Công an TPHCM:

Kế hoạch đột kích công phu của CSHS bắt các đối tượng cầm đầu băng “áo cam”

Thứ Ba, 06/09/2022 20:06

|

(CATP) Ngày 6-9-2022, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM cho biết, vừa bắt thêm Lê Ngọc Đăng Khoa, Trương Tấn Tài, Dương Đại Trí, nâng số đối tượng bị bắt xử lý trong vụ án băng "áo cam” đến thời điểm hiện nay là 96 người. 

3 đối tượng vừa bị bắt thuộc băng nhóm từng gây ra các vụ "Cố ý gây thương tích", "Hủy hoại tài sản" và "Gây rối trật tự công cộng" nổi cộm vào năm 2020. Lời khai của những kẻ bị bắt, hé lộ quá trình chạy trốn tinh vi, đồng thời cũng khẳng định thêm nỗ lực đeo bám, phá án quyết liệt của Công an TPHCM.

Kỳ công phá án

“Khu vực nhà vườn các đối tượng lẩn trốn khá biệt lập, nằm sâu trong cánh rừng ở ngoại thành, xung quanh nhà được bao bọc bởi các bức tường kiên cố, có hệ thống camera giám sát động tĩnh từ xa. Chưa kể, nhóm đối tượng biết rõ mình đang bị truy nã, truy tìm nên khá manh động, liều lĩnh, tàng trữ sẵn hung khí nên việc đột nhập phá án không hề đơn giản.

Mục tiêu của Ban giám đốc Công an TPHCM, Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) là phá án nhanh, bắt gọn các đối tượng nhưng phải đảm bảo không bị thương vong quân số và ảnh hưởng đến quần chúng xung quanh. Vượt qua tất cả các trở ngại, thách thức, Phòng CSHS đã phá án khẩn trương, đạt được các mục tiêu đề ra”, Thiếu tá Phạm Ngọc Tuấn Dũng- Đội trưởng Đội trọng án, Phòng CSHS - mở đầu câu chuyện về việc bắt giữ hai đối tượng có lệnh truy nã là Lê Ngọc Đăng Khoa (Khoa "điên" SN 1994, ngụ P11, Q6) và Dương Đại Trí (Trí "nhảm", SN 1990, ngụ P.An Lạc A, Q.Bình Tân), cùng Trương Tấn Tài (SN 1990, ngụ P7, Q6) - đối tượng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM thông báo truy tìm.

Đây được xem là các đối tượng chính trong băng nhóm "áo cam” từng gây án manh động, khiến dư luận bức xúc vào năm 2020, tại địa bàn quận Bình Tân.

Vụ án "áo cam” từng gây xôn xao dư luận, nên sau khi vụ việc xảy ra, Ban giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo Công an quận Bình Tân, Phòng CSHS nhanh chóng điều tra bắt giữ các đối tượng, xử lý triệt để làm bài học răn đe, giáo dục chung. Mặc dù sau khi gây án, các đối tượng thuộc hai băng nhóm đều trốn chạy rất tinh vi, song với nỗ lực vượt bậc, Công an TPHCM đã bắt lần lượt bắt nhiều đối tượng, đồng thời tiếp tục ra quyết định truy nã, truy tìm số còn lại tùy theo hành vi.

Đến trước tháng 9-2022, tổng số đối tượng bị bắt để điều tra xử lý là 93, tuy nhiên một số cá nhân chính vẫn còn ngoài vòng pháp luật nên Phòng CSHS vẫn kiên trì đeo bám vụ việc với quyết tâm cao.

Cuối tháng 8-2022, Phòng CSHS nắm được nguồn tin có một số đối tượng xăm trổ đầy mình, hành vi bất minh, thường thoắt ẩn thoắt hiện, đi về lén lút tại một ngôi nhà vườn nằm sâu sau cánh rừng thuộc nông trường Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh.

Ban chỉ huy Phòng CSHS, trực tiếp là Đại tá Trần Văn Hiếu- Trưởng phòng - đã họp bàn, chỉ đạo trinh sát gấp rút xác minh. Khi xác định đúng 3 đối tượng chính trong vụ án "áo cam” đang có mặt tại ngôi nhà vườn trên, Ban chỉ huy Phòng CSHS đã báo cáo Ban giám đốc CATP. Đại tá Mai Hoàng- Phó giám đốc CATP, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT họp án với Ban chỉ huy Phòng CSHS lên phương án phá án, mục tiêu cao nhất đặt ra là phải đảm bảo an toàn CBCS và nhân dân xung quanh.

Căn cứ tài liệu trinh sát thu thập được, Phòng CSHS hệ thống sơ đồ ngôi nhà, phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu khi đột kích bắt giữ các đối tượng, đồng thời có kế hoạch phòng vệ, ngăn chặn các lối thoát.

Theo đó, căn nhà vườn này rộng hơn 1.000m2, được bao bọc xung quanh bằng các dãy tường cao kiên cố dùng để nuôi gà đá. Trong nhà được chia thành nhiều khu vực, có nơi nằm trực tiếp trên nền đất, có chỗ giống nhà thủy tạ. Ngoài việc tàng trữ sẵn hung khí nguy hiểm, chủ nhà còn trang bị hệ thống camera khắp nơi, bảo đảm có thể phát hiện các bất thường từ xa. Ngôi nhà có 3 cửa, mở ra các hướng khác nhau, cửa chính rất ít khi mở, các cửa phụ cũng khép ngay và khóa luôn chốt ô vuông bên trong sau khi có người đi vào. “Kho” hung khí được để ở nơi dễ thấy, dễ lấy khi cần thiết.

Khi đã xác định được thời cơ đánh án phù hợp, Đội Hình sự đặc nhiệm và Đội Trọng án, với 20 cán bộ, chiến sĩ, dưới sự chỉ huy tại hiện trường của Thiếu tá Phạm Ngọc Tuấn Dũng đã có mặt vào lúc 20 giờ 5 ngày 5-9-2022. Công an địa phương nhận được thông báo của Phòng CSHS cũng kịp thời hỗ trợ.

Đã dự trù hết các tình huống và có phương án bọc lót cần thiết, nhưng tình huống phát sinh mới vẫn xảy ra, gây thách thức không ít. Tuy nhiên, bằng sự linh hoạt, sáng tạo của các cán bộ, chiến sĩ giỏi nghề, các trở ngại đã được giải mã nhanh chóng và CBCS Phòng CSHS đã ập vào “sào huyệt” trong sự ngỡ ngàng của tất cả những người có mặt.

CBCS Phòng CSHS đột kích nơi ở của đối tượng

Có chút bất ngờ nhưng các đối tượng kịp thời có phản ứng nhanh bằng việc bao vây ngược lại “nhóm người lạ mặt” và dùng dao lê, mã tấu chống trả. Khi biết rõ “người lạ” là CSHS chứ không phải các băng nhóm đối kháng, nhóm người trong nhà mới chịu buông vũ khí. Việc di tản những người không liên quan ra khỏi khu vực nguy hiểm được thực hiện khẩn trương, 3 nhân vật chính gồm Khoa, Trí và Tài lần lượt phải tra tay vào còng. Tang vật tịch thu gồm nhiều cây dao lê, mã tấu.

Tang vật thu được gồm nhiều dao lê, mã tấu

Nỗi hối hận muộn màng

Chiều 6-9, cả 3 đối tượng Khoa, Trí và Tài vẫn đang được tạm giữ tại Phòng CSHS để lấy lời khai phục vụ công tác điều tra, xử lý. Trước câu hỏi “đã làm gì, đi đâu trong hơn 2 năm qua?”, Dương Đại Trí có chút suy tư, giọng chùng xuống cho biết: “Bị truy nã thì biết làm gì ngoài lẩn trốn đâu. Tôi trốn qua nhiều tỉnh, thành ở miền Tây, khi có tiền thì ở nhà nghỉ, khách sạn, lúc cạn kiệt kinh phí thì nằm bờ, nằm bụi khổ cực lắm”.

“Thế sao không đầu thú?”, trinh sát hỏi. “Tôi cũng tính ra trình diện nhưng có ý đợi xem tòa án xử các anh em ra sao rồi mình ra đầu thú cũng không muộn”- Trí "nhảm" trả lời. Nhắc lại quá trình phạm tội, Trí giãi bày: “Trong quá trình bỏ trốn, tôi cũng nghĩ về việc đã gây ra và thấy ân hận lắm nhưng chuyện đã xảy ra rồi, khó mà làm lại được”.

Gương mặt, thân hình 'ấn tượng' ngay với người đối diện bởi các hình xăm kỳ dị nhưng khi nhắc về hành vi phạm tội, về cha mẹ, vợ con, Trương Tấn Tài không khỏi lặng lòng, nghèn nghẹn bộc bạch: “Hôm đó, Thành gọi điện là tôi đi luôn. Đến nơi thì có người phát cho hung khí. Lúc đó mình hành động vì anh em bạn bè, khi bị cơ quan công an truy bắt mới biết là sai quấy nhưng muộn rồi. Tôi định bụng là sau khi anh em bị tòa án tuyên án xong, tôi sẽ ra đầu thú. Nào ngờ bị công an bắt trước”.

Các đối tượng (từ trái qua) Tài, Trí, Khoa

Trong câu chuyện với phóng viên, không ít lần giọng Tài nghẹn lại khi kể về quá trình xô đẩy cuộc đời mình nhúng chàm, đặc biệt là nỗi ân hận với đứa con thơ. “Tôi đi gây rối khi thằng nhỏ mới hơn 2 tháng tuổi. Bây giờ, nó hơn 2 tuổi rồi, nhớ cũng khó gặp mặt. Một tay vợ chăm con từ khi còn ở cữ đến lúc thằng nhỏ đã hơn 2 tuổi nên tôi thấy có lỗi, chủ động trả tự do cho cô ấy để cổ gặp người khác tốt hơn mình”.

Cuộc đời Tài tuy mới hơn 30 tuổi nhưng xem ra cũng lắm thăng trầm. Theo Tài, vì mồ côi cha mẹ từ sớm, nhà bị giải tỏa nên sống tá túc qua nhiều nơi và mới chỉ học hết lớp 1. Tự bươn chải kiếm sống, không có ai kèm cặp, dạy dỗ nên Tài cứ trượt dài trong các sai lầm khi hai lần phạm tội “cướp tài sản”, từng thụ án nhiều năm trong tù. Trước thời điểm gây án và bỏ trốn vào tháng 6-2020, Tài sống bằng nghề nuôi gà đá và được chủ trả công. Vợ Tài có học hơn, hiểu chuyện đời nên thương chồng bằng cả tấm lòng.

Nhắc tới tương lai, Tài cho biết: “Với hành vi gây rối trật tự công cộng, chắc tôi bị mức án khoảng 3, 4 năm tù. Tôi sẽ cố gắng phấn đấu để sớm được trở về nuôi thằng nhỏ. Tôi muốn nuôi nó, chăm con để thằng nhỏ không thiếu thốn tình cảm và có người định hướng cuộc sống cho để không vướng sai lầm mà khổ sở như đời tôi”.

Những chia sẻ về cuộc đời của Tài không biết bao nhiêu phần trăm là sự thật, nhưng khi nói về con trai bé bỏng của mình, chúng tôi tin Tài có khát vọng thức tỉnh của một người cha, luôn khao khát làm những điều tốt nhất cho núm ruột của mình.

Trước đó không lâu, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Mai Nguyễn Xuân Thành (SN 1996, ngụ quận Bình Tân, TPHCM), Trần Bá Thành (SN 2001, ngụ Q6) cùng 14 bị can khác về 3 tội "Cố ý gây thương tích", "Hủy hoại tài sản" và "Gây rối trật tự công cộng".

Liên quan đến vụ án, Hồ Chí Linh (SN 1993), Trần Thanh Tuấn (SN 1984, tự Tuấn B) cùng 67 bị can khác bị truy tố về tội "Gây rối trật tự công cộng".

Như vậy, so với kết luận điều tra trước đó, tại bản kết luận điều tra bổ sung mới nhất, ở các tội danh "Cố ý gây thương tích", "Hủy hoại tài sản" và "Gây rối trật tự công cộng", CQĐT đề nghị truy tố thêm bị can Phan Vinh Thuận (SN 2002, ngụ quận Bình Tân) nâng tổng số bị can ở nhóm tội này là 16 bị can.

Với tội "Cố ý gây thương tích", CQĐT đề nghị truy tố 2 bị can Phạm Anh Kiệt (SN 2004, quê Kiên Giang) và Đào Minh Thiện (SN 2004, ngụ Q6). Còn tội "Gây rối trật tự công cộng", CQĐT đề nghị truy tố thêm 2 bị can, nâng tổng số bị can trong vụ án bị đề nghị xử lý hình sự là 87 bị can.

Trong vụ án này, hai người tên N.T.L. và Đ.V.A.T. quá trình điều tra đã khai nhận rõ hành vi phạm tội. Tuy nhiên, hai bị can này bị bệnh qua đời trong quá trình điều tra nên Công an TPHCM đình chỉ điều tra.

Về nội dung vụ án có thể tóm lược: Do bị can Chí Linh nghi ngờ nhóm người của Mai Nguyễn Xuân Thành đánh mình gây thương tích nên nhờ Trần Hoàng Song, Trần Thanh Tuấn gọi thêm đồng bọn đến nhà Thành đập phá tài sản và đánh Thành gây thương tích. Sau đó, hai nhóm đối tượng lên mạng xã hội kêu gọi đồng bọn, chuẩn bị hung khí đi “quyết chiến”.

Để không đánh nhầm đồng bọn, một bên đã hẹn cùng mặc "áo cam” để phân biệt với băng nhóm đối phương. Hơn 20 giờ ngày 5-6-2020, hàng trăm thanh thiếu niên nhóm "áo cam” đã kéo đến quán Ốc Hương (quận Bình Tân) phá hủy tài sản, đánh chém loạn xạ bằng dao, mã tấu gây hoang mang, bất bình trong nhân dân.

TPHCM: Bắt 2 đối tượng cầm đầu băng côn đồ “áo cam” gây náo loạn đường phố
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang