Toàn cảnh vụ buôn lậu 1.282 container máy móc, thiết bị cũ (kỳ 1)

Thứ Hai, 26/09/2022 08:21

|

(CATP) Vốn am hiểu các quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhưng vì muốn thu lợi bất chính mà Hoàng Duy Tiến (được xác định là chủ mưu) đã có hành vi móc nối với nhóm chủ hàng chuyên kinh doanh mua bán máy móc, thiết bị cũ. Đến lúc bị bắt, Tiến đã sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.146 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt về Việt Nam hơn 1.280 container hàng với tổng giá trị hơn 211 tỷ đồng.

Những ai bị đề nghị truy tố?

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TPHCM đề nghị truy tố 26 bị can về tội "buôn lậu", gồm: Hoàng Duy Tiến (SN 1985), Huỳnh Thị Quỳnh Trang (SN 1984), Phan Minh Tuấn (SN 1987), Nguyễn Thanh Bình (SN 1994), Nguyễn Bảo Châu (SN 1994), Lâm Hồng Đào (SN 2000), Trần Hoàng Lợi (SN 1997), Nguyễn Trung Thuận (SN 1996), Đinh Văn Hiên (SN 1985), Trần Xuân Duận (SN 1975), Dương Mạnh Linh (SN 1989), Võ Hoài Đức (SN 1995), Dương Quốc Hòa (SN 1995), Trần Đình Hùng (SN 1996), Trần Tấn Long (SN 1987), Cao Đăng Minh (SN 1992), Trịnh Hoàng Phước (SN 1998), Mai Đức Tài (SN 1994), Đinh Quang Triều (SN 1992), Nguyễn Mạnh Toàn (SN 1975), Nguyễn Thị Mai Phương (SN 1973), Nguyễn Đình Thiều (SN 1968), Phạm Toàn (SN 1982), Võ Văn Đông (SN 1967), Lê Văn Thành (SN 1984), Vũ Văn Tuấn (SN 1984).

Theo nội dung vụ án, qua công tác nắm tình hình địa bàn, Công an TPHCM phát hiện nghi vấn nhóm đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách của Nhà nước cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị cơ giới đã qua sử dụng với mục đích phục vụ sản xuất, để nhập khẩu trái phép, nhằm thu lợi bất chính.

Ngày 24-5-2021, Công an TPHCM phối hợp cùng với Chi Cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I, TPHCM tổ chức kiểm tra dừng thủ tục thông quan hàng hóa đối với 6 container hàng hóa là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng theo 6 tờ khai hải quan (của Công ty TNHH Gia Cát Thành, Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng Đại Lợi, Công ty TNHH Công nghệ sản xuất Hoàng Kim). Toàn bộ hàng hóa là máy móc, thiết bị cơ giới đã qua sử dụng.

Hải quan TPHCM phát hiện thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài nhập lậu về Việt Nam vào tháng 7-2021

Qua làm việc với người đi làm thủ tục thông qua, giao nhận 6 container hàng trên là Phan Minh Tuấn, Nguyễn Thanh Bình đã xác định toàn bộ các công ty đứng tên nhập khẩu 6 container hàng được thành lập để sử dụng vào mục đích tên mở tờ khai hải quan làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Nhật Bản, Đài Loan về Việt Nam theo quyết định số 18/2019/QĐ/TTg ngày 19-4-2019 của Thủ tướng Chính Phủ (gọi tắt là QĐ18), nhưng thực tế không sử dụng hàng hóa vào mục đích sản xuất mà giao lại cho các đối tượng khác để bán kiếm lời.

Với chức năng, nhiệm vụ công tác được phân công, Hoàng Duy Tiến cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng về phục vụ cho sản xuất của chính doanh nghiệp được quy định tại QĐ18. Lợi dụng chính sách này, Tiến đã thỏa thuận với các chủ hàng, thông qua danh nghĩa pháp nhân của các công ty do bị can thành lập để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng về Việt Nam giao lại cho các chủ hàng nhằm mua bán kiếm lời.

Hoạt động kéo dài nhiều năm

Chi phí các chủ hàng trả cho Tiến là 78 triệu đồng đến 90 triệu đồng/container hàng tùy vào thời điểm. Trong đó, Tiến sẽ lo toàn bộ chi phí đóng thuế, trả tiền vận chuyển hàng về kho, chi phí trả cho công ty giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hoá của Hải quan... Để phục vụ cho hoạt động buôn lậu của mình, Tiến thuê một số đối tượng giúp mình trong việc làm thủ tục thành lập công ty, làm hồ sơ nhập khẩu, làm thủ tục hải quan, giao dịch thanh toán chi phí cho các hoạt động liên quan...

Theo quy định về điều kiện nhập hàng theo QĐ18 là hàng hóa nhập có thiết bị, máy móc cũ được sản xuất không quá 10 năm. Thế nhưng các chủ hàng hầu hết nhập các máy móc, thiết bị cũ đã sản xuất trên 10 năm (giá rẻ hơn, về Việt Nam bán có lời). Do vậy, Tiến chỉ đạo nhân viên khi làm hồ sơ hải quan nhập các container hàng về Việt Nam thì chỉnh sửa năm sản xuất của hàng hóa trên hồ sơ đề dưới 10 năm, thành đủ điều kiện nhập.

Đồng thời, để giảm chi phí đóng thuế, Tiến chỉ đạo khai trị giá hàng nhập thấp hơn rất nhiều giá trị thật. Dù quy định doanh nghiệp được mang hoàng hóa máy móc thiết bị đã qua sử dụng về kho bảo quản chờ kết quả giám định đủ điều kiện mới cấp thủ tục thông quan thì Tiến chỉ đạo nhân viên sau khi nhận hàng ở cảng đã cho vận chuyển hàng hoá giao cho các chủ hàng đã thuê Tiến nhập về để tiêu thụ ngay mà không chờ giám định.

Máy móc cũ nhập về TPHCM

Để cấp thủ tục thông qua cho các container hàng được nhập về Việt Nam theo quy định, Tiến thỏa thuận với Công ty Cổ phần Giám định Đại Minh Việt (Công ty Đại Minh Việt) cấp chứng thư giám định khống (thực tế hàng hóa không rõ năm sản xuất, nhãn mác hoặc không còn hàng để giám định nhưng vẫn cấp chứng thư giám định đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhập theo QĐ18) cho các container hàng với giá từ 2,8 triệu đồng đến 3,2 triệu đồng/1 chứng từ tùy thời điểm.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra xác định, ngày 24-5-2021, Tiến đã sử dụng 3 công ty gồm: Công ty TNHH Gia Cát Thành, Công ty TNHH Kỹ thuật xây dựng Đại Lợi, Công ty TNHH Công nghệ sản xuất Hoàng Kim làm thủ tục mở tờ khai hải quan để nhập khẩu thông quan tổng cộng 7 container hàng để giao lại cho các chủ hàng gồm: Nguyễn Mạnh Toàn, Nguyễn Thị Mai Phương, Phạm Toàn, Nguyễn Đình Thiều, Lê Văn Thành, Vũ Văn Tuấn để tiêu thụ.

Ngày 25-5-2021, Công an tiến hành khám xét khẩn cấp các công ty nói trên thu giữ hàng ngàn bộ tờ khai hải quan kèm các chứng tư giám định, phiếu cược...Tổng cộng hàng hóa có trong 7 container có giá trị là gần 6,2 tỷ đồng. Kết quả điều tra xác định, từ tháng 9-2019 đến trước ngày 24-5-2021, Hoàng Duy Tiến đã thành lập tổng cộng 47 công ty, sử dụng tư cách pháp nhân của 45/47 công ty (mỗi công ty sử dụng pháp nhân nhập khoảng vài chục container hàng, sau đó thì bỏ công ty cũ, thành lập công ty mới để tránh bị phát hiện) mở 1.146 tờ khai hải quan, nhập lậu hơn 1.280 container và 7 tờ khai hải quan 7 container hàng vào ngày 24-5-2021.

Kết luận điều tra thể hiện, để phục vụ cho hoạt động buôn luận, tháng 8-2019, Tiến thuê Lê Trần Viết Luân giúp Tiến điều hành các hoạt động thành lập các công ty, làm hồ sơ nhập khẩu, thanh toán thuế, thanh toán chi phí vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam, cắt/niêm seal hải quan... các container hàng máy móc thiết bị cũ được nhập khẩu về Việt Nam để giao cho các chủ hàng.

Luân thuê thêm Huỳnh Thị Quỳnh Trang, Phan Minh Tuấn, Nguyễn Bảo Châu để phụ giúp. Tuy nhiên giữa Tiến và Luân xảy ra mâu thuẫn từ đầu năm 2020 nên Luân nghỉ việc. Tiến tiếp tục điều hành các hoạt động trên. Trang, Tuấn, Châu vẫn tiếp tục làm việc cho Tiến. Đến tháng 3 và 4-2020, Tiến thuê thêm Nguyễn Thanh Bình, Trần Hoàng Lợi, Nguyễn Thị Anh Thư, Nguyễn Trung Thuận.

Tiến mượn và sử dụng CMND của Lâm Hồng Đào (bạn của Tiến) và người thân của Đào là Lâm Hồng Điệp (mẹ của Đào), Trần Ngọc Châu (em của Đào), Nguyễn Thị Thanh Thảo (người quen của Đào), đưa cho Huỳnh Thị Quỳnh Trang làm thủ tục thành lập nhiều công ty khác nhau để đứng tên pháp nhân nhập khẩu hàng hóa theo QĐ18 để phục vụ hoạt động buôn lậu.

Các công ty này đều không có nhà xưởng, không hoạt động sản xuất, không sử dụng bất kỳ máy móc, thiết bị cũ nào đã nhập khẩu. Để vận chuyển các container hàng từ cảng về các kho bãi cho các chủ hàng, Tiến thuê các Công ty khác để vận chuyển. Các nhân viên do Tiến thuê, mỗi người được phân công công việc cụ thể trong quá trình Tiến nhập khẩu máy móc thiết bị cũ về Việt Nam.

Quy trình nhập lậu khép kín

Tất cả các container hàng mà Tiến thông qua danh nghĩa pháp nhân các công ty do Tiến thành lập, để nhập về Việt Nam đều giao lại cho các chủ hàng để mua bán kiếm lời, không sử dụng vào phục vụ sản xuất như khai báo với cơ quan chức năng. Chi phí các chủ hàng trả cho Tiến từ 78 triệu đồng đến 90 triệu đồng/container hàng, tùy theo thời điểm đã bao gồm tiền thuế, phí vận chuyển hàng, phí giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hoá của hải quan... Ngoài ra, trong quá trình nhập khẩu các container hàng về Việt Nam nếu có phát sinh chi phí như lưu, sửa container hàng, "tiền bãi"... thì Tiến sẽ báo riêng cho từng chủ hàng đối với từng container hàng cụ thể.

Theo thỏa thuận giữa Tiến và các chủ hàng, Tiến sẽ gửi thông tin các công ty của Tiến thành lập, mà Tiến dùng để đứng tên pháp nhân nhập khẩu container hàng cho các chủ hàng; các chủ hàng tự liên hệ, tìm kiếm nguồn hàng máy móc, thiết bị cũ ở nước ngoài và làm hồ sơ xuất khẩu hàng. Khi các container hàng trên đường vận chuyển theo đường biển về Việt Nam thì các chủ hàng gửi thông tin hợp đồng thương mại (invoice) gốc, vận đơn (bill tàu), danh mục hàng hoá (list hàng) gốc của container cho Tiến để Tiến chỉ đạo các nhân viên của mình để làm hồ sơ, thủ tục nhập khẩu container hàng đó tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, TPHCM khai báo gian dối mục đích nhập khẩu là phục vụ sản xuất cho chính công ty đứng tên nhập khẩu.

Sau khi các nhân viên của Tiến làm xong các thủ tục nhập khẩu hàng hóa và các container hàng được lấy khỏi Cảng Cát Lái Tiến liên hệ với công ty vận chuyển cung cấp số điện thoại của các chủ hàng hoặc người làm thuê cho các chủ hàng theo từng container tương ứng điều phối các nhà xe vận chuyển các container về kho, bãi giao cho các chủ hàng. Với các container vận chuyển ra phía Bắc thì Tiến thuê, liên hệ trực tiếp với các nhà xe để vận chuyển.

Mỗi lần nhập container hàng vào Việt Nam và giao về kho thành công thì các chủ hàng thanh toán tiền cho Tiến theo thỏa thuận tùy thời điểm. Hình thức thanh toán chủ yếu là chuyển khoản vào tài khoản của các công ty của Tiến và tài khoản của một số người trong công ty của Tiến.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang