Hiểm họa 'bóng cười' trong giới trẻ:

“Bóng cười”… người khóc!

Thứ Ba, 13/09/2022 11:53  | Hải Văn

|

(CATP) Xuất hiện tại Việt Nam vào những năm 2000, “bóng cười” nhanh chóng tạo “cơn sốt” trong một bộ phận giới trẻ. Năm 2019, Bộ Y tế quyết định cấm sử dụng “bóng cười” trong hoạt động giải trí. Tuy nhiên hiện nay, việc lạm dụng chất cấm này quá mức khiến nhiều người chưa kịp cười đã phải khóc (!).

Không được cấp phép vẫn bán tràn lan

Vào năm 1799, nhà khoa học người Anh tên Humphry Davy phát minh ra khí Nitrous Oxide (N2O). Khí này có khả năng kích thích dây thần kinh cười và gây cười cho người hít phải nên còn gọi là “khí cười”.

Đến năm 1884, lần đầu tiên khí N2O được sử dụng để gây mê, gây tê nha khoa, giảm đau trong các trường hợp, gồm: sinh đẻ, hội chứng vành cấp, chấn thương, phẫu thuật vùng miệng. Khí N2O còn phát huy hiệu quả trong cai nghiện (gồm cả cai nghiện rượu) và phẫu thuật nội soi, do độ an toàn tương đương, nhưng lại có tác dụng giảm đau tốt hơn. Ngày nay, “khí cười” bị lạm dụng ra khỏi phạm vi y tế và được bán tràn lan trên thị trường “chợ đen”.

Liên hệ với một website chuyên kinh doanh “bóng cười”, bình “khí cười” không hợp pháp trên mạng, chúng tôi được nhân viên website cho biết, hệ thống kho của họ luôn dự trữ số lượng lớn bình “khí cười”, từ bình mini (1,5kg, 3kg, 5kg) đến những loại lớn hơn (10kg, 15kg, 20kg) để cung cấp cho người có nhu cầu. “Khí cười” của chúng tôi được bảo quản trong bình tiêu chuẩn, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến chất lượng khí bên trong”- website này thông tin. Không chỉ cung cấp bình “khí cười”, website này còn cung cấp cả bong bóng, với nhiều mẫu mã khác nhau.

Một shop chuyên mua bán “khí cười” trên đường Võ Thị Sáu (Q1, TPHCM) quảng cáo: Các loại bình khí N2O của shop được nhập khẩu từ những nhà sản xuất lớn, uy tín từ Nhật Bản, Mỹ, Anh..., với dây chuyền sản xuất hiện đại. Shop này bán “bóng cười” nhập khẩu, các loại như sau: 3kg giá 950 ngàn đồng, 5kg giá 1,1 triệu đồng, “bóng cười” chỉ có N2O giá 49 ngàn đồng/quả, kèm ôxy giá 6 ngàn đồng/quả.

Ngoài ra, shop còn cho thuê loa đèn, bình hút shisha không hợp pháp với giá cạnh tranh. Shop “Tổng kho...” chuyên cung cấp sỉ, lẻ “bóng cười”, bình “khí cười” không hợp pháp cho biết, tùy loại lớn hay nhỏ, “bóng cười” giá từ 60-120 ngàn đồng/quả, bình “khí cười” từ 3-20kg giá từ 500 ngàn đến 3 triệu đồng/bình. Ngoài bán cho các khách hàng lẻ mua về sử dụng, shop còn hỗ trợ kết nối với các quán bar, lounge, karaoke và liên tục tuyển cộng tác viên, trả chiết khấu cao.

Ngoài ra, còn có hàng chục website, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook, ứng dụng Zalo... khác cũng rao bán công khai không hợp pháp “bóng cười”, “khí cười”.

Nhan nhản 'bóng cười' bán ở 'phố Tây'

Vào những tối cuối tuần, “phố Tây” (đường Bùi Viện, P.Phạm Ngũ Lão, Q1) nhộn nhịp hẳn lên. Giữa dòng người thong dong tản bộ, có người cầm trên tay chai bia nhâm nhi, người khác ôm quả “bóng cười” thưởng thức. Hai bên đường, shisha, “bóng cười” được sử dụng nhan nhản, dù không hợp pháp.

Ghé vào một quán bar, chúng tôi được nhân viên mời chào đon đả. Phía trước quán này là hàng chục dãy bàn đã đông kín người. Từng tốp, từng tốp ngồi với nhau, nói cười rôm rả. Nhiều tốp đã gọi shisha và “bóng cười” để sử dụng. Trong quán, hòa lẫn với tiếng nhạc xập xình, làn khói shisha, khói thuốc lá mịt mù là ánh đèn LED nhấp nháy mờ ảo.

Sau khi gọi xong đồ ăn, thức uống, để cuộc vui thêm hưng phấn, Bình (vị khách chuyên “bay đêm” ở “phố Tây”) và nhóm bạn gọi 5 quả “bóng cười” và một bình shisha để thưởng thức. Nhân viên quán vừa cầm chùm bóng ra, Bình chộp lấy một quả, rít liền gần chục hơi. Mắt Bình nhắm nghiền, đầu lắc lư, nhưng trông cậu ta vẫn còn tỉnh táo. Bình lý giải: “Lúc mới sử dụng “bóng cười”, chỉ cần rít vài hơi là cảm thấy lâng lâng, đầu óc có ảo giác, cười không khép được mồm. Nhưng nhiều lúc tức ngực, khó thở, muốn tìm chỗ dựa, ai cơ địa yếu là “lật” liền”. Sau thời gian dài làm quen với “bóng cười”, Bình phải hút cỡ 4-5 quả mới lâng lâng.

Để có thêm cảm giác, thi thoảng Bình lại nạp vào cổ họng vài hớp bia cùng những ngụm khói shissa trắng xóa. Chốc chốc, cậu ta đứng dậy nhảy nhót, uốn éo theo điệu nhạc DJ đang mở hết công suất. Nhìn sang những bàn bên cạnh, không khó để bắt gặp cảnh các bạn trẻ vừa nhậu, vừa ngậm vòi shisha và hút “bóng cười”. Một thanh niên (khoảng 25 tuổi) có dấu hiệu “ngáo bóng” với những hành động mất kiểm soát. Cậu ta vừa hút “bóng cười”, vừa lượn lờ, nhảy nhót rồi cười nắc nẻ xung quanh một cô gái, khiến cô này phát bực.

Nhiều bạn trẻ sử dụng 'bóng cười' trong các quán bar, club

M.N (nam sinh viên của một trường đại học tại TPHCM; biết hút “bóng cười” từ thời còn học cấp 3) kể: “Lúc đầu, em chỉ rít vài hơi là cười như điên, rít đến quả thứ hai là đầu óc quay quay, chân tay bủn rủn, nôn mửa. Lâu ngày, cơ thể quen dần nên rít vào là cảm giác lâng lâng”. Ngồi cùng bàn với N. còn có một “hotgirl” mặt búng ra sữa. Cô này có lẽ mới tập tành nên vừa rít được vài hơi đã cười không ngớt, mặt mày đỏ gay. Một lúc sau, cô có biểu hiện chóng mặt, ho sặc sụa, ôm hết người này tới người kia.

Sang một bar khác, chúng tôi chứng kiến cảnh hút shisha và “bóng cười” cũng nhộn nhịp không kém. Bỗng nhiên mọi con mắt đổ dồn về một người đàn ông ngoại quốc. Trên bàn nhậu của anh ta có 3 quả “bóng cười” xẹp lép cùng một bình shisha đã vơi. Anh ta nhảy nhót, cười khoái chí, có khi lại chuyển tông khóc nức nở. Lúc cao hứng, anh ta cởi phăng áo rồi nhảy phốc lên bục sân khấu dành cho các vũ công, nhảy nhót cuồng nhiệt. Đến khi bạn bè anh ta và lực lượng bảo vệ của bar dìu xuống, anh ta mới chịu trở về bàn. Tại nhiều nhà hàng, quá bar, club khác ở “phố Tây”, việc sử dụng shisha và “bóng cười” khá phổ biến.

Bình “khí cười” được rao bán công khai trên mạng

Nguy cơ nếu lạm dụng 

Theo nhiều chuyên gia y tế, việc thường xuyên sử dụng “khí cười” có thể gây ra rối loạn cảm giác, đi đứng loạng choạng, rối loạn trí nhớ hoặc nhịp tim, hạ huyết áp, ức chế vitamin B12 và axit folic trong cơ thể. Dùng khí N2O quá liều sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức, co giật. Nếu hít trực tiếp từ bình xịt thì có thể bị phỏng lạnh niêm nạc hầu họng và đường hô hấp. Thực tế, đã có không ít trường hợp nhập viện do sử dụng “bóng cười” và nhiều chất kích thích khác quá liều. Nhiều người bị di chứng nặng nề khi lạm dụng “khí cười” trong những cuộc vui.

Để lập lại trật tự trên địa bàn, ngày 04-8-2022, các cơ sở kinh doanh tại “phố Tây” ở Q1 đã ký cam kết hạn chế sản xuất, kinh doanh “khí cười”. Tối 14-8, Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội phối hợp với Công an P.Phạm Ngũ Lão cùng lực lượng trật tự đô thị phường tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt các địa điểm kinh doanh tại “phố Tây” về việc không thực hiện nghiêm nội dung cam kết. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở kinh doanh có bình chứa khí N2O, tổ kiểm tra tiến hành tạm giữ. Chủ cơ sở phải mang hóa đơn, chứng từ của bình kim loại trên đến UBND phường để làm việc.

Mặc dù chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý, tuy nhiên, việc dẹp bỏ shisha, “bóng cười” trên “phố Tây” vẫn còn gặp nhiều khó khăn... Và người dân vẫn không khỏi lo lắng khi “bóng cười” vẫn tiếp tục có mặt trong các quán giải trí ở “phố Tây”, với những vị khách trẻ tuổi mải mê sử dụng loại chất này.

Theo Công văn số 2954/BYT-KCB ngày 29-5-2019 của Bộ Y tế gửi UBND TP.Hà Nội về việc khuyến cáo tác hại khí N2O và tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh, lưu hành khí N2O, Bộ Y tế nêu rõ: Khí N2O thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Công thương (quy định tại số thứ tự 120, Phụ lục số 02, Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/ NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất).

Như vậy, khí N2O chỉ được phép để mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp (chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm), không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người. Hiện tại, Bộ Y tế cũng chưa tiếp nhận hồ sơ thuốc, trang thiết bị y tế có thành phần khí N2O.

Do đó, việc sản xuất, kinh doanh khí N2O để sử dụng cho hoạt động giải trí sẽ bị xử lý theo Điều 10 của Nghị định số 163/2013/NĐ-CP, liên quan đến hành vi vi phạm quy định về giấy phép hạn chế sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang