Vụ "Cụ bà gần 80 tuổi bị buộc trả món nợ 5,56 tỷ đồng cho con nuôi":

Chánh án TAND tỉnh Bến Tre nói gì?

Thứ Bảy, 22/08/2020 11:34

|

(CATP) Mất số tiền lớn vì chủ tọa Phạm Kim Của tuyên bản án lộ rõ dấu hiệu oan sai, cụ Ngô Thị Vấn (SN 1942, ngụ xã Nhơn Thạnh, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đã tố cáo thẩm phán Của "ra bản án trái pháp luật". Qua xem xét, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bến Tre ký văn bản hướng dẫn cụ Vấn gửi đơn đến Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao...

BẤT NGỜ VĂN BẢN CỦA CHÁNH ÁN

Trong văn bản số 247/THA ngày 22-7-2020, Chánh án Nguyễn Biên Thùy xác định: TAND tỉnh Bến Tre đã nhận được hai đơn tố cáo của cụ Ngô Thị Vấn (trong đó có một đơn do Ban Tiếp công dân - Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre chuyển đến), nội dung: Tố cáo thẩm phán TAND tỉnh Bến Tre Phạm Kim Của xét xử và ban hành bản án số 125/2020/DS-PT ngày 9-5-2020 (bản án 125). Cụ Vấn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với thẩm phán Của về tội "ra bản án trái pháp luật"; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, kháng nghị bản án 125.

Chánh án TAND tỉnh Bến Tre cho rằng cụ Vấn không có chứng cứ chứng minh thẩm phán Của tiêu cực để xét xử không khách quan. Căn cứ khoản 6 Điều 313 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bản án 125 có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Nếu không đồng ý với bản án 125 thì cụ Vấn có quyền đề nghị bằng văn bản đến Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao hoặc Chánh án TAND cấp cao tại TPHCM, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TPHCM để xem xét, giải quyết lại bản án đã theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Chánh án Thùy kết luận: TAND tỉnh Bến Tre không thụ lý đơn tố cáo của cụ Vấn. Liên quan đến nội dung tố cáo thẩm phán Của "ra bản án trái pháp luật", ông Thùy cho rằng không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh Bến Tre. Cụ Vấn có thể gửi đơn đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao, để nơi đây xem xét theo thẩm quyền.

Không đồng ý với văn bản trả lời của Chánh án TAND tỉnh Bến Tre, cụ Vấn gửi đơn kêu cứu. Cụ bà nói trong nước mắt: "Văn bản trả lời Chánh án Nguyễn Biên Thùy khiến tôi càng thêm thất vọng. Bản án 125 gây nỗi oan thấu trời nên tôi mới tố cáo. Là người đứng đầu TAND tỉnh Bến Tre, ông Thùy cũng nên quan tâm xem xét việc tố cáo của dân đối với cấp dưới của mình để có hướng xử lý.

Nếu có bằng chứng tiêu cực của thẩm phán Của thì tôi đã có cách hành xử khác và sự vụ sẽ không như thế này. Ngoài tiêu cực, còn rất nhiều yếu tố dẫn đến tuyên bản án không khách quan, trái pháp luật, gây oan sai".

Cụ Ngô Thị Vấn trình bày nỗi oan trong nước mắt

Không chỉ TAND tỉnh Bến Tre, cụ Vấn đã gửi đơn khiếu tố, kêu cứu khắp nơi từ địa phương đến tận Hà Nội. Đồng thời, cụ bà cũng có đơn đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cho tạm dừng thi hành án, tránh gây thêm hậu quả khó khắc phục.

CHỒNG CHẤT NỖI ĐAU

Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM ngày 19-8-2020, đại diện cụ bà Vấn trình bày: Nỗi oan của cụ và chồng (là cụ Trần Huy Hưng) đã được dư luận, trong đó có Báo CATP đã lên tiếng chỉ rõ. Theo đó, Trần Huy Thịnh (SN 1990) lâm cảnh nợ nần, bày mưu lừa gạt vợ chồng cụ Vấn ký giấy ủy quyền, sau đó mang bán khu đất hương hỏa 8.655m2 ở ấp 2B, xã Nhơn Thạnh bán cho ông Phạm Văn Trèn để cấn trừ nợ. Đau, tức vì đứa con nuôi "bán trời không văn tự", cụ Hưng lâm bệnh, qua đời tháng 10-2019.

Với tài liệu chứng cứ đã thu thập và thẩm vấn công khai tại phiên tòa ngày 26-11-2019, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm TAND TP. Bến Tre xác định: Ông Thịnh nhiều lần vay tiền ông Trèn không liên quan đến vợ chồng cụ Vấn. Ông Thịnh đã lừa dối vợ chồng cụ Vấn để ký Hợp đồng chuyển nhượng (HĐCN) đất với ông Trèn ngày 9-10-2018. HĐCN đất là giao dịch giả tạo nhằm che giấu cho giao dịch vay tiền nên vô hiệu. Từ nhận định trên, HĐXX tuyên hủy HĐCN đất. Quan hệ vay mượn giữa hai ông Thịnh - Trèn sẽ được xem xét, giải quyết bằng một vụ án khác, khi có yêu cầu.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9-5-2020, đại diện VKSND tỉnh Bến Tre đề nghị HĐXX y án sơ thẩm. HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Bến Tre tái khẳng định HĐCN đất bị vô hiệu, buộc các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Chủ tọa Của quy kết ông Thịnh ký HĐCN đất nhận 5,56 tỷ đồng trên cơ sở "ủy quyền" của vợ chồng cụ Vấn, nên cụ Vấn bị "liên đới".

Từ đó, HĐXX tuyên bản án 125, buộc cụ Vấn và ông Thịnh phải "liên đới" trả cho ông Trèn 5,56 tỷ đồng; nộp án phí 113,56 triệu đồng, cụ Vấn chịu 50% án phí được miễn do tuổi cao nhưng phải "liên đới" với ông Thịnh 50% còn lại là 56,78 triệu đồng.

HĐXX phúc thẩm buộc các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là đúng. Thịnh vay mượn tiền của ông Trèn thì có trách nhiệm hoàn trả. Vợ chồng cụ Vấn không hề biết việc vay tiền cũng như HĐCN đất, cũng không nhận đồng nào của ông Trèn và ông Thịnh, cớ sao lại bị buộc "liên đới"?

Nhóm 5 luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho cụ Vấn có đồng quan điểm: Ông Trèn là bị đơn đề nghị tòa công nhận HĐCN đất. Bị đơn không có đơn phản tố, yêu cầu nguyên đơn trả tiền nên cũng không nộp án phí. Tòa phúc thẩm đã xét xử ngoài phạm vi thụ lý, tuyên cho bị đơn được nhận tiền là trái quy định pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, lộ rõ oan sai. Do đó, khiếu nại của cụ Vấn là có căn cứ, việc giám đốc thẩm đối với bản án số 125 là cần thiết.

Phóng viên Báo Công an TPHCM đã đến trụ sở Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Bến Tre gặp Chi cục trưởng Nguyễn Phú Đức để trao đổi việc thi hành bản án số 125, trong đó số tiền mà cụ Vấn phải "liên đới" trả cho bị đơn là bao nhiêu?

Sau khi xin ý kiến của lãnh đạo Cục THADS tỉnh Bến Tre, ngày 20-7-2020, Chi cục trưởng Đức ký văn bản gửi Báo CATP, nội dung: Căn cứ Điều 11 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 10-8-2016, thì nghĩa vụ "liên đới" được quy định và hiểu như sau: "Trường hợp bản án, quyết định của tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới nhưng không xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan THADS có quyền yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới.

Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự".

Ngày 28-7-2020, Chi cục THADS TP. Bến Tre ra quyết định cưỡng chế kê biên khu đất 8.655m2 và tài sản cây trồng trên đất để thi hành án.

Cụ Vấn kêu trời: "Như vậy, tôi phải bán mảnh đất hương hỏa để trả hết món nợ của Thịnh vay. Cuối cùng, vợ chồng tôi cũng mất trắng khu đất. Thời gian qua, tôi liên tục gửi đơn, đồng thời trực tiếp đến trụ sở một số cơ quan, trong đó có Ban Nội chính Tỉnh ủy Bến Tre, Ban Pháp chế HĐND tỉnh... để kêu cứu. Là gia đình có công cách mạng, cha mẹ đều tham gia kháng chiến, em ruột là liệt sĩ hy sinh thời chống Mỹ, tôi mong chờ oan án này sẽ được giải để người dân luôn tin tưởng vào nền pháp chế nước nhà...".

Tiếp nhận đơn của cụ Vấn khiếu nại bản án số 125 do Vụ Giám đốc thẩm, kiểm tra I chuyển đến, Văn phòng TAND tối cao đã báo cáo Chánh án TAND tối cao. Đồng thời ngày 11-8-2020, Phó chánh Văn phòng TAND tối cao Trần Mạnh Hùng ký văn bản số 572/TANDTC-VP gửi TAND cấp cao tại TPHCM, để xem xét và giải quyết đơn khiếu nại của cụ Vấn theo quy định của pháp luật...

Cụ bà U80 bị buộc trả món nợ 5,56 tỷ đồng cho con nuôi
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang