Tích hợp bằng lái xe vào CCCD gắn chíp:

Người điều khiển phương tiện vẫn cần mang theo bằng lái

Thứ Ba, 20/09/2022 10:53

|

(CATP) Liên quan đến các trường hợp giấy phép lái xe (bằng lái) của công dân (CD) đã tích hợp vào thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, vậy người dân khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (GTĐB) có cần trình bằng lái (BL) xe nữa không, hay chỉ cần đưa thẻ CCCD gắn chíp? Về vấn đề được nhiều CD quan tâm này, Công an TPHCM giải thích rõ dưới đây.

Phải mang theo bằng lái

Theo Công an TPHCM, thời gian qua việc BL xe được tích hợp vào CCCD gắn chíp để nhằm khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (DLQGVDC), giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong liên kết các dữ liệu chuyên ngành khác với DLQGVDC.

Khi BL xe đã được CD kết nối tích hợp vào CCCD gắn chíp sẽ giảm được một số thủ tục hành chính (TTHC), giảm các bước TTHC trung gian gây phiền hà cho dân như: thủ tục liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe (GPLX, đối với BL sắp hết hạn), cơ quan chức năng có thể tiến hành các thủ tục liên quan đến BL xe tại bất cứ nơi nào, ở nơi thường trú hay tạm trú mà không cần làm các thủ tục xác nhận như trước đây. Việc thay đổi nơi ở của CD được cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư, do vậy các vụ việc hành chính của CD, như bị xử phạt, thông báo vi phạm... cũng sẽ rất thuận lợi cho người dân và công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 41 Công ước Vienna về giao thông đường bộ (GTĐB) mà Việt Nam tham gia ký kết là thành viên, quy định "Người điều khiển phương tiện cơ giới phải có GPLX". Khoản 2 điều 41 công ước này quy định "Quốc gia ký kết phải công nhận những lái xe sở hữu GPLX quốc tế phù hợp với quy định của công ước".

Đồng thời, theo khoản 2 điều 58 Luật GTĐB 2008 quy định "Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo GPLX đối với người điều khiển xe cơ giới". Những vấn đề quy định về BL xe, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải nội luật hóa những nội dung mà Công ước Vienna về GTĐB quy định, kế thừa Luật GTĐB 2008. Do đó, người dân khi điều khiển xe cơ giới tham gia GTĐB phải mang theo BL xe theo quy định là bắt buộc.

Giải quyết công việc nhanh chóng, không để bà con đợi lâu

Tài khoản định danh điện tử như "ví giấy tờ điện tử"

Một vấn đề rất "nóng" mà hiện nhiều CD vẫn còn băn khoăn, đó là tài khoản (TK) định danh điện tử (ĐDĐT) được sử dụng trên ứng dụng ĐDĐT VNeID tích hợp một số thông tin cá nhân và có thể thay thế một số giấy tờ tùy thân, như vậy những CD được đăng ký tài khoản ĐDĐT có bắt buộc phải đăng ký tài khoản ĐDĐT, từ đó liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trên tài khoản ĐDĐT...

Theo Công an TPHCM, từ ngày 18-7-2022 Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an đã hoàn thành ứng dụng ĐDĐT (VNeID) để cung cấp tiện ích cho CD, đồng thời đưa hệ thống định danh và xác thực điện tử vào sử dụng. Đến nay đã thu nhận khoảng 6 triệu hồ sơ đăng ký tài khoản ĐDĐT để phê duyệt, cung cấp cho người dân. Tài khoản ĐDĐT không tự động sinh ra mà sẽ được cấp khi CD có yêu cầu. Theo nhu cầu sử dụng của CD, tài khoản ĐDĐT có 2 mức, trong đó mức 1 dành cho CD đăng ký online trên ứng dụng VneID; mức 2 khi CD đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an hoặc đăng ký khi đi làm CCCD gắn chíp.

Tài khoản ĐDĐT có thể được hiểu là "ví giấy tờ điện tử", phương thức quản lý thông tin thẻ CCCD hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng. Tài khoản ĐDĐT bao gồm thông tin về các loại giấy tờ của CD, mục đích để làm TK đăng nhập thực hiện các dịch vụ công (DVC) mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân của người đó; đồng thời có thể sử dụng tài khoản ĐDĐT để thay thế một số giấy tờ, giấy phép như, thẻ CCCD gắn chíp, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đăng ký xe (ĐKX), GPLX...

Một số thông tin trên tài khoản ĐDĐT có thể được sử dụng, cụ thể: thông tin CCCD, thay thế thẻ CCCD gắn chíp, có thể phục vụ cơ quan chức năng, CD sử dụng khi thực hiện nhiều TTHC mà không cần xuất trình CCCD; thông tin thẻ BHYT, thay thế thẻ BHYT vật lý. Thông tin hiển thị BHYT trên VNeID được xác thực và truy xuất từ Cơ sở dữ liệu BHYT Việt Nam, vì vậy thông tin về BHYT trên ứng dụng VNeID sẽ phục vụ cơ quan chức năng, CD sử dụng khi khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm mà không cần trình thẻ BHYT vật lý.

Thông tin ĐKX, GPLX, những thông tin hiển thị các hạng GPLX, ĐKX trên VNeID được liên thông, xác thực với Cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Do đó, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về GTĐB.

Các bộ phận làm xuyên cả ngày nghỉ lẫn ngoài giờ hành chính

Độ bảo mật an toàn

Tài khoản ĐDĐT cũng giúp về thông tin người phụ thuộc, người giám hộ, thực hiện thông báo lưu trú mọi lúc, mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an. Công dân cũng có thể sử dụng chức năng tố giác tội phạm, VNeID cung cấp thêm một kênh chính thống để người dân tố giác tội phạm với cơ quan công an một cách bảo mật, an toàn mà không lộ lọt thông tin.

Như vậy, mọi cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đều được đăng ký tài khoản ĐDĐT thông qua ứng dụng VNeiD. Người chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản ĐDĐT của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đối với người được giám hộ khác cần đăng ký theo tài khoản ĐDĐT của người giám hộ. Những thông tin cần khai báo khi đăng ký gồm: số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài), họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch (đối với người nước ngoài), số điện thoại (chính chủ), email. Mọi người dân được miễn chi phí thực hiện đăng ký tài khoản ĐDĐT. Tài khoản định danh sẽ có cùng thời hạn với thời hạn của CCCD gắn chíp. Do vậy, mọi CD khi đã được cấp CCCD gắn chíp cần đăng ký tài khoản ĐDĐT.

Hiện nay, Công an TPHCM khuyến khích CD đăng ký sử dụng tài khoản ĐDĐT để được hưởng nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm các thủ tục trong giao dịch hành chính công. Với tài khoản mức độ 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản gồm: phòng, chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết DVC trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng). Với tài khoản mức độ 2, CD có thể sử dụng tất cả tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp gồm: tích hợp các loại giấy tờ (GPLX, ĐKX, BHYT), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử, điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, BHYT, chuyển tiền...

Công an TPHCM phối hợp cấp căn cước công dân gắn chíp cho người dân

Người dân đăng ký tài khoản ĐDĐT mức 1 trên ứng dụng VNeID; với mức 2, CD đến cơ quan công an địa phương để đăng ký. Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trên tài khoản ĐDĐT, Công an TPHCM cũng cho biết thêm, các dữ liệu về ĐDĐT không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID nên phần mềm hacker khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin, chỉ khi CD đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng. Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của CD, lúc này CD phải cho phép (cấp quyền kiểm tra) thì cán bộ mới có thể xem được thông tin.

Một vấn đề nữa mà CD thường gặp, đó là khi có bên thứ ba (ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống DVC) muốn sử dụng dữ liệu của CD sẽ phải được sự đồng ý của chủ TK. Ngoài ra, thông tin của CD sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ) và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ ba khi kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật. Dữ liệu mã hóa cộng với giải pháp bảo mật ở mức độ cao, nên có thể ngăn ngừa hacker xâm nhập để đánh cắp thông tin cá nhân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang