NGÔI TRƯỜNG CỔ NHẤT
Trường THPT Châu Văn Liêm được xem là ngôi trường cổ nhất TP.Cần Thơ. Trước đó, trường có tên Collège de Can Tho, do người Pháp xây dựng. Năm 1917, trường được xây dựng đổi tên là Trung học Phan Thanh Giản với khuôn viên rộng 1,7ha, xây dựng ban đầu gồm 3 dãy nhà ngang (mỗi dãy cao 2 tầng, dài khoảng 75m, rộng 12m), một dãy hành lang có mái che nối các dãy nhà ngang với nhau và một nhà 2 tầng (dài 24m, rộng 9m), giữa các dãy nhà là sân rộng. Ngôi trường này với kiến trúc diện mạo cổ, kết cấu tường chịu lực, mái ngói, sàn bằng gạch hỗn hợp, cửa sổ lá sách đẹp. Sau này xây thêm dãy nhà dọc, trường THPT Châu Văn Liêm có 43 lớp học, đạt chuẩn quốc gia bậc THPT đầu tiên của Cần Thơ và được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Năm 2015, trường xuống cấp. Lúc bấy giờ, Công ty Arep (Pháp) tư vấn đề xuất phương án trùng tu trường Châu Văn Liêm. Ban đầu, lãnh đạo TP.Cần Thơ đã giao cho công ty trên lập dự án, thiết kế mỹ thuật. Phía Công ty Arep tiến hành khảo sát, đánh giá ngôi trường. Công ty đề xuất mời đơn vị kiểm định độc lập kiểm tra độ an toàn của công trình. Từ đó, thành phố có kết luận trùng tu hay xây mới. Điều lạ là TP.Cần Thơ không trùng tu và không gặp đối tác mà tiến hành hội thảo. Tại các buổi hội thảo, Ban quản lý dự án 2 TP.Cần Thơ đã trình bày 4 phương án đối với trường Châu Văn Liêm để lấy ý kiến các đại biểu. Theo đó, các phương án của ban này đều cải tạo, xây mới các hạng mục của ngôi trường có tổng vốn đầu tư từ 94 đến 133 tỷ đồng.
Phần lớn gỗ sử dụng tại trường không đúng như hợp đồng
Sau nhiều cuộc hội thảo, UBND TP.Cần Thơ quyết định giữ lại một dãy nhà ngang và ngôi nhà hai tầng làm văn phòng Ban giám hiệu để trùng tu, còn lại đập bỏ xây mới. Ngày 30-11-2017, UBND TP.Cần Thơ ký Quyết định phê duyệt quy mô đầu tư ngôi trường với giá trị dự toán xây dựng công trình gần 97 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 75,8 tỷ đồng, chi phí thiết bị gần 5,9 tỷ đồng, còn lại chi phí khác. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng 2 của TP.Cần Thơ, thầu xây dựng là Công ty Cổ phần Xây dựng Trần Gia, thầu cung cấp bàn ghế là Công ty TNHH sản xuất TMDV DAIZH. UBND TP.Cần Thơ ra quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công xây lắp. Theo đó, liên danh Công ty TNHH Xây dựng thương mại Vạn Thịnh Phát và Công ty CP Xây dựng Trần Gia đã trúng thầu với giá đề nghị là 75,8 tỷ đồng.
SAI TỪ A ĐẾN Z
Khi bắt tay vào xây dựng công trình đã có sai phạm. Theo báo cáo kiểm toán, trường THPT Châu Văn Liêm là công trình kiến trúc Pháp đã 100 năm tuổi hiếm hoi còn sót lại ở miền Tây. Do đó, các vật liệu như gạch đinh, gạch gốm trang trí, cửa gỗ tốt... chưa được xem xét đúng mức khi định giá. Về thanh lý các vật liệu, cấu kiện, thiết bị, tài sản của trường, chủ đầu tư đã định giá các vật liệu, cấu kiện theo giá phế liệu là chưa phù hợp dẫn đến kinh tế chưa được đảm bảo. Cụ thể, các vật liệu như gạch đinh còn tốt được bán với giá 1.300 đồng/viên; cửa gỗ bán với giá 50.000 đồng/m2. Các loại cầu thang gang, sắt có các họa tiết, hoa văn bán giá phế liệu là 6.500 đồng/kg là chưa đúng...
Ngày 26-12-2019, công trình được nghiệm thu đưa vào sử dụng và hiện còn trong thời hạn bảo hành. Qua một năm sử dụng, công trình trăm tỷ đồng xuống cấp thê thảm, một số thanh gỗ đã bị rớt. Để an toàn cho học sinh, từ ngày 2-4-2019 đến 7-8-2020, trường đã có 16 văn bản gửi Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng 2 đề nghị xử lý các sai sót trong quá trình thi công nhưng không nhận được trả lời. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khu vực V, gỗ sử dụng ở trường THPT Châu Văn Liêm có giá trị 10.382.012.387 đồng, gồm phần dùng trong xây lắp là các cấu kiện như cửa, vì kèo, xà, li-to (rui, mè), tay vịn cầu thang trị giá 8.311.268.387 đồng và 2.285 chiếc bàn ghế học sinh, giáo viên, bàn vi tính trị giá 2.070.744.000 đồng.
Kết quả kiểm tra, phần lớn gỗ không đạt chất lượng. Cửa gỗ bị mối ăn hơn 80%, thiết kế gỗ căm xe (nhóm II) nhưng kiểm định khung bao cửa là gỗ thao lao (nhóm III), khung bảo vệ méo mó. Các lá sách cửa bị nứt, vỡ, không bào và số lá sách ít hơn thiết kế nên thưa. Cánh cửa không tạo rãnh âm dương mà lắp thêm thanh nẹp che giữa hai cánh, các thanh này không chắc, bị bong nhiều nên cửa xộc xệch.
Trường Châu Văn Liêm trước khi trùng tu, xây mới
Tại khu hiệu bộ nhà trường, ngoài cửa bị mối ăn nát rơi xuống, kiểm tra phát hiện thêm 2 cửa khác cũng bị mối ăn. Qua giám định phát hiện gỗ xấu hơn ở phòng học thuộc khối A của trường. Ở đây, phần gỗ li-tô (rui và mè) để lợp ngói, thiết kế gỗ nhóm II nhưng nhà thầu sử dụng gỗ nhóm V. Các thanh gỗ bị nứt, yếu khiến mái ngói võng xuống, lượn sóng có nguy cơ gây dột. Đặc biệt xấu là gỗ làm bàn ghế học sinh, giáo viên là 2.285 cái được thiết kế là gỗ nhóm III nhưng thực tế sử dụng gỗ nhóm VII và VIII. Đây là những loại gỗ có tên Bạch Dương và Gáo Trắng, mềm nhanh hư hỏng, dễ gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên.
Ở phần xây lắp, kiểm tra chọn mẫu tại công trình, thuê đơn vị tư vấn giám định 8 mẫu gỗ, có 7/8 mẫu không đạt theo thiết kế được duyệt và hợp đồng đã ký. Ngay cả đá granit cầu thang, máng xối tôn... không đúng kích thước, chủng loại theo như hợp đồng đã ký. Phần bàn ghế kiểm tra chọn 4 mẫu để giám định, đều không đạt thiết kế được duyệt và hợp đồng đã ký. Kiểm toán tính toán lại mức độ an toàn của công trình để có biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng và kết luận, không công nhận giá trị gỗ đã thi công, yêu cầu nhà thầu phải làm lại. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu cao hơn khối lượng thực hiện gần 850 triệu đồng.
Cánh cửa bị mối mọt "ăn" không đảm bảo chất lượng
Từ những vi phạm được phát hiện, Kiểm toán Nhà nước khu vực V kiến nghị UBND TP.Cần Thơ xem xét, xử phạt Công ty CP Tư vấn xây dựng Nam Hưng (đơn vị tư vấn, giám sát) vì để xảy ra vi phạm trong giám sát và nghiệm thu. Kiểm toán cũng yêu cầu UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo kiểm tra tất cả thiết bị, cấu kiện bằng gỗ tại trường THPT Châu Văn Liêm để phát hiện các sai phạm về loại gỗ không đạt theo thiết kế, chỉ đạo kiểm tra việc thanh lý vật liệu tháo dỡ, thu hồi từ cơ sở trường cũ với giá trị thu hồi thấp. Đồng thời, Kiểm toán cũng đề nghị xem xét xử lý trách nhiệm của Ban quản lý dự án 2 vì để xảy ra các sai sót về chất lượng không đạt theo thiết kế, hợp đồng đã ký. Song song đó, xem xét trách nhiệm của Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng TP.Cần Thơ đối với những nội dung còn tồn tại, sai sót qua kiểm tra hiện trường nhưng vẫn chấp nhận nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ngày 24-12, UBND TP.Cần Thơ đã có công văn yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 2 (gọi tắt Ban Quản lý dự án) khẩn trương tổ chức thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại dự án xây dựng công trình Trường THPT Châu Văn Liêm. Công văn yêu cầu Ban Quản lý dự án kiểm tra đối với tất cả các thiết bị, cấu kiện bằng gỗ tại trường THPT Châu Văn Liêm để phát hiện các sai phạm về loại gỗ không đạt theo hồ sơ thiết kế duyệt và hợp đồng kinh tế đã ký như kết quả kiểm toán đã phát hiện, tính toán lại mức độ an toàn của công trình và khắc phục hậu quả việc không thực hiện đúng.
Đặc biệt, UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo kiểm tra việc thanh lý vật liệu tháo dỡ, thu hồi từ cơ sở cũ trường THPT Châu Văn Liêm. Vì đây là vật liệu của công trình cổ nhưng lại thanh lý theo phế liệu là không hợp lý... Ban Quản lý dự án tổ chức khắc phục ngay các đề nghị mà lãnh đạo trường THPT Châu Văn Liêm đã kiến nghị trong 16 văn bản. Đồng thời, khắc phục các sai sót về chất lượng thi công mà qua kiểm toán đã có nhận xét đánh giá. Ban Quản lý dự án phải báo cáo chi tiết việc để xảy ra các sai sót về chất lượng li tô gỗ, thiết bị bàn ghế chất lượng không đạt theo thiết kế, hợp đồng đã ký để UBND TP xem xét, xử lý trách nhiệm.