Đề xuất giảm tối đa 50% thuế TTĐB và thuế GTGT với xăng, dầu

Thứ Sáu, 23/09/2022 16:37

|

(CAO) Đề xuất trên nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2022 và kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Bộ Tài chính vừa gửi công văn tới các Bộ, ngành xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu.

Trước đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình UBTVQH thông qua Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 giảm mức thuế BVMT đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế BVMT. Thực hiện chính sách này, ngân sách nhà nước (NSNN) dự kiến giảm khoảng 33.456 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất giảm tối đa 50% thuế TTĐB và GTGT với xăng, dầu

Với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP ngày 8/8/2022 để sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi từ mức thuế suất 20% xuống mức thuế suất 10%.

Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra cho năm 2022 và kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, theo Bộ Tài chính, cần thiết phải trình Quốc hội có quyết nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định việc giảm thuế cụ thể.

Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Quốc hội giao thẩm quyền cho UBTVQH điều chỉnh giảm mức thuế TTĐB đối với xăng và thuế GTGT đối với xăng dầu.

Cụ thể theo đề xuất, giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Giao UBTVQH quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.

Dự thảo Nghị quyết được Bộ Tài chính tính toán đưa ra 2 phương án. Theo đó, phương án 1 giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 20% mức thuế GTGT đối với xăng dầu; thời gian áp dụng 06 tháng kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành.

Phương án 2, giảm 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm 50% mức thuế GTGT đối với xăng dầu; thời gian áp dụng 6 tháng kể từ ngày Nghị quyết của UBTVQH có hiệu lực thi hành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang