Cục Quản lý Dược để thiếu thuốc?
Chuyện ngỡ như đùa diễn ra ở thời điểm mà nhiều đơn vị của ngành YT đang thiếu thuốc, thiếu cả vắc-xin, riêng Bệnh viện (BV) RHM Trung ương (Hà Nội) thì đang thiếu thuốc gây tê, mà nếu vậy thì làm sao chữa răng?
Chiều 16-9-2022, TS Phạm Thanh Hà - Phó giám đốc BV RHM Trung ương - cho biết, còn khoảng 2 tuần nữa BV này sẽ hết thuốc tê. "Với cơ sở chữa trị chuyên về RHM như BV chúng tôi, nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao. Hiện nay do một số loại thuốc tê đã hết, BV phải thay thế bằng loại thuốc tê khác, tính năng tương tự nhưng cũng rất khó tìm", TS Hà cho biết. Nguyên nhân BV RHM Trung ương có nguy cơ thiếu thuốc gây tê là do có ít doanh nghiệp (DN) nhập các loại thuốc này, trong khi giấy phép lưu hành thuốc tê của các công ty dược chưa được gia hạn. Còn vì sao giấy phép lưu hành thuốc gây tê chưa gia hạn, trách nhiệm không phải của BV mà là thuộc Bộ YT, cụ thể là Cục Quản lý dược (QLD).
Ngày 17-9, phía Cục QLD cho biết, lãnh đạo Bộ YT đã chỉ đạo cục này và vụ/cục liên quan làm việc ngay với BV RHM Trung ương để nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho BV. Lãnh đạo Bộ YT cũng yêu cầu Cục QLD chỉ đạo các đơn vị sản xuất (SX), kinh doanh, nhập khẩu nhanh chóng tìm nguồn cung thuốc tê để đảm bảo nhu cầu điều trị của các BV chuyên khoa RHM.
Câu hỏi đặt ra là: Cục QLD làm thế nào lại để nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu thuốc gây tê? Chẳng lẽ sau vụ Việt Á, với những tiêu cực ngay trong cục đã "vô hiệu hóa" cục này?
Bệnh nhân được kiểm tra sức khỏe Ảnh: TTXVN
Đâu chỉ có thiếu thuốc gây tê, BV Bạch Mai cũng báo động việc thiếu thuốc suy tuyến thượng thận, ngộ độc kim loại nặng, huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia... Nhiều BV lớn cũng đang thiếu các loại thuốc hiếm này, do đây là các loại thuốc đặc biệt, nhiều công ty không muốn nhập khẩu vì lợi nhuận thấp; các BV cũng chẳng thể dự trữ, trong khi thuốc lại có hạn sử dụng. Khi BV Bạch Mai cho biết cần dự trữ thuốc hiếm, Cục QLD mới lên tiếng, hướng dẫn BV xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng. Điều này cũng có nghĩa Cục QLD nhưng gần như không quản lý gì cả, "nước đến chân mới nhảy". Vậy cục này quản lý gì?
Vắc-xin cũng thiếu một cách vô lý
Đâu chỉ thiếu thuốc, vắc-xin sởi, vắc-xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em cũng đang thiếu. Ngày 13-9, Sở Y tế TPHCM cho biết thành phố đang thiếu hai loại vắc-xin sởi và DPT trong Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em. Theo PGS-TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tình trạng thiếu vắc-xin bắt đầu từ tháng 8. Đây là hai loại vắc-xin trong nước SX, cung ứng theo đơn đặt hàng để các đơn vị SX; trong đó vắc-xin sởi do Trung tâm nghiên cứu SX vắc-xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) SX; vắc-xin DPT của Viện vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) SX. Vậy tại sao thiếu? Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, các nhà cung cấp này đều có sẵn vắc-xin trong kho nhưng không thể mua bán, cung ứng do vướng thủ tục theo quy định hiện hành.
Vướng mắc ở đây là gì? Là liên quan đến quy trình cung ứng vắc-xin tại TPHCM. Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, viện không có vắc-xin để cung cấp cho các địa phương do không nhận được phân bổ từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Hiện Viện Pasteur là đơn vị tổng hợp nhu cầu sử dụng các loại vắc-xin của các địa phương khu vực phía Nam, trong đó có TPHCM; sau đó tổng hợp, gửi danh sách số lượng lên Chương trình tiêm chủng mở rộng thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương của Bộ YT. Tiếp đó, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ phân bổ vắc-xin và chuyển về Viện Pasteur để cung ứng cho các địa phương trên địa bàn.
Vướng mắc rất đơn giản, sao không gỡ? Trong khi đó, Bộ YT nói thiếu vắc-xin tiêm chủng mở rộng là do chờ các nhà SX xây dựng (XD) phương án giá để thẩm định, sau đó trình Bộ Tài chính (TC), được chấp thuận mới có thể mua bán.
Ông Dương Đức Thiện, Phó vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ YT, cho biết, theo quy định, giá vắc-xin đặt hàng năm nào sẽ được phê duyệt theo giá năm đó, trong khi các nhà SX đang XD phương án giá cho năm 2022. Cũng theo ông Thiện, Bộ YT đang tính đến phương án tình thế là tạm mượn vắc-xin để dùng trước, sau đó Bộ TC phê duyệt giá nào, các đơn vị sẽ trả theo giá đó.
Theo đại diện một đơn vị SX vắc-xin, việc chậm cung ứng vắc-xin là do "vướng mắc giấy tờ thủ tục". "Đầu tháng 8, Bộ YT và nhà SX đã thống nhất cung cấp vắc-xin năm 2022 theo đơn giá của năm cũ đã được phê duyệt, nhưng phía cơ quan chức năng trả lại hồ sơ, yêu cầu bổ sung, trình phương án giá khác", vị đại diện này cho biết, nhưng không nêu lý do vì sao hồ sơ bị trả và phải trình phương án giá khác. Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc POLYVAC, cho biết hiện đơn vị này đã có sẵn vắc-xin trong kho, việc cung ứng phụ thuộc vào kết quả thẩm định, phê duyệt giá của hai bộ YT, TC.
Vậy việc thiếu vắc-xin là do thủ tục hành chính? Bộ YT và Bộ TC phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Thiếu vắc-xin một cách vô lý như vậy không chỉ ảnh hường lớn đến Chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí), mà còn làm cho các bậc phụ huynh tốn kém khi phải đưa con đi tiêm dịch vụ.
Để thiếu vắc-xin cho trẻ sẽ ảnh hưởng đến Chương trình tiêm chủng mở rộng
Động thái của Bộ Y tế
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT) nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc từ tháng 4 sau khi đại dịch Covid-19 ở nước ta được kiểm soát, đặc biệt sau vụ án Việt Á làm chấn động dư luận xã hội, đặc biệt với ngành y. Tại Hà Nội và TPHCM, các BV thiếu vật dụng YT cơ bản và các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính...
Tại cuộc tọa đàm "Các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, VTYT" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 12-8, các đại biểu cho rằng cơ chế pháp lý hiện còn những tồn tại, thể chế chưa rõ ràng, chưa minh bạch dẫn tới việc các đơn vị tham gia đấu thầu, mua sắm thuốc và VTYT còn e dè trong việc tổ chức đấu thầu. Một số văn bản pháp quy trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư không mang tính cập nhật, gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu.
TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ YT) - khẳng định, tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị YT, đặc biệt là VTYT, hóa chất, vật tư tiêu hao... khá trầm trọng và trải dài trong cả hệ thống khám chữa bệnh (KCB), từ các đơn vị trực thuộc bộ cho tới những BV tuyến tỉnh, huyện, kể các trạm YT tuyến xã. Thiếu thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng KCB, ảnh hưởng đến công bằng trong KCB. Ông Quang nhìn nhận cơ chế pháp lý còn những tồn tại, thể chế chưa rõ ràng, chưa minh bạch dẫn tới các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ YT, sở YT và các cơ sở KCB không có hành lang pháp lý đầy đủ, trở nên e dè trong việc tổ chức đấu thầu. Điều này cũng có sự tác động bởi các cơ quan kiểm tra, điều tra.
Thời gian vừa qua, để bảo đảm kịp thời công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, VTYT, các cơ quan chức năng và Bộ YT đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn, đôn đốc về công tác đấu thầu, mua sắm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương, đặc biệt là việc đấu thầu, mua sắm phục vụ công tác phòng, chống dịch vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập. Cũng theo Bộ YT, hiện có tình trạng thiếu thuốc, VTYT ở nhiều nơi, chủ yếu là các loại thuốc, VTYT thông dụng thuộc thẩm quyền mua sắm của các địa phương, đơn vị, gây ảnh hưởng đến công tác KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Bộ YT, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, VTYT là do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh kiểm tra, do vậy một số địa phương, đơn vị không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm, dù đã thực hiện việc phân cấp thẩm quyền mua sắm, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị. Một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung như trước, nhưng các đơn vị vẫn e ngại trong tổ chức thực hiện. Một số DN, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến mức giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp...
Thủ tướng: "Ai không làm thì đứng sang một bên..."
Thực tế trước khi xảy ra đại án Việt Á, ngành y cũng từng chứng kiến nhiều quan chức vướng lao lý vì đấu thầu thuốc, phải hầu tòa. Sau vụ Việt Á tiếp tục lộ ra những bất cập. "Cơn bão Việt Á" chỉ làm cho các lỗ hổng chết người ấy càng bộc lộ rõ ràng hơn mà thôi.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 vào sáng 13-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Bộ: YT, Kế hoạch - Đầu tư, TC, các địa phương chỉ đạo để đảm bảo đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị YT, sẵn sàng cho trường hợp Covid-19 diễn biến phức tạp. Thủ tướng yêu cầu Bộ YT nhanh chóng tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh, trình ban hành nghị quyết về đảm bảo thuốc, trang thiết bị, thanh toán chi phí KCB bảo hiểm y tế.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, VTYT kéo dài... Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật, nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân". Thủ tướng kiên quyết: "Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm, vì việc mua sắm đủng đỉnh sẽ không đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân đang tính bằng giờ, bằng phút".
Trong khi chờ các Bộ YT, TC sửa đổi, khắc phục những bất cập trong đấu thầu thuốc, VTYT, vẫn còn nhiều lãnh đạo các cơ sở YT rất dũng cảm, sẵn sàng, với động cơ trong sáng, không vụ lợi, để tìm mua cho được thuốc với mức giá hợp lý, thậm chí với giá đắt mà hợp lý vẫn có thể chấp nhận. Sao không thể làm được khi mà người dân đang cần thuốc điều trị bệnh?