Chủ tịch Quốc hội: Không hợp thức hoá vi phạm khi sửa Luật đất đai

Thứ Năm, 22/09/2022 10:19

|

(CAO) Cho ý kiến về dự luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi khắc phục vướng mắc trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo chiến lược, lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay.

Tiếp tục phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, sáng nay (22/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự luật Đất đai (sửa đổi).

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, sau gần 08 năm tổ chức thi hành, Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, Luật cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, hiệu quả sử dụng đất, tài chính đất đai.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiên về dự luật Đất đai (sửa đổi)

“Vi phạm về đất đai còn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng, phải xử lý hình sự, chưa đảm bảo hài hòa quyền lợi của người dân bị thu hồi đất, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ” – ông Hải nêu. Vì lẽ này, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện và đề nghị sửa đổi Luật với 11 nhóm chính sách lớn.

Trước đó, báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo ông Thanh, là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến

Về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý, bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Phát biểu gợi ý thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Qua ý kiến thẩm tra sơ bộ, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra, vẫn còn một số chủ trương lớn tiếp tục cần thể chế hóa.

“Những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu quan điểm xây dựng luật, Chủ tịch cho rằng, sửa đổi khắc phục vướng mắc trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo chiến lược, lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

“Những vướng mắc có tính chất vi phạm hiện nay lại đưa vào luật để hợp thức hóa thì không được. Tôi nói cái chung để chúng ta có cái rà soát từng điều, từng khoản, chứ không phải bất cứ điểm gì mà đơn vị, tổ chức, cá nhân nào có việc a, b, c đề xuất thì mình lại đưa vào luật. Phải đánh giá rất kỹ lưỡng trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể” - Chủ tịch Quốc hội nói rõ.

Đối với việc áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cơ quan thẩm tra cần xem xét để thể hiện Luật Đất đai vừa là luật căn bản, cơ bản về đất đai nhưng phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc áp dụng luật.

Đề cập đến giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, đây là vấn đề khó nhất, cần quy định làm sao để vận hành được trong thực tế. Theo ông, việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang