Toàn cảnh vụ buôn lậu 1.282 container máy móc, thiết bị cũ (kỳ cuối)

Thứ Ba, 27/09/2022 11:48

|

(CATP) Kết luận điều tra thể hiện, đây là vụ án "Buôn lậu" do Hoàng Duy Tiến và các đồng phạm thực hiện trong thời gian dài, nhập lậu số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam. 

Mặc dù biết rõ QĐ18 quy định chặt chẽ như thế nào, nhưng Tiến vẫn móc nối với các chủ hàng để nhập khẩu trái pháp luật các máy móc, thiết bị cũ ở Nhật Bản, Trung Quốc để kinh doanh mua bán, nhằm hưởng lợi bất chính.

Làm giả và lập khống hợp đồng

Để thực hiện hành vi, Tiến và các nhân viên trực tiếp sử dụng pháp nhân các công ty để làm thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Toàn bộ các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các lô hàng hóa đều được Tiến và đồng phạm làm giả, lập khống trở thành đủ điều kiện theo quy định của QĐ18.

Sau đó, để hàng hóa đủ thủ tục thông quan, Tiến móc nối với Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống để cung cấp cho cơ quan Hải quan cho đủ thủ tục thông quan theo quy định.

Đối với các Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt, dù không thỏa thuận với Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam để tiêu thụ nhưng các bị can là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng giám định, giám định viên hoàn toàn biết rõ và buộc phải biết các quy định của QĐ18. Tuy nhiên, các bị can bất chấp các quy định của pháp luật để lập khống các biên bản cũng như cấp khống các chứng thư giám định, bỏ mặc hậu quả xảy ra để Tiến và nhân viên của mình hợp thức hóa hồ sơ thông quan hàng hóa trót lọt.

Về phía chủ hàng của Tiến, vì có nhu cầu mua bán các mặt hàng máy móc, thiết bị cũ để kiếm lời đã móc nối, thỏa thuận để Tiến nhập lậu hàng hoá về Việt Nam. Sau đó, giao lại cho các bị can để kinh doanh mua bán, không có máy móc, thiết bị nào được nhập về để phục vụ sản xuất kinh doanh. Do đó, hành vi của các bị can được xác định là đồng phạm với Tiến. Hành vi của các bị can là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế nhà nước về xuất, nhập khẩu...

Máy móc cũ nhập lậu do Hải quan TPHCM bắt giữ. Ảnh: T.H

Theo kết luận điều tra, Hoàng Duy Tiến được xác định là chủ mưu. Đối tượng, đã chỉ đạo, thuê nhân viên thành lập các công ty, lập giả hồ sơ nhập khẩu hàng hóa; móc nối với công ty giám định để nhập khẩu số lượng đặc biệt lớn hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ trái quy định pháp luật từ nước ngoài về Việt Nam để giao lại cho các chủ hàng, nhằm thu lợi bất chính.

Từ tháng 9-2019 đến ngày 24-5-2021, Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam hơn 1.280 container hàng với tổng giá trị hơn 211 tỷ đồng. Tại cơ quan công an, Tiến khai báo thành khẩn và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Cũng theo kết luận điều tra, vào tháng 2-2021, Võ Văn Đông gặp Tiến nói có người bạn cần nhập khẩu các container hàng máy móc cũ từ nước ngoài vào Việt Nam. Tiến đồng ý nhận nhập khẩu các container hàng từ nước ngoài về Việt Nam cho Đông với chi phí 90 triệu đồng/container (đã bao gồm chi phí vận chuyển).

Tiến trực tiếp nhận thông tin bill tàu, list hàng của container hàng máy móc thiết bị cũ từ Đông mà không thông qua nhân viên của mình. Sau đó, Tiến chỉ đạo các nhân viên làm hồ sơ, thủ tục nhập khẩu các container hàng tại Chi Cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I tương tự như các chủ hàng khác.

Trao đổi, liên lạc trong suốt quá trình nhập các container giữa Tiến và Đông chủ yếu qua ứng dụng Viber. Ngoài ra, Đông còn cung cấp số điện thoại của Hải (chưa rõ lai lịch, là nhân viên của Đông) để Tiến cung cấp cho bên nhà xe, giám định và liên hệ với Khải giao nhận các container, giám định máy móc thiết bị cũ các container hàng của Đông. Sau mỗi lần nhập container hàng vào Việt Nam và giao về kho thành công, Đông gặp Tiến để đưa tiền chi phí nhập hàng như thỏa thuận.

Một số tang vật trong vụ án

Từ tháng 2-2021 đến 24-5-2021, Tiến đã làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu vận chuyển trót lọt về kho cho Đông tổng cộng 6 container hàng máy móc thiết bị cũ. Kết quả giám định các lô hàng trên trị giá hơn 924 triệu đồng.

Tại Cơ quan điều tra, Đông không thừa nhận có liên quan hay thỏa thuận gì với Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa máy móc cũ từ nước ngoài về Việt Nam. Thế nhưng căn cứ vào tài liệu, chứng cứ, dữ liệu điện tử thu thập và kết quả điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đủ căn cứ nhận định Đông thông qua Tiến nhập khẩu trót lọt 6 container hàng máy móc thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam, trước khi Tiến bị bắt.

Nhóm buôn lậu khai gì?

Quá trình điều tra, lời khai của Tiến và đồng bọn cùng kết quả thu thập tài liệu, dữ liệu thể hiện để nhập lậu trót lọt hàng hóa qua cảng Cát Lái cho thấy, các bị can có mối quan hệ, trao đổi với Vũ Xuân Đồng và một số cá nhân khác để hỗ trợ cho hoạt động buôn lậu của nhóm. Cơ quan CSĐT Công an TPHCM tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý trước pháp luật.

Liên quan đến Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt, ngoài đồng phạm với Tiến về tội "buôn lậu", Cơ quan điều tra nhận thấy toàn bộ khoản tiền thanh toán chi phí giám định vào tài khoản cá nhân, không đưa vào báo cáo tài chính, báo cáo thuế của công ty, có dấu hiệu của tội "trốn thuế". Cơ quan điều tra sẽ thu thập tài liệu, chứng cứ để điều tra làm rõ, xem xét xử lý.

Đối với Lê Trần Viết Luân có hành vi giúp sức cho hoạt động của Tiến. Người này không có mặt ở địa phương nên Cơ quan điều tra chưa làm việc được, đồng thời chưa xác định rõ được ý thức chủ quan, tính chất mức độ của hành vi để xử lý. Hiện Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy tìm Luân để tiếp tục làm rõ, xử lý đúng pháp luật.

Còn Nguyễn Thành Giang, mặc dù thừa nhận có làm việc cho Tiến thông qua Luân nhưng tài liệu chứng cứ thu thập đến nay nhận thấy Giang không biết các hàng hóa nhập về Việt Nam là mặt hàng nào, sử dụng vào mục đích gì, cũng không biết về hoạt động của các công ty do Luân thành lập. Ngoài ra, hiện nay Cơ quan điều tra cũng chưa làm việc được với Luân.

Nguyễn Thị Anh Thư tuy được Tiến thuê vào làm nhưng đang trong giai đoạn học việc phụ giúp Nguyễn Bảo Châu để in hồ sơ, đóng dấu hồ sơ... Tài liệu, dữ liệu điện tử thu thập được thể hiện, Thư chưa tham gia nhiều vào quá trình nhập lậu hàng hoá về Việt Nam của Tiến, chưa có khả năng, điều kiện để biết hàng hóa nhập là máy móc, thiết bị cũ, dùng vào mục đích gì, không biết về hoạt động của các công ty của Tiến.

Với Đỗ Ngọc Long, tuy có liên lạc với các chủ nhà xe để vận chuyển các container hàng giao về kho, bãi cho các chủ hàng giúp Tiến nhưng Long không biết được các container hàng vận chuyển hàng hoá gì, cũng không có khả năng, điều kiện để biết về hoạt động nhập lậu hàng hoá máy móc, thiết bị cũ của Tiến.

Huỳnh Thị Thu Thủy lại là nhân viên của Công ty Hoàng Huệ trong lĩnh vực kinh doanh của công ty là làm dịch vụ khai thuế thủ tục hải quan khi truyền tờ khai hải quan nhập khẩu các container theo yêu cầu của Phạm Minh Tuấn, Thủy không biết hành hoá máy móc, thiết bị cũ nhập về Việt Nam sử dụng vào mục đích gì, cũng không biết hoạt động của các công ty của Tiến.

Vì vậy, đối với các cá nhân này, Cơ quan điều tra xét thấy chưa đủ căn cứ xem xét, xử lý với vai trò đồng phạm giúp sức cho Tiến về tội "buôn lậu". Riêng các cá nhân đứng tên đại diện các công ty Tiến thì không quen biết với Tiến, không biết việc chứng minh nhân dân của mình được sử dụng để thành lập các công ty nhập khẩu máy móc thiết bị cũ về Việt Nam nên Cơ quan điều tra xét thấy không đủ căn cứ xem xét xử lý.

Vũ Hoàng Đức thừa nhận có thuê Lê Văn Thành nhập khẩu container hàng hóa máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam để bán. Nhưng Đức do sinh sống, làm việc chủ yếu ở Nhật Bản không am hiểu các quy định của pháp luật Việt Nam nên nghĩ việc nhập khẩu trên là đúng quy định pháp luật Việt Nam. Đặng Tấn Nam là nhân viên của Toàn có liên lạc, trao đổi với Tiến cùng nhân viên các nội dung liên quan quá trình nhập hàng, nhưng Nam khai không biết rõ thỏa thuận cụ thể giữa Tiến và Toàn, không biết điều kiện, quy định về việc nhập khẩu hàng hóa này.

Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Ngọc Trường không thừa nhận có thỏa thuận với Phạm Toàn, Hoàng Duy Tiến để nhập lậu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam để Đông, Trường tiêu thụ. Ngoài lời khai của Toàn chưa có chứng cứ trực tiếp chứng minh việc thỏa thuận, móc nối giữa Đông, Trường với Phạm Toàn và Tiến trong việc nhập hàng.

Ngoài các chủ hàng đã bị khởi tố, Tiến còn khai có liên lạc, trao đổi, thỏa thuận việc nhập hành máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam với một số đối tượng khác. Vì vậy, đối với các cá nhân liên quan trên, Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ, nếu có đủ dấu hiệu sẽ xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang