng cục THADS đã chỉ đạo Cục THADS tỉnh Phú Yên có phương án thoả thuận huỷ kết quả bán đấu giá với người mua. Trường hợp không thoả thuận thì CHV đơn phương chấm dứt hợp đồng mua tài sản. Việc xem xét trách nhiệm bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ được toà án có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Mặc dù hướng giải quyết dứt điểm vấn đề đã được chỉ ra, nhưng phản hồi với phóng viên Báo Công an TPHCM, anh Bùi Thái Hội cho biết đến hiện tại, anh vẫn chưa nhận được thoả thuận mang tính khắc phục nào từ phía cơ quan THADS. Anh nói: “Với cách xử lý như thế này thì liệu còn ai dám mua tài sản đấu giá ở Phú Yên, nếu một ngày không xa, họ rơi vào tình cảnh giống như tôi bây giờ?”.
Theo luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết, Đoàn Luật sư TPHCM, ở vụ này, cần phải nhìn nhận vấn đề là CHV và Cơ quan THADS liệu có sai phạm hay yếu kém, vì quy định pháp luật không có định nghĩa “thiếu sót”? “Hậu quả mà người dân phải gánh chịu đã diễn ra trong suốt một thời gian dài. Còn trong thực thi công vụ mà anh gây ra hậu quả thì rõ ràng là phải chịu trách nhiệm! Thiết nghĩ, cơ quan chức năng trước mắt cần tiến hành ngay phương án thoả thuận, bồi thường cho người mua. Sau đó, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan để không tạo ra tiền lệ xấu về mua, bán tài sản đấu giá ở địa phương” – luật sư Tuyết kiến nghị.