Chiến dịch tẩy chay đồ nhựa bảo vệ môi trường nhìn từ Trung Quốc

Thứ Tư, 23/12/2020 21:41

|

(CAO) Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra quyết tâm khiến đất nước trở nên sạch hơn bằng cách giảm thiểu rác thải nhựa vào năm 2021. Chiến dịch này đang được thúc đẩy từ trung ương đến địa phương với việc chính quyền nhiều địa phương tham gia tẩy chay đồ nhựa để bảo vệ môi trường.

Hôm 23-12, tờ South China Morning Post đưa tin chính quyền thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, một thành phố có 16,3 triệu dân cho biết họ sẽ cấm sử dụng ống hút nhựa trong các nhà hàng, quán cà phê và quán trà. Chính quyền nơi đây cũng đã kêu gọi các siêu thị và cửa hàng ngừng sử dụng túi nhựa không phân hủy từ năm tới.

Trong khi đó tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, các lệnh tương tự đã được ban hành, với bộ đồ ăn bằng nhựa dùng một lần - bao gồm cả hộp đựng và đồ dùng được thêm vào danh sách các mặt hàng bị cấm.

Hàng chục thành phố khác của Trung Quốc trước đó đã lựa chọn phương pháp tiếp cận bỏ dùng đồ nhựa theo từng giai đoạn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa khổng lồ của đất nước. Các biện pháp bao gồm thúc đẩy tái chế và sử dụng bao bì “xanh” (làm từ vật liệu có thể phân huỷ như giấy), cũng như đặt mục tiêu giảm khối lượng rác thải nhựa được đưa đến các bãi rác.

Đầu năm nay, trước sự bùng phát của dịch Covid-19, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã kêu gọi thực hiện chương trình “phục hồi xanh” đối với nền kinh tế.

Trung Quốc là một trong những nước thải ra lượng rác lớn nhất Thế giới. Năm 2019, nước này đã thải ra 81,8 triệu tấn chất thải nhựa, tăng gần 4% so với năm 2018, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia. Tuy nhiên, theo tạp chí Forbes, Mỹ là nước thải ra lượng rác thải trên đầu người nhiều hơn Trung Quốc.

Trung Quốc là một trong những nước thải ra lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên Thế giới - Ảnh: AFP

Đầu năm nay, thành phố lớn nhất của Trung Quốc là Thượng Hải đã cấm sử dụng túi nhựa không phân hủy sinh học để đóng gói thực phẩm và dùng trong dịch vụ giao hàng. Lệnh cấm được mở rộng đến các trung tâm mua sắm, siêu thị, hiệu thuốc và phòng triển lãm.

Thương mại điện tử bùng nổ làm tăng lượng rác thải nhựa

Các doanh nghiệp thương mại điện tử và dịch vụ giao đồ ăn phát triển nhanh chóng một phần được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng khối lượng rác thải nhựa của Trung Quốc.

Tờ China Youth Daily đưa tin ngành thương mại điện tử tạo ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong khi việc giao thực phẩm cho cư dân thành thị tạo ra 350 tấn rác thải nhựa khổng lồ mỗi ngày, theo trang tin The Paper của Trung Quốc.

Ngành công nghiệp trà sữa đang bùng nổ - cùng với việc bán trà sữa và nước giải khát - trên khắp Trung Quốc đã góp phần làm tăng sản lượng ống hút nhựa trong năm 2019 lên 30.000 tấn - tương đương 46 tỷ ống hút.

Liu Jianguo, một giáo sư từ Trường Môi trường của Đại học Thanh Hoa, tin rằng việc cấm sử dụng ống hút nhựa là một bước đi tốt đầu tiên.

Ông nói: “Đây là cơ hội tốt để bắt đầu triển khai chiến dịch hạn chế chất dẻo. Chúng ta đang gửi một thông điệp rõ ràng đến người tiêu dùng và công chúng rằng phải cắt giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm nhựa, điều này sẽ giúp xây dựng một lối sống thân thiện hơn với môi trường”.

Người phát ngôn của McDonald’s Trung Quốc cho biết lệnh cấm này sẽ giúp giảm 400 tấn nhựa mỗi năm phát sinh từ 3.500 chi nhánh của thương hiệu thức ăn nhanh này ở Trung Quốc.

Rác thải nhựa ở một trung tâm xử lý rác thải ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, theo Molly Zhongnan Jia, nhà nghiên cứu về nhựa ở khu vực Đông Á của Tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace East Asia), quyết định chuyển sang dùng nhựa phân hủy sinh học của chính phủ sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng ô nhiễm rác thải nhựa của Trung Quốc.

Jia cho biết việc tăng cường sản xuất nhựa phân hủy sinh học chỉ là “chuyển từ loại nhựa này sang loại nhựa khác”.

Nhựa phân hủy sinh học mất khoảng sáu tháng để phân huỷ trong môi trường được kiểm soát hoàn hảo với nhiệt độ cao tới 49 độ C và độ ẩm được quản lý cẩn thận - để phân hủy. Tuy nhiên, Trung Quốc là nơi có ít cơ sở như vậy để phục vụ cho tiến trình này, bà nói.

Jia cho biết: “Nhiều loại nhựa để có thể phân hủy sinh học đòi hỏi các điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cụ thể để phân hủy, vốn không có trong tự nhiên. Trong trường hợp không có các cơ sở làm phân hữu cơ được kiểm soát, hầu hết các loại nhựa có thể phân hủy sinh học sẽ nằm trong các bãi chôn lấp, hoặc tệ hơn là ở các con sông và đại dương”.

Cuộc chiến giảm thiểu rác thải nhựa của Trung Quốc đã có từ lâu. Năm 2008, Bắc Kinh đã cấm các nhà bán lẻ - chẳng hạn như các cửa hàng và siêu thị - phát túi nhựa miễn phí cho người mua hàng.

Chai nhựa ở một bãi rác ngoại ô Bắc Kinh - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, không phải ai cũng háo hức đón nhận những lựa chọn thay thế bằng loại nhựa khác hay giải pháp thay thế khác thân thiện với môi trường hơn.

"Tôi ủng hộ sáng kiến ​​về môi trường, nhưng thành thật mà nói, ống hút giấy không tiện lợi chút nào", một người viết trên Weibo, một mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc. "Nó sẽ mềm và sẽ tan chảy sau khi cắm ở trong đồ uống một thời gian dài" – cư dân mạng này phàn nàn.

“Sau khi Starbucks bắt đầu sử dụng ống hút giấy, tôi đã không đặt hàng sản phẩm đặc trưng của thương hiệu này là Frappuccino nữa” - một người dùng khác viết.

Bởi thế để thay đổi được ý thức của cộng đồng, vẫn còn đó cả một hành trình gian nan. 

Chuỗi cà phê  Starbucks ở Trung Quốc chuyển từ ống hút nhựa sang ống hút giấy - Ảnh: Getty

Bình luận (0)

Lên đầu trang