Sau nhiều lần tạm hoãn, ngày 11-11, TAND quận 7, TPHCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án "Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” là khu đất dự án Khu dân cư (KDC) Hòa Lân ở P.Thuận Giao, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nguyên đơn trong vụ án này là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), bị đơn là Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn) cùng các đơn vị liên quan là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn), Công ty CP đầu tư và phát triển Kim Oanh TPHCM (Công ty Kim Oanh) và Văn phòng Công chứng TP Mới, tỉnh Bình Dương.
Phiên tòa náo loạn
Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều bức xúc vì vụ án kéo dài cả năm chưa xử xong sơ thẩm nên mạnh ai nấy lớn tiếng. Phòng xử trở nên náo loạn, Phó chánh án phải đề nghị công an tăng cường thêm lực lượng hỗ trợ trật tự nhằm phục vụ việc xét xử.
Khi chủ tọa đang phát biểu thì ông Nguyễn Văn Tú đại diện ủy quyền của Công ty Thiên Phú đứng dậy, chủ tọa yêu cầu ngồi xuống vì chưa nói xong. Nhưng ông Tú bức xúc: "Chủ tọa yêu cầu đại diện nguyên đơn thì tôi là nguyên đơn" và ông không chịu ngồi xuống. Khi chủ tọa gọi luật sư đại diện bên nguyên đơn, luật sư vừa lên tiếng thì ông Tú cắt ngang và phủ nhận đây không phải là luật sư của nguyên đơn.
Cùng lúc này, hai vị luật sư của phía bị đơn (Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn) đứng dậy to tiếng yêu cầu chủ tọa xác định tư cách tham gia tố tụng mới của người đại diện theo pháp luật. Luật sư của bị đơn cho rằng, chủ tọa vi phạm tố tụng và không tuân thủ pháp luật.
Các bên liên quan tổ chức căng băng-rôn, gây náo loạn bên ngoài phiên xử
Phía đại diện đơn vị liên quan là Công ty Kim Oanh cũng nhập cuộc, yêu cầu chủ tọa xác định nguyên đơn. Mạnh ai nấy nói lớn tiếng. Đại diện Viện KSND nhiều lần yêu cầu các đương sự giữ bình tĩnh và phải tuân theo sự điều hành của HĐXX. Tuy nhiên sự việc náo loạn không kết thúc. Chủ tọa không thể điều hành phiên xử, phải đề nghị cảnh sát hỗ trợ tư pháp vào hộ tống ông Tú ra ngoài, nhưng ông này nhất quyết không ra.
Gần một năm thụ lý vụ án và nhiều lần mở phiên xét xử, tòa đã rất nhiều lần tạm dừng để thu thập tài liệu, chứng cứ, đương sự ốm đau... Các khái niệm sơ đẳng trong tố tụng vẫn đang ở giai đoạn tranh luận chứ chưa xác định xong. Vụ án "
Tranh chấp đấu giá đất dự án KDC Hòa Lân" vẫn chưa đi vào vấn đề trọng tâm của vụ việc!
Trước sự ồn ào, Phó Chánh tòa từ trên lầu nghe tiếng chạy xuống và đã trực tiếp gọi công an tăng cường thêm lực lượng bảo vệ phiên xử. Phía trong phòng xử nhốn nháo như vỡ chợ, bên ngoài Công ty Kim Oanh huy động hàng chục người đồng loạt căng băng-rôn.
Tranh cãi về tư cách đại diện theo ủy quyền
Trước đó, các luật sư của Công ty Thiên Phú đề nghị HĐXX bác tư cách đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú đối với ông Nguyễn Văn Tú (SN 1976, quê Hà Nội). Vì ông Bùi Thế Sơn (SN 1952, nguyên Giám đốc Công ty Thiên Phú) trước khi bị bắt giam đã chuyển nhượng toàn bộ 99% vốn góp cho bà Phạm Thị Hường, nên ông Sơn không còn tư cách thành viên công ty để ủy quyền cho ông Tú.
Các luật sư của nguyên đơn đã đề nghị HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, để chờ TAND tỉnh Bình Dương xử xong một vụ án khác có liên quan. Theo lập luận của các luật sư nguyên đơn, sau khi chuyển nhượng hết 99% vốn góp cho bà Phạm Thị Hường, đến cuối tháng 3-2020, ông Bùi Thế Sơn cùng 2 thuộc cấp bị bắt. Ngày 14-10-2020, trong trại tạm giam, ông Sơn mới ký hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Tú làm đại diện ủy quyền của Công ty Thiên Phú.
Trong khi đó, ông Tú cho rằng mình mới là đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú chứ không phải bà Hà Thị Hồng Quyên (đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú từ khi vụ án được tòa thụ lý đến nay). Ông Tú cho rằng, ông đại diện cho chủ Công ty Thiên Phú với 99% vốn góp là ông Bùi Thế Sơn; bà Hà Thị Hồng Quyên không có tư cách đại diện Công ty Thiên Phú, vì suốt phiên tòa bà Quyên không trả lời bất cứ câu hỏi nào của các đương sự. Ông Tú cũng từng đề nghị không chấp nhận các phát biểu của các luật sư nguyên đơn.
Về phía đại diện Công ty Kim Oanh vẫn đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử.
Dự án khu dân cư Hòa Lân đã được Agribank Chợ Lớn thông qua Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn bán đấu giá đã gây nên nhiều kiện tụng
Theo các luật sư của Công ty Thiên Phú, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án do HĐXX quyết định. Tuy nhiên, xét hợp đồng ủy quyền của ông Bùi Thế Sơn cho ông Tú được công chứng viên lập tại nơi tạm giam ông Sơn mà HĐXX công bố tại phiên tòa, cho thấy: Căn cứ khoản 6 điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014, ông Bùi Thế Sơn không còn là người đại diện theo pháp luật của Thiên Phú, mà người đại diện theo pháp luật đương nhiên là ông Trương Thành Phú. Việc ông Sơn tự cho mình vẫn là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Phú ủy quyền cho ông Tú là không đúng, nên HĐXX đã không chấp nhận là có căn cứ.
Do đó, ông Bùi Thế Sơn không còn là thành viên, không có quyền và nghĩa vụ với Công ty Thiên Phú kể từ ngày 23-3-2020, nên ông Sơn không thể ủy quyền cho ông Tú với tư cách là thành viên của Công ty Thiên Phú.
Hiện nay, TAND tỉnh Bình Dương đang thụ lý vụ án tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên của công ty nhưng có giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên của công ty, giữa bà Phạm Thị Hường, Nguyễn Ngọc Kim Châu với ông Bùi Thế Sơn, ông Trương Thành Phú xảy ra tại Công ty Thiên Phú.
Như vậy, để giải quyết vụ án yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng, cần phải xác định chính xác thành viên của Công ty Thiên Phú, quyền và nghĩa vụ của các thành viên (kể cả nghĩa vụ thi hành bản án nếu bản án của TAND quận 7 xét xử có hiệu lực).
Muốn vậy phải chờ kết quả giải quyết vụ án tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên của công ty nhưng có giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên của công ty, của TAND tỉnh Bình Dương.
Vì vậy đề nghị HĐXX căn cứ điểm d khoản 1 điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án - các luật sư của Công ty Thiên Phú yêu cầu.