(CATP) Theo nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An, Bản án sơ thẩm số 82/2019/DS-ST (Bản án 82) ngày 29-11-2019 của TAND H. Châu Thành, tuyên không có căn cứ mà còn vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cầm bản án phúc thẩm trong tay, vợ chồng ông Huỳnh Hữu Nghĩa (SN 1955, ngụ KP1, thị trấn Tầm Vu, H. Châu Thành, tỉnh Long An) đến ngay tòa soạn báo tin vui...
Kêu oan vì "xử" mà không "xét" (?!)
Liên quan đến vụ án này, Báo CATP (nay là Chuyên đề CATP) đã có bài phản ánh, chỉ rõ Bản án 82 lộ rõ oan sai. Theo đó, cụ Liêu Thị Ngân (SN 1929, ngụ KP1, thị trấn Tầm Vu, H. Châu Thành), khởi kiện ngày 10-9-2015 khi đó đã 86 tuổi (!) Không lâu sau đó, cụ Ngân qua đời ngày 03-6-2016 do tuổi cao sức yếu. Kế thừa quyền và nghĩa vụ của cụ Ngân là các con, trong đó có ông Phan Quốc Công (SN 1966, ngụ KP1, thị trấn Tầm Vu).
Theo nguyên đơn trình bày, căn nhà số 136 KP1, thị trấn Tầm Vu, đất thuộc thửa 112, được cấp giấy chứng nhận (GCN) với diện tích 95,1m2 nhưng đã bị ông Huỳnh Hữu Nghĩa và vợ là bà Đoàn Thị Trong "lấn chiếm" 6,1m2. Nay ông Công yêu cầu phía bị đơn tháo dỡ, di dời các tài sản nằm trên phần đất 6,1m2 để trả lại đất cho ông.
Ông Nghĩa trình bày: Căn nhà số 134 xây trên thửa đất 111 có nguồn gốc của cha mẹ ông là cụ Huỳnh Thông và cụ Lâm Thị Sáu mua năm 1964, được chính quyền chế độ cũ xác nhận và cấp giấy "tấc đất tấc vàng". Đến năm 1998, Nhà nước đã thu lại để cấp GCN mới. Trước đây nhà được lợp bằng ngói âm dương nhưng do bị xuống cấp nên ông thay bằng tôn xi măng vào năm 1997. Từ lúc mua đến nay, gia đình ông giữ nguyên hiện trạng, không thay đổi kết cấu, nên không thể nào "lấn chiếm" xảy ra.
Tòa cấp phúc thẩm tiến hành thẩm định tại chỗ
Thụ lý vụ án ngày 26-10-2015 nhưng kéo dài hơn 4 năm, TAND H. Châu Thành mới mở phiên xét xử ngày 29-11-2019. HĐXX do thẩm phán Diệp Song Tiền ngồi ghế chủ tọa, cùng 2 Hội thẩm Võ Tấn Thành và Võ Văn Long, tuyên Bản án 82, buộc bị đơn phải tháo bỏ một phần căn nhà số 134 gồm đòn tay, mái lợp, lấy "theo phương thẳng đứng" cùng bức tường và bể nước, để trả lại 6,1m2 đất "lấn chiếm" cho nguyên đơn.
Ông Nghĩa trình bày: "HĐXX sơ thẩm chỉ "xử" mà không "xét" tận tường vụ tranh chấp. Phần phải tháo dỡ chỉ là 6,1m2 (ngang 0,4m, chiều dài dọc theo nhà số 134) nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu của toàn căn nhà, trong đó có 1 cột chính, 2 cột phụ,1 đòn dong và 9 đòn tay. Bản án 82 đã tuyên đồng nghĩa với việc phá nát toàn bộ ngôi nhà số 134! Đây là ngôi nhà thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ chúng tôi, nhang khói hàng ngày; cũng là nơi con cháu của đại gia đình với hơn 50 con người tụ tập, sum họp vào các dịp lễ Tết, cúng giỗ..."
Phúc thẩm "tuýt còi" sơ thẩm
TAND tỉnh Long An thụ lý kháng cáo của bị đơn từ ngày 12-02-2020 nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh nên đến ngày 11-7-2022 mới mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên án 7 ngày sau đó.
HĐXX phúc thẩm gồm 3 thẩm phán Nguyễn Thiện Tâm (chủ toạ), Dương Ngọc Thành và Phùng Thị Cẩm Hồng, tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 82 của TAND H.Châu Thành; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND H.Châu Thành, giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Vợ chồng ông Huỳnh Hữu Nghĩa và bà Đoàn Thị Trong (ngồi giữa, hàng đầu) tại trụ sở TAND tỉnh Long An
HĐXX phúc thẩm nhận định:
Thứ nhất, về triệu tập người tham gia tố tụng: Nguyên đơn là cụ Liêu Thị Ngân mất năm 2016. Cụ Ngân 7 người con gồm các ông bà: Liêu Văn Hai (chết 2003, có vợ và 5 người con); Phan Thị Ngọc Ánh; Phan Thị Ngọc Thu; Phan Thanh Triết; Phan Công Khanh; Phan Vĩnh Khương (chết 2004, có vợ và 1 người con) và Phan Quốc Công. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ triệu tập các ông bà Ánh, Thu, Triết, Khanh và Công tham gia tố tụng, không triệu tập các con của ông Hai và ông Khương tham gia tố tụng trong vụ án là thiếu sót, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người này.
Thứ hai, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào "mãnh trích đo địa chính" đất tranh chấp ngày 26-10-2016 để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, mảnh trích này chỉ thể hiện vị trí đất tranh chấp, không thể hiện chi tiết trên đất tranh chấp có tài sản gì, của ai và diện tích là bao nhiêu. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của nguyên đơn và cả bị đơn đều xác định, đất tranh chấp có một phần tài sản của nguyên đơn và bị đơn trên đó. Trình bày của các bên phù hợp với nội dung biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 02/7/2020 của Tòa án cấp phúc thẩm.
Thứ ba, đối với phần đất tranh chấp trên đó có vách nhà sau của bị đơn: Ông Công trình bày, khi cụ Huỳnh Thông và cụ Lâm Thị Sáu xây nhà thì nguyên đơn phát hiện lấn đất; hai cụ hứa sẽ trả lại khi nguyên đơn xây nhà. Ngoài lời trình bày, ông Công không có chứng cứ gì để chứng minh và cũng không được bị đơn thừa nhận, nên không có cơ sở để xem xét. Do đó, có cơ sở kết luận, bị đơn đã sử dụng đất ổn định, liên tục, lâu dài và trước thời điểm nguyên đơn được cấp GCN. Tòa cấp sơ thẩm căn cứ vào "mảnh trích đo địa chính" để buộc bị đơn tháo dỡ, di dời tài sản trả lại đất cho nguyên đơn là không có căn cứ để chấp nhận.
Đối với vị trí đất tranh chấp phần còn lại, tại vị trí trên đó có cả mái nhà của nguyên đơn và bị đơn, Tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ, nên chưa có đủ căn cứ để xác định đất tranh chấp tại vị trí này là thuộc quyền sử dụng của ai.
HĐXX kết luận: "Tòa cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ việc thu thập chứng cứ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được và Tòa cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm".
Trao đổi với PV, vợ chồng ông Huỳnh Hữu Nghĩa phấn khởi: "Sau hơn 6 năm "đáo tụng đình", chúng tôi bị xử ép, chịu quá nhiều khổ sở, oan ức. Rất may, HĐXX phúc thẩm đã xem xét tận tường, có phán quyết công tâm, khách quan, bước đầu đã giải oan cho gia đình chúng tôi. Với bản án phúc thẩm đã tuyên, chúng tôi tin tưởng cấp sơ thẩm sẽ giải quyết lại trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không để cán cân công lý bị xô lệch...".