Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

Thứ Hai, 26/09/2022 08:31

|

(CATP) Sau khi nhận được đơn tố cáo của nhiều cán bộ công nhân công ty, cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và xác định, sai phạm của bị can Chu Tiến Dũng và đồng phạm đã gây thất thoát hơn 22 tỷ đồng tại Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS). Ngoài ra, các bị can còn nhiều sai phạm khác liên quan đến công ty con của CNS, gây thất thoát tài sản Nhà nước lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Bị nhân viên tố cáo nhiều vấn đề

Ngày 23-9, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT - Bộ Công an) cho biết, đơn vị vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị can Nguyễn Hoành Hoa (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, gọi tắt là CNS) cùng 9 bị can khác cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các bị can cùng bị đề nghị truy tố gồm: Chu Tiến Dũng (cựu Tổng giám đốc CNS); Nguyễn Hoàng Anh (cựu Chánh văn phòng CNS, Phó tổng giám đốc CNS); Đỗ Văn Ngà (cựu Kế toán trưởng CNS); Vũ Lê Tùng, Huỳnh Tấn Tư (cùng là cựu Phó tổng giám đốc CNS); Nguyễn Đức Vượng (cựu Chánh văn phòng CNS); Lê Viết Ba (cựu Phó phòng tài chính - kế toán CNS); Phạm Thúy Oanh (cựu Kế toán trưởng TIE, là người đại diện quản lý phần vốn góp của CNS tại Công ty TIE là công ty con của CNS, cựu Phó tổng giám đốc TIE); Hoàng Minh Trí (người đại diện quản lý phần vốn của CNS tại TIE, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung, thuộc CNS).

Theo kết luận điều tra, CNS là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo mô hình công ty mẹ và công ty con. Trong đó, CNS chiếm 70% vốn điều lệ của TIE. Ngày 15-01-2019, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) tiếp nhận đơn tố cáo của tập thể cán bộ, công nhân viên CNS, tố cáo Chu Tiến Dũng có một số hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, công nhân viên CNS tố cáo ông Dũng các vấn đề như: rút tiền từ quỹ khen thưởng người lao động số tiền 21,8 tỷ đồng; chỉ đạo thoái vốn của CNS tại Sagel và TIE, gây thiệt hại tài sản Nhà nước 1,7 tỷ đồng; thông qua việc góp vốn hợp tác đầu tư kinh doanh ngoài ngành với Công ty TNHH TM - DV Hoa Mai bằng quyền sử dụng đất được định giá thấp hơn so với giá trị thị trường, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Phối cảnh trụ sở Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn

Bên cạnh đó, rút tiền của công ty thông qua thanh toán bằng thẻ tín dụng, số tiền 1,2 tỷ đồng; sử dụng tiền của công ty để chi cho mục đích cá nhân được hợp thức dưới danh nghĩa đi công tác nước ngoài số tiền 1 tỷ đồng và rút 3,6 tỷ đồng thông qua việc yêu cầu CNS mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động trái quy định Nhà nước để nhận tiền "chăm sóc khách hàng" từ công ty bảo hiểm.

Ẩn số đáng ngờ sau 2 lần thoái vốn

Cơ quan ANĐT xác định, bị can Chu Tiến Dũng và đồng phạm đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng CNS, gây thất thoát 17,3 tỷ đồng và thực hiện thoái vốn đầu của CNS tại TIE trái quy định, gây thất thoát hơn 4,6 tỷ đồng. Trong việc thoái vốn tại TIE, ông Nguyễn Hoành Hoa "có vai trò cầm đầu".

TIE là công ty con của CNS, trong đó CNS sở hữu 70% vốn góp. Tháng 12-2009, TIE niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, có mã chứng khoán TIE. Trước ngày 21-3-2016 (trước khi CNS thoái vốn lần 1 tại TIE), 3 cá nhân được CNS cử làm người đại diện quản lý 70% vốn góp của CNS tại TIE, gồm ông Vũ Quốc Vinh (đại diện 61%), bà Phạm Thúy Oanh (đại diện 5%), ông Hoàng Minh Trí (đại diện 4%). Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE, CNS đã chỉ đạo người đại diện vốn xây dựng phương án thoái vốn để CNS phê duyệt và thực hiện thoái hết vốn tại TIE vào ngày 21-3-2016 và 27-12-2016.

Ngày 22-5-2015, ông Dũng ký công văn gửi người đại diện vốn của CNS tại doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp có vốn góp đầu tư của CNS về việc thực hiện kế hoạch thoái vốn. Sau đó, người đại diện vốn của CNS tại TIE cùng ký phương án thoái vốn, đề xuất phương án chuyển nhượng 50% vốn của CNS tại TIE, trong đó dự kiến thời gian hoàn tất thực hiện lộ trình giao dịch cổ phiếu để thoái vốn là 58 ngày, hình thức bán cổ phần.

Ông Chu Tiến Dũng

Cuối tháng 12-2015, CNS nhận được các báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh quý/năm của các công ty con của CNS, trong đó lợi nhuận tạm tính năm 2015 của TIE 10,5 tỷ đồng. Các ông Nguyễn Hoành Hoa, Chu Tiến Dũng, Đỗ Văn Ngà biết rõ TIE đã kết thúc năm tài chính 2015 và có phát sinh lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, CNS sẽ được quyền hưởng phần lợi tức phát sinh này với tư cách cổ đông sở hữu tỉ lệ 70% vốn góp tại TIE.

Tuy nhiên, các ông này không tham mưu, đề xuất, chỉ đạo người đại diện vốn của CNS tại TIE thực hiện các biện pháp điều chỉnh phương án, thời điểm thoái vốn tại TIE để bảo vệ lợi ích phát sinh của CNS tại TIE, khiến CNS bị mất quyền nhận cổ tức năm 2015 tại TIE tương ứng tỉ lệ cổ phiếu đã bán với số tiền sẽ được hưởng nếu chưa thoái vốn là 3,3 tỷ đồng (4,785 triệu cổ phiếu x 700 đồng/cổ phiếu = 3,3 tỷ đồng).

Sau khi thoái 50%, CNS còn lại 20% vốn góp tại TIE. Ngày 31-3-2016, TIE gửi báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 cho CNS và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, đồng thời công bố thông tin trên cổng thông tin điện tử của sàn giao dịch chứng khoán TPHCM lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2015 của TIE là 12,1 tỷ đồng.

Ngày 28-4-2016, TIE tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên và ban hành nghị quyết chia cổ tức năm 2015 cho cổ đông theo tỉ lệ 7%/vốn điều lệ (1 cổ phiếu được nhận 700 đồng). Ngày 29-4-2016, ông Nguyễn Hoành Hoa ký công văn gửi UBND TPHCM, Ban Đổi mới và quản lý doanh nghiệp xin thoái hết vốn tại TIE. Tuy nhiên, ông Hoa không báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của TIE và phần cổ tức dự kiến mà CNS sẽ được nhận tại TIE, cũng như ảnh hưởng của việc CNS thực hiện thoái vốn tại TIE sẽ bị mất quyền nhận cổ tức năm 2015 tại TIE theo quy định của pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp.

Ngày 25-8-2016, mặc dù biết rõ CNS chưa nhận được cổ tức năm 2015 do TIE chưa tổ chức chia cổ tức, nhưng ông Nguyễn Hoành Hoa, Chu Tiến Dũng vẫn cho thực hiện thoái hết vốn theo phương án do người đại diện vốn đề xuất mà không đề xuất HĐTV điều chỉnh phương án, chọn thời điểm thoái vốn để CNS được nhận cổ tức năm 2015 tại TIE. Như vậy thông qua việc lựa chọn thời điểm, phương án để thực hiện thoái vốn lần 2 tại TIE, CNS đã bị mất quyền được nhận cổ tức năm 2015 tại TIE tương ứng với tỉ lệ cổ phiếu đã bán là 1,3 tỷ đồng (1,9 triệu cổ phiếu x 700 đồng/cổ phiếu).

Ông Nguyễn Hoàng Anh khi được bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên CNS

Thêm nhiều sai phạm của CNS và các công ty con

Sai phạm trong việc chi sai quy định quỹ khen thưởng và thoái vốn của CNS tại TIE đã gây thiệt hại 22 tỷ đồng. Cơ quan điều tra còn cho biết, có nhiều sai phạm khác trong hoạt động của CNS và các công ty con. Các công ty Sagel, TIE, Hoa Mai, Nova Sagel, TIE - EXIM, MEGA - TIE là các công ty có vốn góp của CNS hoặc các công ty con của CNS. Trong đó Sagel có 51% vốn góp của CNS; TIE có 70% vốn góp của CNS; Hoa Mai có 26% vốn góp của CNS; Nova Sagel có 26% vốn của Sagel, 73% vốn của Nova, 1% của Công ty CP địa ốc Thành Nhơn; TIE - EXIM có 29% vốn của TIE, 69% vốn của Công ty CP bất động sản EXIM, 6% của bà Nguyễn Ngọc Anh Thư; MEGA - TIE có 26% vốn của TIE, 74% vốn của Công ty CP ngôi nhà MEGA.

Cơ quan ANĐT Bộ Công an cho biết, có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. Việc Sagel chuyển nhượng, thanh lý tài sản cố định tại khu đất 119 Phổ Quang khi hợp tác đầu tư dự án, việc CNS thực hiện thoái vốn tại Sagel; việc Sagel góp vốn hợp tác với Nova thành lập Nova Sagel để đầu tư dự án tại 119 Phổ Quang...

Theo kết luận điều tra, việc Sagel hợp tác với Nova thành lập Nova Sagel để đầu tư dự án tại 119 Phổ Quang, lựa chọn, đề xuất và UBND TPHCM chấp thuận công nhận Nova Sagel làm chủ đầu tư dự án, chuyển mục đích sử dụng đất cho Nova Sagel đầu tư xây dựng tại 119 Phổ Quang, chấp thuận giải quyết cho Nova Sagel tạm nộp tiền sử dụng đất... là không đúng đối tượng, trái quy định của pháp luật.

Cơ quan điều tra đánh giá những hành vi vi phạm pháp luật này là nguyên nhân dẫn đến hậu quả là quyền sử dụng đất tại khu đất 119 Phổ Quang (của Nhà nước) bị chuyển dịch từ Sagel (có vốn góp của Nhà nước) sang Nova Sagel (doanh nghiệp tư nhân). Trong khi UBND TPHCM chỉ nhận khoản tiền tạm nộp 232,5 tỷ đồng của Nova Sagel mà không thu được tiền sử dụng đất để nộp ngân sách theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước 1.677 tỷ đồng, có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT Bộ Công an chưa triệu tập, lấy lời khai được với ông Nguyễn Như Hưng - Tổng giám đốc Sagel, người đại diện vốn của CNS tại Sagel - do đã xuất cảnh trước khi vụ án được khởi tố nên chưa làm rõ được việc bàn bạc, thỏa thuận giữa ông Hưng và các cá nhân liên quan. Đồng thời, chưa có đủ căn cứ xem xét trách nhiệm của Sagel khi liên doanh với Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova và Công ty cổ phần địa ốc Thành Nhơn thành lập Nova Sagel để đầu tư dự án 119 Phổ Quang, trách nhiệm của công ty mẹ là CNS và các đơn vị liên doanh hợp tác đầu tư.

Do đó để đảm bảo tính toàn diện, triệt để khi xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản Nhà nước xảy ra tại Sagel, TIE và Hoa Mai nêu trên, Cơ quan ANĐT tách các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật này để tiếp tục điều tra, xác minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang