Kỷ niệm 75 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2020):

Nhớ mãi ngày Nam Bộ kháng chiến

Thứ Ba, 22/09/2020 10:16

|

(CATP) Trong lịch sử hiện đại của dân tộc, ngày 19-12-1946 được xem là ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Thế nhưng, trước đó hơn một năm, quân dân ta đã thực hiện "Ngày Nam Bộ kháng chiến" 23-9-1945, trực diện chiến đấu với kẻ thù tại Sài Gòn.

LUÔN CẢNH GIÁC TRƯỚC KẺ THÙ QUAY TRỞ LẠI

Trước ngày 23-9, thực dân Pháp với sự giúp đỡ của quân đội Anh (trên danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật ở Nam Bộ) đã nhiều lần gây hấn tại Sài Gòn trong âm mưu quay trở lại xâm lược, thống trị Việt Nam.

Theo bài viết "Giặc Pháp nấp sau phái bộ Anh để phá rối Nam Bộ" trên báo Cờ giải phóng số 20, ra ngày 27-9-1945 thì ngay trong ngày lễ Độc lập 2-9 diễn ra ở Sài Gòn, kiều dân Pháp và tù binh Anh đã phá rối, bắn vào đoàn mít tinh làm 47 người chết; ngày 13-9, quân đội Anh chiếm đóng Nam Bộ phủ và dung túng quân Pháp tiến hành các hành động khiêu khích; ngày 20-9, quân Anh ngang nhiên xông vào Khám Lớn thả tù binh Pháp...

Với những hành động lấn dần từng bước, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp đã đặt nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ vào cuộc chiến không thể tránh khỏi mà sự kiện ngày 23-9-1945 là điểm mốc mở đầu, tức là chỉ ba tuần sau ngày Độc lập. Diễn biến của sự kiện ngày 23-9 như thế nào?

Xem báo Cứu quốc số 50, ra ngày 24-9-1945, ta được biết sự vụ qua bài "Bọn thực dân Pháp đánh úp Sài Gòn". Bài viết cho thấy rõ âm mưu và hành động đê hèn của thực dân Pháp với sự giúp sức của quân đội Anh. Cụ thể là:

"3 giờ sáng chủ nhật 23-9-45, trong khi thành phố Sài Gòn vắng ngắt vì lệnh thiết quân luật của quân đội Anh, một đội quân Pháp, trước là tù binh nay mới được quân đội Anh thả ra, ăn mặc cải trang, chia nhau đi lén lút hành động trong các phố. Trong lúc đó, quân đội Anh cố tình làm lơ. Nhưng quân dân ta đã sẵn sàng chuẩn bị nên nhận ngay được mưu mô đánh úp của chúng và lập tức đối phó. Tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ, dân chúng Sài Gòn vùng dậy".

Về hoạt động hèn mạt của kẻ thù, báo Cờ giải phóng số 20 chỉ rõ: "Giặc Pháp đã chiếm một số công sở, xé cờ và biểu ngữ, giở thủ đoạn khủng bố dã man, bắt bớ dân chúng và các chiến sĩ Việt Minh". Nhớ lại sự kiện này, hồi ký Saigon Septembre 1945 của nhà báo Trần Tấn Quốc và Việt Nam máu lửa của Nghiêm Kế Tổ đều cho biết quân Pháp - Ấn đã chiếm Sở Cảnh sát, bót Catinat cùng Kho bạc, Nhà đèn...

Chẳng những thế, ngày hôm ấy, bài "Cuộc giao tranh với Pháp ở Nam Bộ" trên báo Cứu quốc số 51, ra ngày 26-9-1945 còn cho biết quân Pháp toan vượt ra khỏi Sài Gòn bằng cầu Ông, cầu Kiệu và cầu Marc Mahon (cầu Nguyễn Văn Trỗi hiện nay) nhưng đều bị quân ta đánh lui.

Sau xung đột Việt - Pháp ngày 23-9-1945 tại Sài Gòn, Đô đốc hải quân Pháp dArgenlieu tuyên bố với báo Le Monde rằng "cuộc chiến tranh Đông Dương" đã bắt đầu.

Ảnh tư liệu

Nhớ về sự kiện lịch sử này, trong hồi ký Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945 - 1954), Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Gia Định Phạm Văn Chiêu ghi: "Tiếng súng chống giặc đầu tiên nổ ra khắp các đường phố Sài Gòn và nông thôn Gia Định trong ngày 23-9-1945".

Hồi ức Tiếng sóng bủa ghềnh của nhà cách mạng Ngô Thị Huệ (phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) còn nhớ trong những ngày tháng 9 ở Sài Gòn, Pháp gây ra nhiều vụ khiêu khích nhằm có cớ trở lại xâm lược Việt Nam. Là người trong đoàn đón tàu chính trị Côn Đảo về đất liền ở Sóc Trăng, bà Huệ cho biết đoàn tàu của tù chính trị từ Côn Đảo trên đường về đã bắt liên lạc được với đất liền và "mọi người đã biết trong đêm hai mươi hai rạng hai mươi ba tháng chín, bọn Pháp đã gây hấn chiếm Sài Gòn".

Cuộc tái xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã khởi động ở Sài Gòn. Trước vận mệnh dân tộc nguy biến, quân dân ta đứng dậy đánh giặc. Vẫn trong Paris-Saigon-Hanoi có đoạn ghi: "Ủy ban Hành chính miền Nam ra lệnh bao vây Sài Gòn và từ Nam chí Bắc cả nước được huy động đứng lên chống "sự xâm lăng của Pháp"".

SÀI GÒN ĐỨNG LÊN KHI SƠN HÀ NGUY BIẾN

Hồi ký Tiếng sóng bủa ghềnh cho biết trước sự quay trở lại của kẻ thù "Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn đã đứng lên quyết tử với giặc Pháp, được quân đồng minh Anh giúp sức". Nguyễn Kỳ Nam trong Hồi ký 1925 - 1964 thuật lại cho hay Ủy ban Nhân dân Nam Bộ dần rút ra khỏi Sài Gòn để lãnh đạo cuộc chiến, trong khi ấy "dân quân cách mạng tăng cường các cuộc tấn công, phá hoại nhà đèn Chợ Quán, đốt chợ Sài Gòn", chợ búa không nhóm họp, xe cộ không đi lại...

Về phía Pháp, báo Cứu quốc số 52, ra ngày 27-9-1945 cung cấp thông tin trong bài "Quân Pháp đã bị thiệt hại lớn ở Sài Gòn" với số liệu cụ thể: quân Pháp chỉ chiếm được vài khu phố còn ngoại ô bị ta bao vây; 200 người chết, 40 người bị thương; quân Pháp và Pháp kiều ban đêm không dám ra khỏi cửa...

Kể từ đây, Sài Gòn và Nam Bộ bước vào cuộc chiến trực diện với kẻ thù.

Bước sang ngày 25-9, Hội đồng Chính phủ họp bàn và quyết định sẽ gửi một bản phản kháng cho Anh và Đồng minh, và một bản tuyên cáo cho quốc dân và thế giới với nội dung: Nếu người Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, thì chúng ta sẽ quyết chiến, cuộc chiến tranh sẽ xảy ra.

Trong cuộc họp ngày 26-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết đã điện cho tướng Anh Graccy kháng nghị việc quân Pháp đánh Sài Gòn. Người cũng lấy tư cách Chủ tịch Chính phủ và tư cách cá nhân, thảo một bản hiệu triệu đồng bào Nam Bộ qua sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam với tinh thần "Thà chết tự do, không sống nô lệ".

Theo bài đăng trên báo Cứu quốc số 54, ngày 29-9-1945, thư có đoạn: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp "Thà chết tự do hơn sống nô lệ".

Cuộc kháng chiến của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ đã mở đầu cho 9 năm kháng chiến "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh" của quân dân cả nước để đi tới thắng lợi quân sự cuối cùng trước thực dân ở Điện Biên Phủ và thắng lợi ngoại giao ở Genève năm 1954.

Bình luận (0)

Lên đầu trang