Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 47-NQ/TW của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình” và Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã đạt được một số thành tựu về nâng cao nhận thức trong nhân dân, củng cố, bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống quý báu về gia đình, tuy nhiên sự phát triển của xã hội cũng khiến nền tảng các giá trị gia đình truyền thống bị đảo lộn.
Hội thảo khoa học “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” được Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức ngày 17/12 nhằm nhìn lại những biến đổi của các giá trị văn hóa, phân tích những tác động để tìm giải pháp giữ gìn các giá trị nền tảng.
Các đại biểu dự hội thảo
Tác động và sự ảnh hưởng của quá trình hội nhập đến gia đình
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ý kiến đóng góp, đánh giá về những tác động và sự ảnh hưởng của quá trình hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến gia đình, tạo nên những biến đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, các điều kiện, cơ hội thuận lợi để các gia đình tiếp cận kiến thức giá trị tốt đẹp của các dân tộc, các nền văn hóa khác nhau và kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại.
Về vấn đề này, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, cho biết bên cạnh những biến đổi tích cực tính độc lập, năng động, sáng tạo của gia đình được phát huy và góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển đất nước thì cơ chế thị trường cũng có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực xã hội trong đó có gia đình.
Tình trạng ly hôn có xu hướng tăng, bạo lực gia đình cũng không giảm mạnh, hiện tượng bất bình đẳng trong gia đình vẫn còn, những xung đột, kiện tụng tranh chấp từ nội bộ gia đình cùng những cảnh báo tội ác từ những mâu thuẫn gia đình cũng là hiện tượng không thể xem nhẹ của gia đình, xã hội hiện nay.
Cạnh đó, trong quá trình đổi mới, gia đình Việt Nam đã có sự thay đổi, chuyển tiếp từ truyền thống sang hiện đại. Mô hình gia đình truyền thống bị tác động bởi lối sống hiện đại. Gia đình ít người, ít thế hệ cùng chung sống ngày càng nhiều hơn. Mỗi thành viên trong gia đình được tạo điều kiện để có không gian tự do hơn. Do công việc, học hành bận rộn, quan hệ gia đình như lỏng lẻo hơn, bữa cơm chung thiếu vắng những thành viên, người lớn tuổi cảm thấy cô đơn, trẻ nhỏ dán mắt vào màn hình, giao tiếp ảo nhiều hơn...
Tuy nhiên theo đồng chí Phạm Phương Thảo, dù gia đình truyền thống hay hiện đại, dù có những biến đổi nhất định nhưng sự đùm bọc yêu thương, chăm sóc lẫn nhau vẫn là vĩnh cữu, vẫn là những giá trị truyền thống tốt đẹp có sức sống lâu bền. Các giá trị đạo đức gia đình, giá trị phát triển con người, giá trị văn hóa, cộng đồng từ gia đình vẫn là hành trang quý giá cho các thế hệ con người Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy.
Cần giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ
Chia sẻ tại Hội thảo, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội Hội LHPN TPHCM Đoàn Thị Thanh Thủy cho biết, là tổ chức chính trị xã hội đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ, thời gian qua, các cấp Hội đã thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức phụ nữ về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững thông qua các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Các phương tiện truyền thông của Hội như website, YouTube, Facebook được phát huy hiệu quả trong tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc…
Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Đại học KHXHNV- ĐHQG TP, nhằm phát huy đầy đủ các chức năng của gia đình trong thực tế bao gồm chức năng sinh sản, chức năng kinh tế, chức năng văn hóa - giáo dục, cần có những giải pháp mang tính toàn diện, đồng bộ, liên tục với định hướng kế hoạch, điều kiện vật chất rõ ràng. “Xây dựng đời sống văn hóa gia đình trên thực tế là một hệ thống hoạt động thực tiễn mang tính nỗ lực chủ quan dựa trên cơ sở những nhận thức toàn diện về các quy luật khách quan liên quan đến bản chất, chức năng của gia đình trong điều kiện, bối cảnh thực tế cùng với các định hướng kinh tế - xã hội chung đã được xác định. Tất cả nhằm đem lại hạnh phúc thật cho mọi người trong gia đình và sự phát triển bền vững thực sự của từng gia đình nhằm góp phần xây dựng văn hóa của địa phương, của đất nước và của dân tộc” - PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng cho hay.
Trên cơ sở những ý kiến tham luận, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Nguyễn Thọ Truyền đã tổng hợp thành các nhóm giải pháp. Theo đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác gia đình dựa trên quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước một cách cụ thể thiết thực, xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy những giá trị truyền thống gia đình Việt Nam thông qua việc đưa nội dung giáo dục văn hóa gia đình vào chương trình của các cấp học; tiếp thu các giá trị tinh hoa, tiên tiến của thế giới vận dụng có chọn lọc trong gia đình Việt Nam để xã hội phát triển, thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình nhằm hình thành và phát triển tài năng, phẩm chất, thể chất và xây dựng con người ngày càng hoàn thiện, có ích cho gia đình và xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thọ Truyền cũng nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ quan trọng của gia đình trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện đại, định hướng giá trị văn hóa, đạo đức trong xây dựng nhân cách giúp con người nhận ra các giá trị đích thực và sức sống lâu bền của các giá trị truyền thống, tiếp thêm sức mạnh, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các giá trị đó.
Cùng với sự chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội, ban ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện chương trình hành động, cần phát huy hơn nữa vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội để các thế hệ trẻ có đủ tri thức, bản lĩnh tham gia hội nhập quốc tế, đồng thời tham gia quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có khả năng làm chủ công nghệ để phát triển đất nước và có trách nhiệm với gia đình, xã hội.