77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến: Nhớ về cột mốc cách mạng quan trọng

Thứ Sáu, 23/09/2022 09:37

|

(CATP) Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình khẩn cấp, ngay trong ngày 23-9-1945, Xứ ủy Nam Kỳ họp Hội nghị mở rộng tại Cây Mai (Chợ Lớn) nhằm phân tích âm mưu của thực dân Pháp và chủ trương phát động nhân dân Nam Bộ kiên quyết kháng chiến chống thực dân xâm lược.

Ngày 26-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư biểu dương tinh thần chiến đấu và thể hiện lòng tin của mình đối với đồng bào Nam Bộ. Với lòng kiên quyết ái quốc, ngay chiều cùng ngày, đồng bào Nam Bộ đã vùng lên đấu tranh với thực dân Pháp, tiêu biểu là cuộc đấu tranh không hợp tác của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn. Tất cả các hoạt động thường ngày đều dừng lại. Chợ ngừng họp, xe cộ ngừng chạy, các hiệu buôn, nhà máy đóng cửa, điện, nước bị cắt, các kho tàng của địch bị đánh phá, tàu Pháp vừa cập bến cảng Sài Gòn bị đốt cháy. Quân giặc nhiều lần tiến ra phía cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Thị Nghè đều bị chặn lại.

Không những thế, lực lượng vũ trang và bán vũ trang cùng toàn thể đồng bào đã dũng cảm chiến đấu đánh trả bọn xâm lược với tất cả vũ khí có trong tay làm cho địch lâm vào tình trạng khốn đốn, sống thiếu điện nước, không được tiếp tế, luôn bị tập kích tiêu hao, tiêu diệt và bị vây hãm. Tình trạng khốn cùng này của thực dân Pháp chỉ chấm dứt vào cuối năm 1945, khi chúng được tăng thêm viện binh và sự giúp đỡ nhiều hơn của quân Anh, quân Nhật, phá vỡ vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn để đánh chiếm rộng ra các vùng khác.

CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM họp mặt. Ảnh: thanhuytphcm.vn

Để tổng kết và đề ra phương hướng nhiệm vụ tiếp theo, Đảng bộ Nam Bộ đã tổ chức Hội nghị cán bộ (25-10-1945) tại Thiên Hộ (Cái Bè, Mỹ Tho). Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đảng và các đồng chí Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh. Hội nghị đã kiểm điểm và rút kinh nghiệm trong hơn 1 tháng lãnh đạo cuộc kháng chiến, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Nam Bộ và tỏ rõ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến. Hội nghị cử đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách Ủy ban kháng chiến và chỉ đạo các lực lượng vũ trang.

Ngày 21-11-1945, Hội nghị quân sự họp tại xã An Phú (Gia Định) quyết định việc phân chia chiến trường, xây dựng căn cứ địa, rút kinh nghiệm trong chiến đấu và bàn cách đánh địch trong tình hình mới. Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị nhận định những thay đổi căn bản của tình hình thế giới và trong nước sau chiến tranh thế giới thứ hai, nêu rõ những thuận lợi căn bản và những thử thách lớn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mà nhân dân ta đang tiến hành.

Tháng 12-1945, Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam được thành lập tiếp tục lãnh đạo nhân dân toàn miền kháng chiến theo phương châm toàn dân kháng chiến và kháng chiến lâu dài. Sau đó, Ủy ban kháng chiến các cấp cũng được thành lập trên khắp miền Nam. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban kháng chiến, sự ủng hộ giúp đỡ của Trung ương Đảng, đồng bào miền Nam đã anh dũng chiến đấu đánh bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp, buộc chúng phải đàm phán với chính phủ cách mạng.

Họp mặt Kỷ niệm 77 năm Ngày Nam bộ kháng chiến

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2022), sáng 21-9, Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến quận 6 (CLB) tổ chức Họp mặt.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường, anh dũng của quân và dân Nam Bộ trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Đã 77 năm trôi qua kể từ mùa thu ngày 23-9-1945 cho đến nay, tinh thần chiến đấu quật cường và truyền thống đoàn kết của Ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị.

Phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và bản lĩnh của người kháng chiến năm xưa những năm qua, CLB tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nghĩa tình như vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương cho hội viên...

Bình luận (0)

Lên đầu trang