Bị nhầm lẫn hay đã được soạn sẵn?
Theo hồ sơ, ngày 31-12-2014, ông Hồ Văn Sơn - Giám đốc (GĐ) Công ty TNHH MTV cà phê Đắk Nông (gọi tắt là Công ty CPĐN) và ông Nguyễn Tiến Ly - Kế toán trưởng (KTT) công ty bị khởi tố về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Đến ngày 24-4-2015, cả hai được thay đổi sang tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 285 BLHS 1999.
Xét xử sơ thẩm lần 1 ngày 21-11-2015, TAND tỉnh Đắk Nông với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Nguyễn Anh Loát làm chủ tọa, tuyên phạt ông Sơn 36 tháng tù treo; ông Ly 42 tháng tù giam. HĐXX chấp nhận cho gia đình hai bị cáo Sơn nộp 1,43 tỷ đồng, Ly nộp 1,428 tỷ để khắc phục hậu quả. Bản án đã bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy ngày 19-4-2016.
Xét xử sơ thẩm lần 2 ngày 15-2-2017, TAND tỉnh Đắk Nông do thẩm phán Lương Đức Dương làm chủ tọa, xử phạt cựu GĐ Sơn 45 tháng tù giam; Ly được giảm còn 36 tháng tù giam. HĐXX tuyên trả lại toàn bộ số tiền gia đình hai bị cáo đã nộp, do hậu quả của vụ án này được khắc phục bằng bản án dân sự khác.
Từ 36 tháng tù treo, cựu GĐ kêu oan bị tăng lên đến 45 tháng tù giam, trong khi HĐXX trả lại toàn bộ số tiền đã nộp (?!). Bản án lại bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy ngày 1-10-2019.
Ngày 7-1-2021, thẩm phán TAND tỉnh Đắk Nông Bùi Thị Ngọc ký quyết định (QĐ) đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm lần ba nhưng sau đó tạm hoãn nhiều lần. Đến ngày 7-5-2021, thẩm phán Ngọc ký QĐ, ấn định thời gian mở lại phiên tòa lúc 13 giờ 30 ngày 18-5-2021. HĐXX do thẩm phán Ngọc ngồi ghế chủ tọa, cùng hai hội thẩm Phạm Hữu Quốc và bà Đỗ Thị Hà, tuyên phạt bị cáo Sơn 42 tháng tù giam; bị cáo Ly 36 tháng tù giam.
Vụ án được xét xử ngày 18-5-2021 nhưng Bản án số 16/2021/HSST ghi ngày phát hành 18-3-2021 do thẩm phán Ngọc ký tên, đóng dấu. Phần nội dung của bản án ghi rõ: "Ngày 18-3-2021, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai...". Như vậy, Bản án số 16/2021/HSST "chào đời" trước ngày xét xử 2 tháng (?!). Sự trùng lặp cả ngày xử và ngày phát hành lộ rõ bất thường; rất khó để HĐXX lý giải đây là sự "nhầm lẫn" hay "sai sót" do đánh máy.
Ông Sơn tại Tòa soạn Báo CATP
Cựu giám đốc lại kêu oan
Liên quan đến vụ kỳ án này, PV Báo CATP đã từng dự phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và có nhiều bài phản ánh. Theo đó, năm 2008, với vai trò là GĐ và KTT Công ty CPĐN, hai ông Sơn - Ly đã ký hợp đồng (HĐ) mua bán xăng dầu với DNTN Hoàng Hương Trang (gọi tắt "HHT") ở Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ do bà Nguyễn Thị Hương làm chủ. Quá trình giao dịch, do HHT không thực hiện đúng HĐ và không thanh toán đủ tiền nên ông Sơn đại diện Công ty CPĐN đứng nguyên đơn, khởi kiện HHT ra tòa.
Bản án dân sự phúc thẩm (DSPT) số 01 ngày 18-8-2009 của TAND TP. Cần Thơ buộc HHT phải trả cho Công ty CPĐN hơn 5,3 tỷ đồng (3,9 tỷ tiền gốc và 1,4 tỷ lãi). Sau khi thu hồi cho CPĐN hơn 1 tỷ đồng, ngày 27-3-2013, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.Ô Môn ra QĐ "trả lại đơn yêu cầu thi hành án" cho công ty do bị đơn không còn tài sản. Tuy nhiên, theo khẳng định của GĐ Công ty CPĐN Đỗ Duy Hòa, mãi đến cuối tháng 9-2015, công ty mới nhận được QĐ này.
Trong khi đó, ngày 31-12-2014, Cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam hai ông Sơn - Ly ngày 5-1-2015 đến 2-2-2015 thì cho tại ngoại. Hai ông bị quy kết: Ngày 9-1-2008, GĐ Sơn và bà Hương ký HĐ, nội dung: Công ty CPĐN mua của HHT 155.000 lít xăng và 297.079 lít dầu Diezen, giá 5 tỷ đồng. Do công ty không có kho chứa nên số xăng dầu trên được gửi tại kho của HHT. Sau đó, Sơn - Ly chấp nhận để HHT bán cho DNTN Văn Hiến khoảng 270.000 lít dầu và 41.721 lít xăng, hơn 3,888 tỷ đồng.
Bà Hương đã bán hết toàn bộ số xăng dầu nhưng chỉ thanh toán cho CPĐN được 1,137 tỷ đồng tính đến ngày 13-6-2008. Sau khi có Bản án DSPT số 01, HHT trả tiếp hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, CPĐN bị thiệt hại 2,853 tỷ đồng (không tính phần lãi và trượt giá).
HĐXX sơ thẩm lần 1 chấp nhận cho gia đình hai bị cáo nộp tiền để khắc phục hậu quả. TAND cấp cao tại TPHCM xác định việc nộp tiền này là không đúng, bởi hậu quả của vụ án này đã được khắc phục bằng Bản án DSPT số 01. Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn sai phạm nghiêm trọng khi không đưa bà Hương vào tham gia tố tụng. Từ đó, HĐXX phúc thẩm tuyên hủy án.
Từ kết luận của TAND cấp cao, HĐXX sơ thẩm lần 2 đã tuyên trả lại toàn bộ 2,853 tỷ đồng cho gia đình hai bị cáo.
Liên quan đến vụ tranh chấp giữa Công ty CPĐN với HHT, ngày 20-12-2017, TAND cấp cao tại TPHCM ra QĐ hủy Bản án DSPT số 01, trả hồ sơ cho TAND Q.Ô Môn để giải quyết lại từ đầu. Do Bản án DSPT số 01 bị hủy nên phát sinh tình tiết mới làm thay đổi việc giải quyết vụ án hình sự. Do đó, TAND cấp cao tại TPHCM đã hủy án sơ thẩm lần hai để các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Nông xác định lại thiệt hại, làm căn cứ giải quyết toàn diện vụ án. Ngoài ra, hành vi của bà Hương đã có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 3, HĐXX xác định HHT đã trả đủ 2,853 tỷ đồng cho Công ty CPĐN ngày 8-11-2019. Do thu hồi hết nợ nên CPĐN rút yêu cầu khởi kiện. Ngày 2-6-2020, TAND Q.Ô Môn ra QĐ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Như vậy, vụ án dân sự đã được giải quyết xong, Công ty CPĐN đã nhận đủ tiền nợ từ HHT. Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm lần 3 tiếp tục quy kết hai ông Sơn - Ly tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Đối với HHT, HĐXX xác định, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố bà Hương tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Do đã hết thời hạn điều tra nhưng chưa xác định bà Hương ở đâu nên Cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra đối với bị can này là có căn cứ.
Trong đơn khiếu nại, kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, cựu GĐ trình bày 4 điểm cần được làm rõ, để tránh gây oan sai:
Thứ nhất, Công ty CPĐN ký các HĐ mua, bán xăng dầu với HHT là quan hệ dân sự. Một số thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý của ông và ông Ly đã được Tổng công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo thanh tra làm rõ. Việc "thiếu trách nhiệm" của hai ông đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức "cảnh cáo rồi lại tiếp tục bị xử lý hình sự, là vi phạm nguyên tắc "một hành vi không bị xử lý hai lần".
Thứ hai, cùng một vụ việc nhưng có đến hai vụ án hình sự và dân sự song song. Từ nguyên đơn trong bản án dân sự đang có hiệu lực, hai ông Sơn - Ly trở thành bị can trong vụ án hình sự. Tài liệu chứng cứ thể hiện, sau khi 2 ông bị khởi tố thì bản án dân sự vẫn tiếp tục được thi hành nhưng HĐXX phớt lờ.
Thứ ba, HĐXX sơ thẩm lần 3 xác định 2,853 tỷ đồng là tiền bà Hương "khắc phục hậu quả” trong vụ án hình sự là không đúng. Hồ sơ thể hiện, bà Hương trả số tiền này theo bản án dân sự.
Thứ tư, trong vụ án, bà Hương được cơ quan tố tụng tiếp tục xác định là chủ thể gây ra hậu quả, nên cần phải làm rõ và kết án thì mới có đủ cơ sở kết tội hai bị cáo Sơn - Ly. Thực tế, bà Hương bị khởi tố nhưng chưa bị kết án nên chưa có căn cứ để xác định hậu quả do bà này gây ra cho Công ty CPĐN. Như vậy, cơ sở nào để quy kết tội hai bị cáo?
Suốt gần 7 năm sống trong thân phận bị can, cựu GĐ tin tưởng phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ thể hiện tính thượng tôn pháp luật, làm rõ bản chất của vụ án, từ đó có phán quyết công tâm, giải oan cho hai bị cáo.