Mỏi mòn với hành trình đi tìm công lý

Thứ Hai, 28/12/2020 15:13

|

(CATP) Chúng tôi đã từng theo dõi vụ kiện này cách đây nhiều năm trước. Thời gian ấy, nguyên đơn đã trải qua 2 phiên xét xử và cơ bản đều "thắng kiện". Nhưng sau đó vì một số rắc rối phát sinh nên họ phải đối mặt với bao gian nan. Để rồi sau nhiều phiên xét xử, bản án mới nhất lại bị bẻ ngược gần như "100%".

MỘT THẬP NIÊN CHƯA XONG VỤ KIỆN

Một vụ kiện kéo dài hơn 10 năm. Đồng nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp thừa kế tài sản là hai cụ bà Đỗ Thị Điểm (SN 1945, ngụ Tây Ninh) và bà Đỗ Thị Cúc (SN 1955, trú Kon Tum). Bị đơn không ai khác chính là gia đình anh trai (đã mất), đại diện là ông Đỗ Quang Vinh, Đỗ Quang Tường (cháu ruột). Phần tài sản trong vụ kiện chính là mảnh đất gần 8.000m2 tại ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh.

Sau phiên sơ thẩm phía bị đơn kháng cáo, phiên phúc thẩm được đưa ra xét xử vào năm 2011. Với những hồ sơ, chứng cứ rõ ràng, TAND tỉnh Tây Ninh xác định đây là phần đất thuộc di sản thừa kế do cha mẹ để lại nên đã tuyên: buộc phía bị đơn trả lại cho bà Điểm, bà Cúc 2.697m2 đất. Chưa kịp vui mừng, họ lại đối mặt biết bao phiền toái khi trên phần đất giao cho hai chị em lại vướng phải nhiều cây trồng thuộc quyền sở hữu của phía bị đơn. 2 năm sau đó, cơ quan chức năng trên địa bàn cũng đành "bó tay" nên đã gởi công văn lên TAND tối cao và Viện KSND tối cao kiến nghị giám đốc thẩm bản án nói trên.

Hơn 8 tháng sau, TAND tối cao có công văn kháng nghị Giám đốc thẩm bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh, cho rằng: Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định căn nhà, đất tranh chấp là di sản của cha mẹ nguyên đơn là có cơ sở. Tuy nhiên, trong các bản án vẫn có một số điểm chưa được làm rõ nên TAND tối cao quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh; đề nghị tòa dân sự TAND tối cao hủy các bản án, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Tây Ninh xét xử sơ thẩm lại.

Chị em bà Điểm mỏi mòn theo đuổi vụ kiện trong suốt hơn 10 năm ròng

Mệt mỏi cứ thế chất chồng. Theo chị Thái Minh Nguyệt (người được phía nguyên đơn ủy quyền), thật sự cũng rất "trần ai" trước mỗi phiên xét xử chính thức diễn ra. Bên bị đơn và những người có liên quan trong vụ kiện khá đông nên ở bất kỳ phiên tòa nào, khi được mời lên hòa giải, bên đó đều liên tục báo vắng người chỉ để hoãn lại nhằm mục đích gây khó dễ và kéo dài thời gian. Cuối cùng, sau bao phen lận đận với các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm rồi kháng cáo, TAND tỉnh Tây Ninh lại mở phiên xét xử sơ thẩm vào tháng 6-2019.

Kết thúc, Tòa tuyên: phía nguyên đơn (gồm 2 chị em) mỗi người được giao 1.762m2 cùng một số tài sản trên đất gồm nhà và cây trồng các loại. Một lần nữa bên bị đơn tiếp tục kháng cáo vì không chấp nhận bị "chia đất". Tháng 11-2019, phiên phúc thẩm về vụ án dân sự "Tranh chấp đất thừa kế tài sản" đã diễn ra. TAND tỉnh đã tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện tranh chấp thừa kế tài sản của bà Điểm và bà Cúc.

Ghi nhận từ bên bị đơn, đồng ý giao cho mỗi người được quyền sử dụng phần đất có diện tích 300m2 trong tổng số diện tích đất nằm trong phần tranh chấp. Cầm bản án trên tay, hai chị em bà Điểm chết lặng. Lẽ nào, sau hơn 10 năm đi đòi công lý, đổ biết bao mồ hôi, công sức, kiệt quệ về tinh thần lẫn vật chất, họ chỉ nhận lại một sự "bố thí” từ đám cháu trên mảnh đất mà cha mẹ họ đã gầy dựng.

KHI CÁC CƠ QUAN TỐ TỤNG BẤT ĐỒNG QUAN ĐIỂM

Sau 3 phiên tòa sơ thẩm, 2 phiên phúc thẩm và 1 kháng nghị của TAND tối cao, bản án phúc thẩm này chính là sự phủ nhận hoàn toàn vô số hồ sơ, chứng cứ, ý kiến cũng như xác nhận của nhiều người sinh sống tại địa phương khi xác định về nguồn gốc phần đất; đồng thời cũng "trái ngược" với các nhận định của những lần tuyên án trước.

Đặc biệt tại phiên tòa, HĐXX còn bỏ qua kiến nghị của VKSND tỉnh Tây Ninh khi cơ quan này đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo; giữ nguyên bản án sơ thẩm. Sự bất đồng quan điểm này cho thấy phiên tòa còn nhiều khuất tất cần phải làm rõ. Quá đau lòng, hai chị em bà Điểm lại tiếp tục làm đơn kháng nghị Bản án phúc thẩm.

Sau phiên phúc thẩm, bên bị đơn đã chặt cây trồng để bán đất

Để nói về chi tiết vụ án này thì thật sự rất dài nhưng để dễ hiểu nhất đó là tranh chấp về thừa kế. Mảnh đất ấy có nguồn gốc từ ông bà, cha mẹ để lại đã được nguyên đơn chứng minh rất đầy đủ và tại các phiên tòa, HĐXX đều khẳng định là có cơ sở. Nhưng phiên phúc thẩm lần này lại một mực xác định đất đó là tài sản riêng gia đình người anh trai nên các con (bị đơn) phải được hưởng. Có điều gì uẩn khúc chăng? Người trong cuộc không khỏi đặt nghi vấn: vì sao HĐXX lần này (do ông Đỗ Văn Thinh giữ vai trò chủ tọa) chỉ "lăm lăm" vào ý kiến bên bị đơn để rồi tuyên án bất thường.

Trong đơn khiếu nại gởi tòa soạn Báo CATP, chị Nguyệt không giấu nỗi bức xúc. Chị cho rằng: Bản án phúc thẩm đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Điều đáng nói là trong lúc phía nguyên đơn vẫn tiếp tục làm đơn kháng nghị lại bản án này và chờ giấy xác nhận của TAND tối cao thì không hiểu sao bên bị đơn vẫn có thể bán được 400m2 đất trong phần đất đang tranh chấp và kỳ lạ nhất là người mua đã được đứng tên quyền sở hữu.

Để theo đuổi vụ kiện đến cùng, dù đã ủy quyền cho cháu đứng ra lo liệu nhưng với tuổi cao, sức yếu lại phải chịu nhiều áp lực, hai chị em nhà bà Điểm, bà Cúc thay phiên nhau nhập viện. Chúng tôi đã từng xuống tận địa phương xác nhận sự việc và có những bài báo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ, nhưng chưa khi nào thấy họ tuyệt vọng như lúc này. Tuy nhiên, cả bà Điểm lẫn bà Cúc cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện đến cùng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang