Phúc thẩm lần hai vụ luật sư chiếm đoạt tiền tỷ ở Đồng Tháp:

Chủ tọa khước từ xem xét chứng cứ mới

Thứ Hai, 04/01/2021 11:55

|

(CATP) Sau hai ngày nghị án, sáng 31-12-2020, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND cấp cao tại TPHCM tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Phạm Thị Ái Liên (SN 1976, ngụ P2, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) 24 năm tù về 2 tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (CĐTS) và "lạm dụng tín nhiệm CĐTS" (mỗi tội 12 năm tù). Trước khi HĐXX tuyên án, bị cáo Liên xin được trình bày vì có chứng cứ mới, nhưng chủ tọa phiên tòa khước từ xem xét.

MỨC ÁN GIỮ NGUYÊN QUA 2 LẦN SƠ THẨM (!)

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 1 ngày 13-6-2016, TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt Liên 12 năm tù về tội "lừa đảo CĐTS" và 12 năm tù về tội "lạm dụng tín nhiệm CĐTS"; tổng hợp hình phạt là 24 năm tù.

Án sơ thẩm cáo buộc Liên dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt 2,605 tỷ đồng của 3 bị hại; trong đó hành vi chiếm đoạt 500 triệu đồng của bà Loan chưa hoàn thành.

Theo dõi vụ án, luật sư Hà Văn Thượng (nguyên thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM) nêu quan điểm: Bản án mới tuyên mâu thuẫn với bản án số 649/2018/HS-PT của chính TAND cấp cao đã tuyên trước đó. Chưa nói có oan sai hay không, chỉ riêng phần lượng hình đã có "vấn đề”. Bản án sơ thẩm lần 1 khi kết tội Liên "lừa đảo" với mức án 12 năm tù, trong đó có 500 triệu đồng của bà Dương Thị Loan, tòa đã quy kết bị cáo chiếm đoạt. Bản án sơ thẩm lần 2 đã loại bỏ số tiền này nhưng vẫn tuyên phạt bị cáo Liên 12 năm tù. Lẽ ra phải xem xét toàn diện vụ án nhưng HĐXX phúc thẩm lại bỏ qua tình tiết quan trọng này dẫn đến bức xúc của bị cáo...

Về hành vi "lạm dụng", án sơ thẩm quy kết: Liên quen biết bà Trần Thị Kim Hương (SN 1963, ngụ P2, TP.Cao Lãnh) qua nhiều lần bà này thuê Liên làm luật sư bảo vệ quyền lợi các vụ kiện dân sự. Năm 2011, Liên nhiều lần vay tiền của bà Hương, để cho người khác vay lại đáo nợ ngân hàng, lãi suất 3%/tháng. Khi vay Liên viết biên nhận, trả vốn và lãi đúng hạn. Từ ngày 25-12-2012 đến ngày 8-4-2013, bà Hương cho Liên vay 5 lần với 2,66 tỷ đồng.

Án sơ thẩm cáo buộc Liên lợi dụng mối quan hệ quen biết với bà Hương để vay tiền. Đến khi mất khả năng trả nợ, bị tố cáo, Liên dùng thủ đoạn gian dối nhờ bà Hương ký giấy xác nhận để đối phó với cơ quan điều tra, rồi không thừa nhận nợ 2,66 tỷ đồng vay trước đó.

Ngoài ra, lợi dụng "mác" luật sư, Liên dùng thủ đoạn gian dối, ký "hợp đồng ủy quyền" để chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Phương Nga 71,5 triệu đồng.

Bản án này bị TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy. Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Đồng Tháp với HĐXX do thẩm phán Nguyễn Tuấn Anh làm chủ toạ, giữ nguyên mức án 24 năm tù cho bị cáo Liên.

HAI BẢN ÁN CẤP CAO "ĐÁ NHAU"

Xuyên suốt vụ án, cựu luật sư này một mực kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm lần 1, ngày 21-11-2018, TAND cấp cao tại TPHCM với HĐXX gồm 3 thẩm phán Phan Văn Yên (chủ tọa), Lê Thành Văn và Hoàng Thanh Dũng, nhận định:

Bị cáo Liên có được tài sản (tiền) thông qua hợp đồng vay tiền của hai bị hại Phong và Tiếng với lãi suất do các bên tự thỏa thuận. Bị cáo đã trả lãi cho bị hại Phong là 95 triệu đồng, cho bị hại Tiếng là 6 triệu. Điều này thể hiện bị cáo đã nhận tài sản hợp pháp nhưng mất khả năng chi trả nên mới nảy sinh ý định chiếm đoạt. Mặc dù bị cáo có nói dối vay tiền đáo hạn ngân hàng nhưng thực chất là để trả nợ cho người khác nhưng mục đích vay tiền trong vụ án này không phải là yếu tố định tội. Cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo phạm tội "lừa đảo CĐTS" là chưa đúng mà phải xác định bị cáo phạm tội "lạm dụng tín nhiệm CĐTS" mới đúng.

Đối với hành vi chiếm đoạt của bị hại Loan: Bị cáo giả chữ ký của bà Loan trong hợp đồng ủy quyền thì đã bị phát hiện nên chưa nhận được số tiền, do đó chưa cấu thành tội "lừa đảo CĐTS". Cấp sơ thẩm xác định Liên phạm tội "lừa đảo" là chưa có căn cứ.

Bị cáo Phạm Thị Ái Liên và các luật sư bào chữa tại phiên tòa ngày 29-12-2020

Đối với việc vay tiền của bị hại Hương: Theo giấy xác nhận ngày 4-6-2013 thể hiện Liên đã trả xong số tiền này và còn hùn vốn với bà Hương 2,2 tỷ đồng. Bà Hương cho rằng, chữ ký trong giấy xác nhận của bà nhưng nội dung là giả nhằm giúp Liên đối phó với cơ quan điều tra. Còn bị cáo cho rằng giấy xác nhận là thật. Lời khai của 2 bên mâu thuẫn chưa được làm rõ, cấp sơ thẩm quy kết bị cáo chiếm đoạt 2,66 tỷ là chưa có căn cứ vững chắc. Đây là quan hệ dân sự, nếu các bên có tranh chấp thì sẽ được xem xét, giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

HĐXX khẳng định: Tóm lại, trong vụ án này, hành vi của bị cáo Liên đã phạm vào tội "lạm dụng tín nhiệm CĐTS". Cấp sơ thẩm xét xử Liên về tội "lừa đảo CĐTS" và "lạm dụng tín nhiệm CĐTS" là không đúng tội danh của bị cáo.

Từ nhận định trên, HĐXX phúc thẩm tuyên bản án số 649/2018/HS-PT, hủy bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp để điều tra, xét xử lại sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần 2, ngày 29-12-2020, trong phần thẩm vấn, HĐXX phúc thẩm đặt ra 2 câu hỏi đối với bị hại Phong: Thứ nhất, bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối nào để chiếm đoạt tiền của bị hại? Thứ hai, chính bị hại viết giấy, nội dung: "Tôi đồng ý cho Ái Liên đến ngày 30-6-2013 trả số tiền gốc cho tôi", tại sao ngày 20-6-2013 còn trong hạn trả nợ, bị hại đã viết đơn tố cáo Liên đến cơ quan điều tra? Ông Phong "ú ớ" trước hai câu hỏi này.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề trong quá trình tranh tụng lộ ra sơ hở, mâu thuẫn, nhất là lời khai của bị hại Phong liên quan đến hợp đồng tín dụng 2,5 tỷ đồng (do Liên đưa để lấy lòng tin). Ông Phong khai lúc có hợp đồng tín dụng bản chính, lúc bản photo nhưng chưa bao giờ xuất trình để làm bằng chứng.

Đại diện VKSND tối cao đề nghị giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo Liên. Các luật sư bào chữa cho Liên đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.

Sau hai ngày nghị án kéo dài, sáng 31-12-2020, HĐXX phúc thẩm gồm 3 thẩm phán Trần Thị Thu Thủy (chủ tọa), Hoàng Minh Thịnh và Trần Xuân Minh, tuyên bác kháng cáo, y án 24 năm tù đối với bị cáo Liên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang