Chuyện hy hữu ở Nhơn Trạch, Đồng Nai: Một bản án “vô tiền khoáng hậu”

Thứ Bảy, 20/08/2022 18:45  | Lê Bình

|

(CATP) Một loạt bản án dân sự được TAND huyện Nhơn Trạch tuyên đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án (THA) có văn bản gửi các đơn vị liên quan để ngăn chặn tài sản của bị đơn để đảm bảo thi hành án. Các bị hại tìm và phát hiện bị đơn còn một thửa đất đang được nhận tiền đền bù đủ điều kiện để đảm bảo THA. Tuy nhiên, một quyết định của tòa án đã làm tất cả bất ngờ...

Nợ như "chúa chổm"

Vụ việc bắt đầu từ rất nhiều người dân kiện vợ chồng ông Nguyễn Tấn Phước và bà Phạm Thị Anh (ngụ tại ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) ra tòa án vì những khuất tất trong làm ăn. Các bản án gồm: bản án số 07/2020/QĐST-DS ngày 20-7-2020; bản án số 70/2019/QĐST ngày 27-12-2019; bản án số 01/2020/QĐST-DS ngày 25-02-2020 và bản án số 10/QĐST ngày 18-8-2020 của TAND huyện Nhơn Trạch đã tuyên xử vợ chồng ông Phước thua kiện, buộc phải trả lại cho các nạn nhân tổng cộng số tiền hơn 13,9 tỷ đồng.

Để có cơ sở cho việc xử lý tài sản của vợ chồng ông Phước và bà Anh, đảm bảo trả tiền cho nạn nhân, Chi cục THADS huyện Nhơn Trạch đã có văn bản đề nghị các đơn vị: Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh Nhơn Trạch; Trung tâm phát triển quỹ đất huyện; Phòng TNMT huyện; UBND các xã, thị trấn Hiệp Phước; các cơ quan tổ chức hữu quan phối hợp ngăn chặn, không giải quyết việc chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng và nhận tiền bồi thường dưới bất kỳ hình thức nào đối với tất cả tài sản thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của ông Phước và bà Anh đứng tên.

Sau khi quyết định của Chi cục THADS ban hành, một tài sản do ông Nguyễn Tấn Phước đứng tên đã được các nạn nhân phát hiện để bổ sung đảm bảo THA đó là quyền sử dụng đất số AL 767192 có diện tích 8.519m2 tại huyện Nhơn Trạch đang được tiến hành đền bù để thực hiên dự án với giá trị hơn 5,04 tỷ đồng, khi ấy số tiền này đang giữ tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện.

Đây là tài sản đứng tên ông Phước nên Cơ quan THA đã yêu cầu phong tỏa để đảm bảo cho việc thi hành các bản án nói trên là hoàn toàn đúng với quy trình tố tụng nên các nạn nhân sẽ được khắc phục một phần hậu quả.

Vợ chồng ông Phước, bà Anh

"Nghệ thuật giải thoát" tài sản bị thi hành án

Khi thửa đất AL 767192 được phát hiện trong quá trình đền bù và sẽ nhận được số tiền 5,04 tỷ đồng thì bỗng nhiên TAND huyện Nhơn Trạch nhận được đơn của một nhóm người gồm: bà Hồ Thị Mỹ Hồng, bà Lã Thị Xuân Lan, bà Phạm Huỳnh Thanh Tâm, bà Lê Mai Hương và ông Trần Chấn Nam gửi đơn kiện và yêu cầu tòa ra văn bản ngăn chặn số tiền 5,04 tỷ đồng của ông Phước, không đưa sang THA vì đây là thửa đất của họ góp tiền mua và ông Phước đứng tên đại diện.

Bằng chứng là một hợp đồng viết tay ngày 05-01-2008 (trong khi thửa đất của ông Phước mua từ năm 2007). Những tưởng đây là chuyện vô lý nhưng không ngờ Thẩm phán Trần Tiến Nghĩa - Phó Chánh án tòa án huyện Nhơn Trạch lại đồng ý với yêu cầu này và ký ban hành Công văn số 894/TA-DS ngày 20-11-2020, về việc tạm giữ số tiền bồi thường hơn 5 tỷ đồng nói trên ở quỹ đất huyện, không chuyển qua cho THA

Từ lá đơn nói trên, hàng loạt sự kiện bất thường đã xảy ra: tháng 6-2020 tòa thụ lý đơn kiện tranh chấp về hợp đồng góp vốn, đến ngày 17-11-2020, cơ quan THA ra quyết định số 02/QĐ-CCTHADS về việc thu tiền của người phải thi hành án nên Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch không chi trả số tiền 5,04 tỷ đồng đền bù thửa đất cho ông Phước. Tiếp đến, ngày 19-11-2020, THA tiếp tục có công văn số 516/CV-THADS nhắc lại các đơn vị phải có trách nhiệm phối hợp để đảm bảo tài sản trên phải được phong tỏa để thi hành các bản án trước đó nhưng điều khó hiểu là chỉ sau đó một ngày (20-11-2020), TAND huyện Nhơn Trạch đã ban hành công văn số 894/TA-DS về việc tạm giữ số tiền bồi thường hơn 5 tỷ nói trên ở quỹ đất huyện, không chuyển qua cho THA như đã nói.

Có hay không trò lừa đảo?

Ngày 20-6-2022, Vụ việc tranh chấp hợp đồng góp vốn được TAND huyện Nhơn Trạch đưa ra xét xử. THA không có mặt nhưng đã có văn bản gửi TAND huyện cho rằng: "hợp đồng năm 2008 này không có giá trị pháp lý, cũng như đề nghị tòa triệu tập những người có quyền lợi hợp pháp được thi hành án đối với tài sản của ông Phước trong quá trình xét xử...". Mặc khác, bà Lâm Thị Lệ, là người góp vốn lớn nhất trong hợp đồng góp vốn kinh doanh bất động sản 2008 (4000m2/ tổng số 8.519m2 do ông Phước đứng tên) tuy không có đơn khởi kiện nhưng đã có văn bản gửi phiên tòa nói rõ việc hợp đồng góp vốn 01-5-2008 là một trò lừa...

Kết thúc phiên tòa, HĐXX do thẩm phán Trần Tiến Nghĩa làm chủ tọa đã tuyên xử: "Chấp nhận hợp đồng viết tay năm 2008 trên là có giá trị và công nhận số tiền được bồi thường 5,04 tỷ đồng thuộc quyền sở hữu của các đương đơn", còn phân chia thế nào do họ tự tính. Sau phiên xử này ông Phước, bà Anh lúc đầu đứng tên sổ 8.519m2 thì giờ chỉ còn lại khoảng... 10% tài sản (973m2).

Như vậy, với một hợp đồng viết tay không đúng luật lại đưa ra đúng vào thời điểm "nhạy cảm" với ý đồ tẩu tán tài sản đã xác định bị phong tỏa để THA được "mở một lối thoát" trước sự ngơ ngác của nhiều người. Câu hỏi đặt ra là hợp đồng viết tay này đã "chiến thắng" một loạt bản án trước đó để tự giải thoát cho tài sản phong tỏa và trở thành "chân lý”. Đây phải chăng là một tiền lệ mà tất cả ban ngành cần phải suy nghĩ? Hiện tại, một số nạn nhân đã gửi đơn tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của Thẩm phán Trần Tiến Nghĩa lên các cơ quan chức năng sau vụ việc này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có kết luận của cơ quan chức năng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang