Viết tiếp "kỳ án" đòi hơn 790 tỷ đồng kèm 535 tỷ tiền lãi ở huyện Bình Chánh:

Những điểm "mờ" của án sơ thẩm, chờ cấp phúc thẩm "soi" thấu!

Thứ Hai, 01/08/2022 19:32

|

(CATP) Liên quan vụ đòi món nợ "khủng" này, Chuyên đề CATP đã có loạt bài phản ánh, chỉ ra Bản án sơ thẩm số 16/2022/DS-ST (Bản án số 16) ngày 13-01-2022 của Tòa án nhân dân (TAND) H.Bình Chánh có nhiều "lỗ hổng". 

Tài liệu mới nhất PV vừa thu thập được càng chứng minh Bản án số 16 có nhiều vấn đề chưa thấu đáo, rõ ràng. Không chỉ phía bị đơn, dư luận đang chờ công lý được thực thi bằng phán quyết công tâm từ TAND TPHCM tại phiên tòa phúc thẩm dự kiến xét xử đầu tháng 8-2022.

"Nhập nhèm" pháp nhân và cá nhân

Như Chuyên đề CATP đã phản ánh, vợ chồng ông Cao Minh Tân (SN 1966, ngụ tỉnh Vĩnh Long) và bà Phạm Thị Linh Phượng (SN 1967, ngụ TPHCM) khởi kiện đòi nợ Công ty cổ phần tư vấn đầu tư - xây dựng - thương mại - sản xuất Nhựt Thành (Công ty Nhựt Thành, trụ sở tại xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TPHCM) do bà Nguyễn Thị Quí (SN 1952, qua đời ngày 26-02-2022) đại diện theo pháp luật.

Đơn kiện đề ngày 26-11-2018, xác định: Từ năm 2013 - 2015, vợ chồng ông Tân và bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay nhiều lần, với tổng số tiền 790,433 tỷ đồng. Theo giấy "xác nhận tiền nợ và phương thức thanh toán nợ" ngày 15-01-2015 (gọi tắt "giấy xác nhận nợ"), Nhựt Thành phải trả toàn bộ số tiền trên như sau:

Ngày 31-12-2015, thanh toán 100 tỷ đồng cho ông Tân - bà Phượng, lãi suất 2%/tháng, trả lãi hàng tháng. Trong quý II năm 2016, Công ty Nhựt Thành trả 690,433 tỷ đồng bằng cách nhượng quyền sử dụng 445.440m2 đất tại khu Công nghiệp An Hạ, H.Bình Chánh. Ông Tân, bà Phượng đồng ý trừ ra 30 tỷ đồng tiền gốc nên Nhựt Thành còn nợ lại 660,433 tỷ đồng. Trường hợp không giao đúng hạn thì Nhựt Thành phải chịu mức lãi suất bằng lãi suất Ngân hàng tại thời điểm trả nợ.

Giấy xác nhận món nợ "khủng" 790,433 tỷ đồng 

Để đảm bảo cho khoản vay, Nhựt Thành đồng ý thế chấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CD 903894 (diện tích 109.113,7m2) và CD 903985 (diện tích 62.568,8m2) do Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cấp ngày 04-7-2016.

Nay đã quá hạn, Công ty Nhựt Thành vẫn không thực hiện cam kết của mình theo giấy xác nhận nợ ngày 15-01-2015. Nguyên đơn tính tiền gốc và lãi như sau:

Đối với nợ gốc 100 tỷ đồng, lãi trong hạn mức 1,6%/tháng (từ ngày 15-01-2015 đến 31-12-2015) là 18,4 tỷ đồng; lãi "quá hạn" 2,4%/tháng (từ ngày 01-01-2016 đến 05-11-2018) là 82 tỷ đồng. Cộng cả gốc và lãi là 200,4 tỷ đồng.

Đối với nợ gốc 660,443 tỷ đồng, lãi trong hạn là 116,236 tỷ đồng; lãi "quá hạn" 348,708 tỷ đồng. Cộng cả gốc và lãi là 1.125,387 tỷ đồng.

Ông Tân - bà Phượng yêu cầu tòa buộc Nhựt Thành phải trả tổng số tiền 1.325,787 tỷ đồng (số tròn), bao gồm 790,433 tỷ tiền gốc và 535,354 tỷ tiền lãi (tạm tính đến ngày 05-11-2018). Sau đó, nguyên đơn bất ngờ "miễn" toàn bộ tiền lãi cho bị đơn (tính đến nay đã lên hàng ngàn tỷ đồng), chỉ yêu cầu trả 790,433 tỷ đồng (!)

TAND H.Bình Chánh với Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn ngồi ghế chủ tọa, cùng hai hội thẩm Võ Hoàng Thu và Nguyễn Thị Nguyên, tuyên Bản án số 16: Buộc Công ty Nhựt Thành trả cho ông Tân - bà Phượng 790,433 tỷ đồng, trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực.

Bản án số 16 xác định 4 điểm mấu chốt:

(1) Số tiền 790,433 tỷ đồng được cá nhân ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay từ năm 2013 đến 2015 với "tư cách cá nhân", vay tiền mặt nhiều lần, không nhớ rõ thời gian, hai bên không lập thành văn bản do tin tưởng, quen biết với nhau. Để xác nhận công nợ, hai bên thống nhất lập "giấy xác nhận nợ" ngày 15-01-2015.

 Văn bản xác nhận nợ do Giám đốc Công ty Hòa Phong Cao Minh Tân ký ngày 15-6-2010 kèm bảng chiết tính đến từng đồng với lãi suất cao

(2) Số tiền 89,5 tỷ đồng ông Tân - bà Phượng cho Công ty Nhựt Thành vay từ ngày 05-8-2009 đến 07-4-2011 là tiền "pháp nhân" của Công ty TNHH Đầu tư thương mại Hòa Phong (do ông Cao Minh Tân làm Giám đốc). Công ty Hòa Phong xác nhận từ sau ngày 20-4-2011 giữa Công ty Nhựt Thành và Công ty Hòa Phong không thỏa thuận giao dịch nào khác.

(3) Từ ngày 05-10-2009 đến 16-7-2015, Công ty Nhựt Thành đã trả tổng số tiền 97,275 tỷ đồng, qua chuyển khoản cho Công ty Hòa Phong và tiền mặt cho ông Tân - bà Phượng, Cao Phạm Phương Linh, Cao Phạm Tấn Minh (2 con ông Tân - bà Phượng).

Quan hệ giao dịch dân sự giữa Hòa Phong và Nhựt Thành đã chấm dứt từ ngày 20-4-2011 nên các giao dịch với ông Tân, bà Phượng, bà Linh, ông Minh sau thời điểm này là "quan hệ giao dịch khác", không liên quan đến số tiền 790,433 tỷ đồng. Vì vậy, HĐXX không thu thập chứng cứ về việc Công ty Nhựt Thành trả số tiền 97,275 tỷ đồng cho ông Tân - bà Phượng.

(4) Công ty Nhựt Thành không có chứng cứ chứng minh số tiền 97,275 tỷ đồng đã chuyển cho các cá nhân là tiền trả nợ cho Công ty Hòa Phong. Do đó, Công ty Nhựt Thành cho rằng số tiền 790,433 tỷ đồng do ông Tân - bà Phượng tính "lãi chồng lên lãi" từ nợ gốc 89,5 tỷ đồng của Công ty Hòa Phong là không có căn cứ.

Những "lỗ hổng" không thể "vá”

Với những tài liệu mà PV Chuyên đề CATP đã thu thập, có đủ căn cứ để chứng minh Bản án số 16 của TAND. H.Bình Chánh oan sai nghiêm trọng.

Thứ nhất, từ ngày 05-8-2009 đến ngày 07-4-2011, Công ty Hoà Phong và ông Tân - bà Phượng đã cho Công ty Nhựt Thành vay 10 lần với tổng cộng 89,5 tỷ đồng. Các lần vay tiền thể hiện rõ ông Tân có lúc là đại diện pháp nhân, Giám đốc Công ty Hòa Phong ký; có lúc là cá nhân ông Tân ký. Quan hệ pháp nhân hay cá nhân của ông Tân thể hiện trong vụ án này dính liền, không có căn cứ để tách rời. Bằng chứng là trong 10 lần cho Nhựt Thành vay tiền, có 6 lần chuyển khoản qua ngân hàng, 4 lần tiền mặt. Trong 6 lần chuyển khoản, có 5 lần do Công ty Hoà Phong chuyển, 1 lần do cá nhân bà Phượng chuyển 15 tỷ đồng ngày 05-8-2009. Trong 4 lần giao dịch tiền mặt, có 2 lần do ông Tân - bà Phượng trực tiếp ký hợp đồng cho Nhựt Thành vay, mỗi lần 5 tỷ đồng. Cả 2 hợp đồng đều được Văn phòng Công chứng Thủ Đức chứng thực ngày 04-4-2011 và 07-4-2011, thể hiện rõ bên cho vay với tư cách cá nhân.

Bản án số 16 xác định, thời điểm trước ngày 20-4-2011, chỉ có quan hệ giao dịch giữa hai pháp nhân Công ty Hòa Phong và Công ty Nhựt Thành. Với nhận định này, có căn cứ xác định số tiền 15 tỷ đồng do bà Phượng chuyển và 10 tỷ đồng của 2 hợp đồng ký ngày 04-4-2011 và 07-4-2011 đều là tiền "pháp nhân" của Công ty Hòa Phong.

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của Công ty Nhựt Thành, ngày 27-7-2022, PV Chuyên đề CATP đã gửi thông tin đến lãnh đạo TAND TPHCM, nội dung: Tòa soạn vừa nhận được đơn của Công ty Nhựt Thành, tố cáo thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn, TAND H.Bình Chánh, có hành vi ra bản án (số 16/2022/DS-ST ngày 13-01-2022) trái pháp luật. Liên quan đến vụ án này, Chuyên đề CATP đã có loạt bài viết chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường (kèm đường link các bài báo). Để rộng đường dư luận, thông tin đa chiều, rất mong ông Chánh án thu xếp gặp, trao đổi với PV để rõ hơn một số vấn đề liên quan đến đơn tố cáo. Trân trọng cảm ơn! Tuy nhiên, đến nay, PV chưa nhận được phản hồi từ lãnh đạo TAND TPHCM...

Thứ hai, từ ngày 05-10-2009 đến ngày 16-7-2015, Công ty Nhựt Thành đã có 15 lần chuyển khoản cho Công ty Hòa Phong và 51 lần trả tiền mặt cho ông Tân, bà Phượng, bà Linh và ông Minh kèm theo đầy đủ chứng từ. Hồ sơ thể hiện, đến ngày 21-4-2015, Nhựt Thành đã chuyển trả lần thứ 60 với số tiền cộng dồn là 89,275 tỷ đồng (gần bằng số vốn gốc 89,5 tỷ đã vay). Đến ngày 16-7-2015, Nhựt Thành chuyển trả lần thứ 66 với tổng số tiền 97,275 tỷ đồng. Nếu tính cả vốn và lãi theo ngân hàng thì số tiền này chưa đủ để trả nợ cho Hòa Phong. Điều này chứng minh, toàn bộ 97,275 tỷ đồng mà Nhựt Thành trả nợ chỉ có một quan hệ duy nhất, xuyên suốt với Hòa Phong do ông Tân làm đại diện cùng 3 cá nhân là vợ và con ông Tân. Bản án số 16 xác định "các giao dịch giữa Hòa Phong với ông Tân, bà Phượng, bà Linh, ông Minh sau ngày 20-4-2011 là quan hệ giao dịch khác" là hoàn toàn không có căn cứ.

Thứ ba, tòa sơ thẩm không xem xét dấu hiệu cho vay lãi cao, lãi chồng lên lãi, nhập gốc rồi tính lãi tiếp. Chứng cứ đã được Công ty Nhựt Thành trưng ra chính là văn bản "xác nhận nợ" do Giám đốc Công ty Hòa Phong Cao Minh Tân ký ngày 15-6-2010 với lãi suất từ 6,5% - 6,8/tháng (tức 78% đến 81,65/năm).

Thứ tư, tất cả những lần vay nợ, trả tiền đều có chứng từ hẳn hoi, hai bên cùng ký xác nhận. Bản thân ông Tân tính toán chi li đến từng đồng, thể hiện rõ qua văn bản xác nhận nợ" ngày 15-6-2010, chủ nợ nêu số tiền Công ty Nhựt Thành còn nợ là 71.747.376.855 (hơn 71,747 tỷ) đồng (!). Trong khi đó, với món nợ "khủng" 790,433 tỷ đồng, nguyên đơn khai do "tin tưởng, quen biết" nên cho bị đơn vay tiền mặt nhiều lần, không nhớ rõ thời gian, không lập thành văn bản, vậy mà được HĐXX sơ thẩm "thương", tin răm rắp, không cần chứng minh (!)

Thứ năm, ngày 27-01-2022, Viện trưởng VKSND H.Bình Chánh ký Quyết định số 03/QĐ-VKS-DS, kháng nghị toàn bộ Bản án số 16 của TAND H.Bình Chánh. Kháng nghị xác định: Tòa tuyên nguyên đơn thắng kiện là không có căn cứ. Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án không đủ để chứng minh bị đơn thiếu nguyên đơn số tiền "khủng" 790,433 tỷ đồng. Do đó, Viện trưởng VKSND H.Bình Chánh đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy toàn bộ Bản án số 16, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để xét xử lại.

Thứ sáu, liên quan đến Bản án số 16, phía Công ty Nhựt Thành vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí tố cáo thẩm phán Nguyễn Hoàng Sơn ra bản án trái pháp luật, gây thiệt hại đặt biệt nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Nhựt Thành.

Tất cả những vấn đề vừa nêu trên cùng 10 điểm "mờ" của vụ án đã được VKSND H.Bình Chánh chỉ ra trong kháng nghị chắc chắn sẽ được TAND TPHCM làm rõ tại phiên tòa Phúc thẩm dự kiến mở đầu tháng 8-2022.

Bình luận (0)

Lên đầu trang