(CATP) Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Quảng Ngãi - Đặng Văn Minh - vừa có văn bản yêu cầu Cục trưởng THADS tỉnh này, chỉ đạo Chi cục THADS huyện Đức Phổ tạm dừng việc cưỡng chế đối với vợ chồng anh Nguyễn Hữu Trí - chị Nguyễn Thị Mạnh để rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục THA theo đơn khiếu nại, tố cáo của người được ủy quyền là anh Nguyễn Hữu Phúc (trú Q9, TPHCM).
Được biết, giữa năm 2014, anh Trí, chị Mạnh có vay Ngân hàng TMCP Đông Á - Phòng giao dịch Đức Phổ 500 triệu đồng để nuôi trồng thủy sản, thời hạn vay 12 tháng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, diện tích 714m2 tọa lạc tại khu phố Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ do cha mẹ là ông Nguyễn Tuôi (88 tuổi) - Phạm Thị Hường (85 tuổi) đứng tên. Trên mảnh đất anh Trí dùng thế chấp vay tiền có tài sản gắn liền là căn nhà lầu kiên cố do anh ruột là Nguyễn Hữu Phúc xây cho cha mẹ.
Không may cho vợ chồng anh Trí cũng như nhiều hộ nuôi thủy sản ở miền Trung, thời điểm đó, khi tôm, cá gần đến ngày thu hoạch thì bất ngờ bão lũ ập đến cuốn trôi. Do bên vay không còn khả năng thanh toán đúng hạn nên bị phía chủ nợ khởi kiện ra tòa. Theo bản án tuyên buộc, tính đến ngày 8-4-2017, vợ chồng anh Trí phải trả cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng với tổng số tiền 664 triệu đồng (lấy số tròn).
Ngôi nhà lầu kiên cố của ông Tuôi
Chấp hành quyết định (QĐ) của Chi cục THADS thị xã Đức Phổ, tính đến ngày 5-4-2018, gia đình anh Trí đã nộp cho chấp hành viên (CHV) Đỗ Văn Lực 580 triệu đồng. 84 triệu đồng còn lại cùng khoản tiền lãi phát sinh, anh Trí xin CHV cũng như cơ quan THA cho gia đình khoảng thời gian ngắn để xoay xở nhưng không được chấp nhận. Theo lời anh, trước đó một tháng, trong lúc vợ chồng anh vào TPHCM có việc thì CHV Đỗ Văn Lực đến nhà đưa một số giấy tờ kêu ba mẹ anh ký vào, nói là để hoàn thiện hồ sơ. Ông Tuôi tuổi cao mắt mờ, còn bà Hường không biết chữ, nhưng vì tin tưởng CHV nên cả hai làm theo hướng dẫn của ông Lực mà không hề biết nội dung.
Đến giữa tháng 4-2018, vợ chồng anh Trí bất ngờ nhận được thông báo của Chi cục THA về việc đấu giá tài sản. Lúc này, gia đình anh mới tá hỏa hay ra các loại giấy tờ mà ông Lực đưa cho ba mẹ anh ký tên, gồm các Biên bản kê biên xử lý tài sản, thỏa thuận giá tài sản kê biên, thỏa thuận tổ chức đấu giá... Trong thời gian CHV chưa tổ chức đấu giá tài sản, anh Trí vay mượn tiền tự nguyện thanh toán hết khoản nợ còn lại nhưng ông Lực không nhận.
Bốn tháng sau, CHV Đỗ Văn Lực gửi cho ông Tuôi 2 thông báo, nội dung thực hiện nghĩa vụ còn lại phải THA và yêu cầu tự chuyển tài sản, vật dụng ra khỏi nhà để bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá. Qua đó, gia đình ông Tuôi mới biết toàn bộ nhà và đất của mình CHV bán đấu giá chỉ 2,2 tỷ đồng, trong khi giá thị trường khoảng 7 tỷ.
Căn cứ hồ sơ cũng như quy định của pháp luật, anh Phúc có cơ sở xác định CHV Đỗ Văn Lực cùng những người liên quan có dấu hiệu cố ý làm trái quy định gây thiệt hại nghiêm trọng, vi phạm về quy định về hoạt động đấu giá tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với người mua đấu giá nhằm chiếm đoạt tài sản... Được biết, ngoài đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh, anh Phúc cũng có đơn tố giác những người nêu trên đến công an các cấp tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Theo những người am tường vụ việc, trước mắt cho thấy CHV Đỗ Văn Lực kê biên, bán đấu giá tài sản không tương xứng với nghĩa vụ THA (tiền gốc cộng lãi phát sinh chỉ hơn 170 triệu đồng). Bởi vì, bên cạnh ngôi nhà anh Phúc xây cho ông Tuôi còn đất trống, có thể phân chia thành nhiều thửa để THA. Hơn nữa, trong hợp đồng vay, vợ chồng anh Trí không hề thế chấp tài sản trên đất, có xác nhận của chính quyền địa phương.