KHI HAI CẤP TÒA CÙNG ... "KHUYẾN MÃI" (!)
Tại văn bản 127/2020/ĐN-KN ngày 3-12-2020 và văn bản kiến nghị bổ sung 137/2020/ĐN-KN ngày 29-12-2020, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre Nguyễn Biên Thùy, xác định: Bà Trần Như Phấn (SN 1955, ngụ ấp Phú Hiệp, xã Phú Sơn, H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) và 6 đồng nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn Nguyễn Thị Cẩm Bình (ngụ P. Phú Tân, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) phải trả lại 1/2 quyền sử dụng đất (QSDĐ) thuộc thửa số 126 (nay là thửa 60, tờ bản đồ 13) tọa lạc ấp Phú Hiệp, xã Phú Sơn. Các đồng nguyên đơn còn yêu cầu ông Nguyễn Công Nghĩa (ngụ xã Phú Sơn) trả lại 1/2 QSDĐ thuộc thửa đất số 124 (nay là thửa 44, tờ bản đồ 13) giáp thửa 126.
Các đồng nguyên đơn cho rằng, nguồn gốc thửa đất 124 và 126 của cụ Hàng Hội Ngươn là ông ngoại bà Phấn. Ngày 24-7-1974, cụ Ngươn lập "tờ chúc ngôn tương phân", phân chia đất cho 4 người con, mỗi người một phần đất bằng nhau. Trong đó, phần của cụ Hàng Ứng Mai (mẹ của các đồng nguyên đơn) là 12 công, đã nhận đủ. Ngoài ra, trong tờ tương phân còn để cho cụ Mai được hưởng 7,5 công đất hương hỏa, hiện đang tranh chấp với các bị đơn.
Đưa vụ án ra xét xử ngày 4-11-2019, TAND H.Chợ Lách tuyên bản án số 153/2019/DS-ST (bản án 153), nội dung: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các đồng nguyên đơn. Bà Phấn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Xét xử phúc thẩm ngày 8-6-2020, TAND tỉnh Bến Tre ra bản án số 168/2020/DS-PT (bản án 168), y án sơ thẩm.
Ngày 22-9-2020, bà Phấn làm đơn khiếu nại đề nghị Chánh án TAND tỉnh Bến Tre kiến nghị kháng nghị giám đốc thẩm hủy cả hai bản án nêu trên, với các lý do sau: Thứ nhất, bà Phấn cho rằng cả hai cấp tòa đã đánh giá sai chứng cứ. Thứ hai, trên phần đất tranh chấp có lối đi của 7 hộ gia đình nhưng cả hai cấp tòa đều không xem xét. Thứ ba, trên lối đi này, gia đình bà Phấn có trồng hơn 80 cây lấy gỗ lâu năm, trị giá khoảng 200 triệu đồng nhưng cả hai cấp tòa đều không xem xét. Thứ tư, phía bị đơn chuyển nhượng phần đất đang xảy ra tranh chấp cho người khác là không đúng pháp luật...
Sau khi xem xét đơn khiếu nại của bà Phấn và nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND tỉnh Bến Tre nhận thấy: Hai bản án số 153 và số 168 đều không xác định có các cây lâu năm trên lối đi thuộc phần đất tranh chấp, nên cả hai bản án đều không xem xét giải quyết đối với số cây lâu năm này như bà Phấn trình bày. Biên bản kiểm tra thực địa ngày 9-10-2020 của TAND tỉnh Bến Tre, xác định: Tại phần đất thửa 126, trên lối đi có 32 cây dầu tràm, đường kính cây lớn nhất từ 60 - 70cm, còn lại từ 10 - 50cm; 40 cây mù u, đường kính 40 - 50cm, còn lại từ 10 - 30cm.
Các cây lâu năm trên đã được gia đình bà Phấn trồng từ 30 đến 40 năm trên lối đi. Và gia đình bà Phấn sử dụng ổn định phần đất có lối đi này từ 30 đến 40 năm, không ai tranh chấp.
Chánh án Nguyễn Biên Thùy kết luận: "Cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều không xác định có cây lâu năm trên đất tranh chấp là thiếu sót nghiêm trọng, không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản trên".
Từ các phân tích trên, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre kiến nghị Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM xem xét giám đốc thẩm đối với hai bản án, theo hướng công nhận phần đất có lối đi thuộc thửa 126 là thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Phấn.
Hàng cây lâu năm đã bị cả hai cấp tòa "bỏ quên"
NGUYÊN ĐƠN LÊN TIẾNG
Có mặt tại tòa soạn Báo Công an TPHCM mới đây, bà Phấn bày tỏ phấn khởi: "Gia đình tôi rất cảm kích trước việc Chánh án Nguyễn Biên Thùy ký văn bản kiến nghị Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM kháng giám đốc thẩm, thể hiện quyết tâm chống oan sai, cũng như không dung túng, bao che đối với những vi phạm của những thẩm phán là người "cầm cân nảy mực", nhân danh công lý!".
Tuy nhiên, nguyên đơn vẫn còn bức xúc đối với việc xét xử của 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm vì đã bỏ sót nhiều nội dung cốt lõi trong vụ án và bà mong muốn Chánh án TAND cấp cao khi giải quyết giám đốc thẩm ngoài hàng chục cây lâu năm bị bỏ quên thì cần xem xét những nội dung cốt lõi mà cả 2 cấp tòa giải quyết không khách quan. Cụ thể: Phần đất hương hỏa, trước đây gia đình bà cho ông Phạm Văn Phường thuê 4,5 công (khoảng 4.500m2) thuộc thửa 126; cho bà Trương Thị Ngà thuê 3 công (khoảng 3.000m2) thuộc thửa 124.
Sau khi ông Phường mất, giao thửa đất cho con nuôi là bà Trương Thị Đầm canh tác rồi kê khai để được cấp QSDĐ (sổ đỏ) với 4.450m2. Lạ thay, đất của cụ Mai nhưng bà Đầm mang trả lại cho bà Nguyễn Thị Cẩm Bình. Năm 2010, bất chấp có sự ngăn cản của gia đình bà Phấn, Chủ tịch xã Phú Sơn Huỳnh Thanh Truyền vẫn cho phép bà Đầm chuyển 4.200m2 đất tranh chấp sang tên bà Bình, nhận lại 60 triệu đồng. Bà Bình chuyển thửa đất cho ông Đặng Vũ Thường ngày 31-12-2015.
Liên quan đến thửa đất số 24, bà Ngà cho cháu Nguyễn Thị Tuốc mượn rồi chiếm luôn. Bà Ngà thưa đòi đất trả lại cụ Mai nhưng bà Tuốc không trả mà tự kê khai để được cấp sổ đỏ năm 1999 thuộc thửa 44, tờ bản đồ số 13 xã Phú Sơn với 3.150m2. Bà Tuốc chết, con là Nguyễn Công Nghĩa sử dụng, đến 19-1-2013 thì bán cho vợ chồng bà Phan Thị Thảo nhưng chưa sang tên.
Gia đình bà Phấn khởi kiện, yêu cầu trả lại đất. Do bị đơn có thời gian sử dụng và có công cải tạo đất nên nguyên đơn chỉ yêu cầu trả lại 1/2 diện tích, theo kết quả đo đạc thực tế.
Vụ kiện được TAND H.Chợ Lách thụ lý từ giữa năm 2014 nhưng kéo dài hơn 5 năm mới đưa ra xét xử do thẩm phán Lê Chí Hậu ngồi ghế chủ tọa, tuyên bản án số 153.
Các đồng nguyên đơn kháng cáo chỉ rõ hàng loạt bất thường, lộ rõ oan sai của án sơ thẩm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm TAND tỉnh Bến Tre với ba thẩm phán Huỳnh Ngọc Dũng (chủ tọa), Hồ Thị Thanh Thúy và Nguyễn Thị Ngọc Hương, tuyên bản án số 168, y án sơ thẩm.
Theo HĐXX của hai cấp tòa, phần đất mà nguyên đơn khởi kiện đã được UBND tỉnh Bến Tre giải quyết bằng Quyết định (QĐ) số 89/QĐ-UB ngày 10-1-2000. Còn tờ chúc ngôn tương phân không có chữ ký của cụ Ngươn và các hàng thừa kế nên không chấp nhận, đây là hai điểm mấu chốt để bác đơn kiện.
Trưng bằng chứng, bà Phấn khẳng định: QĐ số 89/QĐ-UB giải quyết khiếu nại đối với phần đất khác, không phải hai thửa đất đang tranh chấp. Còn tờ chúc ngôn thì có chữ ký của cụ Ngươn và các hàng thừa kế, được chính quyền xã Phú Sơn chứng thực.
Nguyên đơn phản ứng: "Không chỉ xử cho thắng kiện, tòa còn công nhận cho hai bị đơn mỗi người được một đoạn "đường ranh" chạy dài theo hai thửa đất, thực tế đây là lối đi công cộng hiện hữu. Tòa "thương" bị đơn, nhưng lại hại 7 hộ dân mất lối đi chung đã có từ hơn 80 năm trước. Tệ hại hơn, dọc theo lối đi chung này, gia đình tôi đã trồng 80 cây lấy gỗ hàng chục năm tuổi, to đùng, ai đi ngang cũng thấy, chỉ có tòa "ngó lơ”, khiến tôi sửng sờ! Chưa hết, trên lối đi còn có mấy chục cây xoài loại 1, bị "phù phép" thành loại 3 để bị đơn đỡ tốn tiền bồi hoàn!...".
Theo bà Phấn, bản án sơ thẩm số 153 và bản án phúc thẩm số 168 lộ rõ dấu hiệu oan sai. Chính vì thế nên bà tiếp tục có đơn đề nghị Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM xem xét toàn diện vụ án, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy hai bản án nêu trên để xét xử lại theo đúng quy định pháp luật...